Trong cuộc sống, mỗi khi ta giận, cơn giận
là của chính ta chứ không phải do ai khác đem tới. Hoàn cảnh dù có bức ngặt như
thế nào, người kia (người yêu, người thân, đối tác, đồng nghiệp...) dù có đối xử
tệ bạc như thế nào thì cũng chỉ đóng vai trò tác động thôi, ta mới chính là tác
giả của cơn giận. Tại vì cùng một tình huống xảy ra nhưng người khác sẽ phản ứng
không giống với ta. Họ có thể điềm tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn, bền bỉ hơn hay ít
đau đớn hơn.
Tuy ta có tài năng để kiếm thật nhiều tiền
hay làm cho người khác ngưỡng mộ, nhưng đối với cơn giận ta thường hay bất lực.
Mỗi lần lửa giận bốc cháy ta chỉ biết đuổi theo người kia để trả đũa, tại vì ta
nghĩ làm như vậy ta mới hết giận.
Nếu không túm được kẻ kia thì ta cũng sẽ
tìm cách để tống năng lượng giận hờn ra ngoài, để cho nó thiêu rụi mọi thứ
chung quanh thì ta mới hả dạ. Lần nào cũng như lần nấy, khi bị cảm xúc giận hờn
khống chế ta như tê liệt hoàn toàn, cũng như em bé ba tuổi khi đói khát
hay nóng bức thì chỉ biết khóc thét lên chứ không biết làm gì khác. Trong khi
đuổi theo kẻ khác thì ngọn lửa giận vẫn tiếp tục đốt cháy thân và tâm ta. Dù ta
có trừng phạt được kẻ kia, làm cho họ thật khổ sở và ta có cảm giác hài lòng
thì sự thực chính ta vẫn là kẻ thiệt thòi nhất. Một cái giá rất đắc phải trả
sau khi cơn bão giận dữ đã qua. "Sự giận dữ giống như axit, có thể gây hại
nhiều cho vật chứa hơn là cho bất cứ thứ gì mà nó đổ lên."
Phản ứng khác biệt này tùy thuộc vào nhiều
lý do:
Thứ nhất là bản năng tự nhiên. (Tập khí)
Thứ hai là thói quen tập dợt.
Thứ ba là tâm lý bế tắc.
Thứ tư là nhận thức sai lầm.
Thứ năm là khả năng chấp nhận.
Trong đó, khả năng chấp nhận mới là
nguyên nhân quan trọng khiến cho cơn giận hình thành và phát triển. Chấp nhận
thì không chống cự. Vậy thay vì tìm cách thay đổi hoàn cảnh, ta hãy quay về học
cách mở rộng trái tim mình, đổi thay nhận thức, không buông xuôi để hình thành
thói quen, tìm cách vượt qua chứ không vượt thoát. Bởi thực tế ta không thể nào
làm cho mọi hoàn cảnh hết khó khăn, nhưng ta có thể làm cho trái tim mình rộng
mở. Khả năng chấp nhận cũng phải thực tập như ôn văn, như luyện võ vậy, đợi đến
khi cơn giận ùa tới thì khác gì đợi khát nước mới đào giếng, làm sao điều tiết
kịp?