NẾU KHÔNG THỂ HỒN NHIÊN NHƯ TRẺ THƠ THÌ...

Ngày nào nội tâm chúng ta vẫn bất an, lo âu, phiền muộn thì ngày đó ta vẫn ở ngoài cõi nước Thiên Đường. Cõi nước trời, Thiên Đường là sự bình an. Cõi Tây Phương, Niết Bàn là sự vắng mặt của sự thiêu đốt ích kỷ, hẹp hòi.

Nếu thực sự được sự phán xét cứu rỗi do lòng từ bi, bác ái của Phật, của Chúa đi chăng nữa, mà nội tâm chúng ta vẫn còn mãi tham cầu tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài thì cảnh giới Thiên Đường hay Niết Bàn nào đó cũng trở thành bất an như thường. Vì sự tìm cầu những giá trị bên ngoài do sự ăn, mặc, chưng diện... thường đem lại là chúng ta những nỗi truân chuyên, nhọc nhằn.

Ăn được miếng ăn ngon thì thích thật, vui thiệt nhưng qua 3 tấc lưỡi rồi thì bằng nhau, đó là chưa kể các món ăn đó có thực sự tốt lành hay không, (vì càng ngon càng hóa chất nhiều), kéo theo nhiều hậu quả ít ai ngờ. Ngủ phòng máy lạnh, trên những tấm nệm êm ái thơm mát thì sướng rơn, nhưng càng êm ái bao nhiêu thì càng vùi đầu vào sự mê ngủ bấy nhiêu, tâm trí ám độn, u mê. Sở hữu một chiếc xe đẹp làm cho người lái tự hào trong vài giây phút và thật hạnh phúc khi lướt chạy thật êm trong sự ngưỡng mộ của bao nhiêu con mắt người đi đường, ai biết được sự ngây ngất đó làm người lái lơ đễnh và tai nạn có thể xảy ra kéo theo bao nỗi bất an sau đó.

Hạnh phúc bên ngoài là thế, luôn là những hào nhoáng, lướt qua nhanh chóng và tiềm ẩn những bất an. Tâm lý con người thích đi tìm kiếm bên ngoài hơn vì nó dễ thấy, dễ nắm bắt, dễ cảm nhận qua mắt tai mũi lưỡi... cho nên các Đạo sĩ, Đạo sư vô lương tâm có dịp lừa bịp. Họ tha hồ lòe mắt các tín đồ ngây ngô bằng các cảnh giới Tây Phương, Thiên Đường lãng mạn ở đâu đó, có suối chảy là rượu ngon, sữa ngọt, lá reo, chim hót là âm nhạc thính phòng, trái cây ăn vào thì thơm mát, nhẹ nhàng sảng khoái...... chim trời cá nước, mây bay thú chạy đều là Pháp âm nhiệm mầu và là bạn lữ.

Phải chăng đó là những cái bánh vẽ, các hình ảnh biểu tượng để thể hiện sự bình an nội tâm hóa hiện ra.

(Trời đất! Cái thân này mỗi ngày đều rỉ ra bao nhiêu thứ nhơ nhớm hôi tanh qua chín cái lỗ (hai con mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, lỗ miệng.... "cửu khiếu") thì ở Thiên Đường còn ăn, còn uống mấy thứ đó thì thơm mát, ngon ngọt cái nỗi gì.)

Thế cho nên, ngày nào chúng ta còn tranh giành đuổi bắt những giá trị hạnh phúc tạm bợ bất an bên ngoài để xây dựng cảnh giới Cực Lạc, Thiên Đường, rồi mong chờ ngày phán xét cứu rỗi cuối cùng là điều không bao giờ có thể. Trong nhà Thiền gọi là đi tìm "lông rùa sừng thỏ" (tìm cái không có).

Thiền là sự dừng lắng, chứ không phải sự đuổi bắt các cảm xúc lăng tăng, sự truy lùng, truy xét các tư tưởng linh tinh. Sự hồn nhiên và thơ ngây với trẻ con thì dễ nhưng với người lớn thì thật khó. Ai rồi cũng phải trở về, và chỉ có cách trở về như thế mới phù hợp, nếu bây giờ không tập thì đợi chừng nào nữa đây.......