Có rất nhiều người bảo làm
từ thiện “dễ ợt”, nhưng theo chúng tôi thực tế không phải vậy. Người làm công
tác từ thiện ngoài lòng yêu thương, chia sẻ, năng lực tài chánh còn phải biết
hoạch định cho số tiền mà mình bỏ ra sao cho xứng đáng. Tức là không đem của bỏ
sông bỏ biển mà phải có một ý nghĩa nhất định. Chúng ta đã làm được những gì
khi mỗi năm đóng góp công và của cho công tác từ thiện xã hội?
Từ thiện đúng nghĩa là
cách thể hiện lòng từ bi và chia sẻ, nhưng cách mà các tổ chức, các nhóm, các
đoàn từ thiện lâu nay làm để giúp đỡ người nghèo theo cách mang quà cứu trợ, tiền
mặt, lương thực, quần áo… chưa đem lại sự thay đổi tận gốc rễ. Nói cách khác,
giúp họ có cái ăn, cái mặc ngay lúc này và tại đây...
Hết hàng cứu trợ rồi thì họ sẽ ra sao? Không ai biết.
Vì thế, hết đoàn cứu trợ này đến đoàn cứu trợ khác, người nghèo mang trong mình tâm lý mong đợi và trông mong vào những thứ vật chất mà mình không tự làm ra. Chính lối “cho” nầy đã làm người “nhận” thêm thụ động, mang tâm lý chờ đợi, ỷ lại vào các đoàn từ thiện. Từ thiện hình thức, từ thiện phong trào đã và đang chọn cách “cho” này.
Nhiều người cho đây là lối làm có tác dụng tức thì, tay trao tay, niềm vui nối tiếp niềm vui và người nghèo được chia sẻ ngay tại thời điểm hiện tại mà không phải “đầu tư” về lâu dài.
Riêng chúng tôi cho rằng
làm từ thiện không dễ như người ta vẫn tưởng. Bởi lẽ, ngày nay làm công tác từ
thiện có thể coi như một phần của cuộc sống, của ngành nghề. Do vì, công ty,
công đoàn, gia đình, trường học... nếu họ muốn, họ vẫn đóng góp quỹ hàng tháng,
hàng năm để làm từ thiện được. Do đó, người đứng ra vận động từ thiện cũng đồng
thời phải là người chủ dự án, cho nên đòi hỏi phải có chuyên môn, chuyên nghiệp
cao. Vì thế, muốn công tác từ thiện xã hội có hiệu quả cần phải thay đổi tư duy
trong cách làm từ thiện.
Nói đến truyền thống tương
thân, giúp đỡ và lòng nhân thì đời nào cũng có, đồng hành và chung tay góp sức
cùng với xã hội xóa bớt đói nghèo, góp sức và có mặt ở mọi vùng miền đất nước để
giúp người nghèo vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống nơi nào cũng
có.
Tuy nhiên, nói một cách công tâm, chúng ta chủ yếu làm từ thiện bằng cách mang cho họ một cái bánh, một con cá, một chén cơm mà không trao cho họ “chiếc cần câu, cái cày” để hỗ trợ cho họ phương tiện, để họ tự mình câu cá, tự tìm ra hạt gạo…
Một nguyên nhân dễ thấy là
do cơ chế của chúng ta và do thói quen làm từ thiện không đầu không đũa, không
quy về một mối, mạnh ai nấy làm, chưa có một mô hình bền vững. Một vấn đề tế nhị
nhưng vẫn phải nói ra, đó là khi người ta bỏ đồng tiền ra thì họ vẫn muốn được
can thiệp vào công việc tổ chức, muốn được quyền bắt người khác làm theo ý
mình, muốn đánh bóng tên tuổi..v.v.. Đây cũng là vấn đề “lực bất tòng tâm” hiện
nay.
Làm từ thiện hiện nay, muốn
đạt hiệu quả thiết thực, có giá trị phải biết hoạch định qua các dự án ngắn,
trung và dài hạn một cách rõ ràng, hiệu quả từng giai đoạn. Bằng cách hỗ trợ
cho người nghèo phương thức, phương tiện lao động trên mảnh đất của chính họ.
Có như thế, người nghèo không chỉ thoát nghèo mà sẽ có ý thức vươn lên bằng
chính năng lực, tư duy, cố gắng của chính bản thân họ nơi mà họ đang sinh sống.
Riêng chúng tôi cho rằng cần
phải thay đổi tư duy trong công tác từ thiện. Thay vì tặng cho người nghèo một
cục tiền, hay số thực phẩm đủ sống vài tuần, vài tháng, với số tiền đó người ta
có thể mua một phương tiện gì đó, đào tạo một nghề nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật... để
giúp họ canh tác, lao động sản xuất.
Làm từ thiện chuyên nghiệp
bắt buộc các nhà hoạt động từ thiện phải lập dự án cho từng nhóm đối tượng, dự
án sẽ có tác dụng như thế nào cho từng giai đoạn và quan trọng nhất là đối tượng
chính của dự án sẽ được hưởng lợi và lợi ích gì trong thời gian cụ thể.
Dự án cho người nghèo hẳn nhiên phải giúp họ cải thiện đời sống tinh thần, kinh tế hiện tại qua việc trợ vốn hoặc cách thức giúp họ nhận biết năng lực của chính mình, hoặc dạy họ các kỷ năng trong lao động, kinh doanh. Và quan trọng phải giúp họ ý thức rằng những giá trị tinh thần, vật chất này là do anh tự làm ra và phục vụ cho chính anh, phải biết suy nghĩ các khả năng sẵn có để lao động, ý thức vươn lên và làm giàu từ chính nơi mà mình đang sống.
Có sự hỗ trợ về tinh thần,
có người quan sát kiểm tra, dự án sẽ đi vào hiện thực cộng với ý chí vươn lên của
người nghèo thì chắc chắn họ sẽ có sự thay đổi căn cơ hơn. Để làm được việc
này, người chủ dự án phải có sự yêu thương thật sự, nhiệt tình, thời gian và bắt
buộc người hoạt động từ thiện xã hội phải học, bổ sung kiến thức chuyên môn và
biết hành động vì sự tốt đẹp của cộng đồng.
Đâu phải ai cũng có thể làm công tác TTXH, ngoài tiền của, cái tâm tương cảm với các hoàn cảnh đáng thương, khó khăn, còn cần nhiều tố chất khác. Người tổ chức công tác TTXH còn phải biết công tâm, minh bạch, có tầm nhìn sâu, nhìn rõ, nhìn xa để biết cách lập và thực hiện đề án xã hội đem đến hiệu quả thiết thực nhất, biến cái không thể thành có thể...