TIẾN SĨ PHẬT HỌC, TIẾN SĨ KHOA HỌC, TIẾN SĨ THẦN HỌC...


Tiến sĩ nào cũng là tiến sĩ, chung quy tiến sĩ nào cũng là phàm phu thôi mà. Vì vẫn là phàm phu thì tiến sĩ cũng có thể phạm tội như một kẻ ăn trộm nghèo hèn, kẻ giựt dọc giang hồ chợ hổm.
Có khác chăng thì chỉ có người tu phạm hạnh đã vứt bỏ dục ái, ảo danh thì mới may ra có chút khác với người đời cầm nắm đầy danh phận.
Đi tu chỉ cần còn cái muốn thôi dù nhỏ nhất cũng là tâm ô nhiễm, nên muốn mần tiến sĩ thì mần, còn muốn thật sự tu thì khỏi muốn... mần cái gì cả, vị ấy hiểu chức danh hay học hàm chỉ là danh chế định mà thôi.
Pháp giải thoát của Đức Phật không phải dành riêng cho bậc trí thức hay bậc tiến sĩ xuất chúng, mà đơn giản chỉ là pháp từ bỏ để giải thoát cho tất cả những ai đã khai ngộ và sẵn sàng buông bỏ để được lợi lạc tối thượng.
Tuy nhiên pháp buông bỏ sẽ chắc chắn sẽ không dành cho kẻ đang ôm lắm danh phận phàm tục, nhất là danh phận trên đường tu, bởi tất cả danh phận trên thế gian chỉ là thành trì bảo vệ kiên cố cái ngã mạn và lợi dưỡng mà thôi.
-----
Chuyện kể có nhà Sư sống đời sống khổ hạnh nơi rừng núi, Ngài không muốn bị phiền quấy bởi thế gian, nên ban Ngài chọn một khu rừng cạnh một thành phố để tu, mỗi ngày thong dong ra chợ khất thực hóa duyên.
Do chúng sanh trợ duyên cảm nhận được năng lượng thiên pháp của vị Sư nên bắt đầu sanh tâm ái nhiễm, cúng nhiều đồ ngon lạ. Ngài nhận thấy sự bất an từ việc thọ nhận, do đồ ngon vật lạ đã quấy nhiễu tâm Ngài không ít. Ngài bèn đi sâu vào ngồi rừng gần làng, xa thành phố.
Mỗi sáng Ngài cũng xuống làng khất thực, sự việc này khiến cho chúng sanh thêm suy tôn và đồn đãi, tấp nập đi tìm và tổ chức đón tiếp đặt bát. Một lần nữa Ngài lại thấy phiền não do sự ái nhiễm, nên Ngài thay đổi 2 ngày xuống làng 1 lần, ngày ở trong rừng Ngài sống bằng nước suối rồi hành thiền.
Điều này Ngài cảm thấy an lạc được đôi chút thì đến ngày xuống làng thì số người chờ đợi với tâm ái nhiễm gấp bội, nên sau đó Ngài quyết định đi sâu hơn vào rừng để chỉ xin ăn của mấy người phu củi. Ngài dời sâu bao nhiêu thì đoàn người phá rừng dựng lán trại chờ sự xuất hiện của Ngài càng nhiều đến đó. Ngài quyết định cách ly khỏi dòng người ái nhiễm đang bao vây bên ngoài bằng cách không xuất hiện để thọ nhận.
Bởi lần xuất hiện ngoài phố chợ đã vô tình người ta biết và lũ lượt kéo đến tận đây vì ái nhiễm. Không ai còn nhìn thấy Ngài từ đó. Những người phu củi đi sâu vào rừng cũng không gặp được Ngài, họ phát tâm thì đặt phần thức ăn của mình đâu đó trong rừng để mong Ngài có cái ăn mà tu tập.
Một điều lạ là khu rừng nơi Ngài cư ngụ trước đây từng bị quấy phá, san bằng dựng lán trại trơ trụi, thì nay người ta nhận thấy hoa lá cũng tươi tắn và xanh đẹp hơn, thú vật tụ về sống hòa thuận như một công viên giữa rừng, tất cả tốt đẹp là nhờ nương tựa năng lượng thiện pháp của vị chân tu đang ở trong khu rừng. Người ta phát hiện rất nhiều thức ăn do các con vật, do dòng suối mang đến cúng dường Ngài.
Thế mới biết sự ái nhiễm của thế gian đáng sợ như thế nào với 1 nhà chân tu đạo giải thoát. Hơn 10 năm sau tu tập trong rừng sâu, Người ta thấy Ngài xuất lâm và giảng dạy giáo Pháp, vẫn trên căn bản sống khổ hạnh, đó là lời dạy khác hoàn toàn với 10 năm trước kia Ngài ôm bát ra chợ, bởi đây là lời dạy của vị đã chứng đắc và khai ngộ, tâm đủ kiên cố để tránh mọi ô nhiễm.
Ngày nay lắm người tu mới là Sadi đã đăng đàn online nói pháp, gọi là độ sanh, ở 1 nơi nói chưa đủ mà còn tìm cách bay nhảy khắp thế giới như 1 nhà thuyết pháp thành đạt tựa doanh nhân.
Đúng là có họ thì dân tình xôn xao, cơ hội nghe được nhiều hơn, nhưng tất cả là lời dạy của kẻ phàm phu chưa từng trải nghiệm chứng đắc, nên phần lớn đi dạy theo tư kiến, quan kiến phàm phu, nên càng nhiều người túm tụm lại nghe thì tà kiến càng được nhân lên, điều này không có lợi mà thêm hại, cho đường giải thoát của chúng sanh bị phủ một lớp sương tà kiến dầy đặc. Chẳng thà không biết, chưa biết vậy mà dễ giáo huấn, chứ tưởng biết hay đã biết rõ mà biết theo tà kiến thì đường quay trở lại bến giác càng xa mịt mù.
Các tu sỹ ngày nay thích nói, thích lý giải, để vững chắc cho lời nói và lý giải, họ thường tìm cách gắn thêm cái học hàm chi đó để chúng sanh thêm phần ngưỡng mộ.
Rất ít tu sĩ ngày nay thấy được ái nhiễm là trở ngại, ho cố gắng tạo tác chùa to, tượng lớn để quyến dụ số đông đến nghe và ái nhiễm lời của kẻ chuyên tu bằng chữ nghĩa, tu bằng miệng lưỡi. Mà đã tu bằng mắt thấy, bằng miệng lưỡi, tức là tu phóng lục căn, trái ngược với sự phòng hộ lục căn của vị Tỳ Khưu đang thực hành thanh tịnh đạo. Sư không thanh tịnh thì sao thế gian được lợi mà thanh tịnh ?
Khổ thay ngày nay các tu sĩ "thọ nhận” khá nhiều giấy mực của thế gian để ghi chức danh và học hàm. Các đệ tử thuộc làu làu các bằng cấp và chức danh ông thầy nhiều hơn biết vị ấy có giới hạnh gì? Họ xem học hàm và chức sắc của sư phụ mà mình quy y như là vật bảo chứng cho sự tu đúng đường của mình.

VỊ TIẾN SĨ SẼ KHÓ VÀO TU TRONG RỪNG, BỞI NƠI ẤY KHÔNG CÓ CHỔ TREO BẢNG TIẾN SĨ THẾ GIAN.
———
(BĐG July 2019)


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...