KHÔNG THỂ ĐỢI ĐƯỢC NỮA ĐÂU!

Vào buổi chiều 29/04, lúc mọi người đang lục tục khăn gói về quê nghỉ lễ thì một người giàu sang đang lái xe hơi đi ngang qua Hà Tĩnh, thấy có hai người nghèo khổ đang bứt cỏ bên đường bỏ vào mồm, ông ta dừng xe lại hỏi:

- Tại sao hai người lại ăn cỏ?

- Bởi vì biển bị nhiễm độc, chúng tôi không thể ra khơi, cá tôm bị bức tử, chúng tôi lại nợ nần, thất nghiệp, không còn cái gì có thể ăn được.

- À thì ra vậy! Thế thì hai người có thể đi theo tôi.

- Nhưng thưa ông, tôi còn vợ và 2 con nhỏ - Một người đàn ông nói.

- Có thể dẫn họ đi theo. Còn ông cũng đi theo tôi luôn - Người giàu nói với anh còn lại.

- Nhưng tôi cũng còn vợ và 6 đứa con nữa - Người đàn ông còn lại nói.

- Thế thì cũng nên dẫn họ theo luôn.

Trên đường đi, mọi người nói với tên nhà giàu:

- Ông đúng là Bồ Tát sống. Cảm ơn ông vì đã dẫn chúng tôi về nhà.

- Không! Các người không biết đâu? Cỏ trong vườn nhà tôi cao gần 2 mét rồi.

- Hả ???
- Trời !!!
===<>===<>===

- Pó tay với gã nhà giàu luôn

Ngày 1/5 đang dần trôi qua trong tiết trời oi ả khắp ba miền Nam – Trung – Bắc. Một câu chuyện hài hước nếu dành thời gian chỉ đọc và tủm tỉm theo nghĩa đen, vậy thì cũng thư giản ngày nghỉ lễ.

Quy luật muôn đời vẫn thế, nhà giàu thì ăn sơn hào hải vị mỗi ngày dù lễ hay không lễ. Thế nhưng cái kiểu mà phải ăn cỏ trong dịp lễ như hai người đàn ông ở câu chuyện thì thê thảm thật.

Gần một tháng qua, hiện tượng tôm cá chết dọc bờ biển của bốn tỉnh miền trung đã làm sôi động trên khắp các diễn đàn, khắp các mặt báo, thơ ca, bài viết, mọi sự tập trung đang hướng về Hà Tĩnh theo dõi những diễn biến từng ngày.

Thật "tội nghiệp" cho những con tôm con cá này quá, bởi chúng nó có sống hay chết cũng vì con người. Và rồi cũng từ con người tự gây hại cho con người thôi. Nếu Isreal có biển Chết, Ukraina có biển Đen thì cũng không bằng Việt Nam, vì Việt Nam có cả hai, chết và đen.

Không riêng gì biển chết và đen, không khí rồi cũng chết, rồi cũng đen, khí số, thọ mạng của con người cũng đen từ nghiệp sống, hưởng thụ, ăn và chơi của con người.

Mọi người thay vì ngồi nhâm nhi cà phê "bà tám" thì thử quan sát và nhìn nhận xem, những ngày nghỉ lễ này thôi, hàng triệu triệu chiếc xe lớn nhỏ đang khạc ra bao nhiêu khói đen, phun ra bao nhiêu lượng khí thải. Bao nhiêu nhà hàng, quán lớn quán nhỏ đều đang tổ chức "nhập liệm - di quan” cho những sinh mạng vô tội không cần đăng “cáo phó”, không cần làm lễ “xức dầu”, “tụng kinh gõ mõ”. Bao nhiêu nước thải, bao nhiêu chất thải, bao nhiêu khí thải... đang góp phần tàn phá môi trường.

Và trái đất tiếp tục lên cơn huyết áp, thở gấp, nóng bức bởi lúc nhúc hơn 7 tỷ người chen chúc dẫm đạp, dày xéo mỗi ngày, mỗi dịp lễ, mỗi kỳ nghỉ….

Có rất nhiều người muốn bảo vệ môi trường, nhưng họ không biết làm thế nào là tốt nhất. Vì với người dân thường, việc kêu gọi nhà máy ngừng thải khí nhà kính là không thể, mà cũng không thể làm cho xe trên đường ngừng chạy. Với nhiều người thì đi xe buýt hay xe đạp là rất khó vì lý do khoảng cách và công việc. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể làm gì đó thật thiết thực để bảo vệ hành tinh này.

Việc nóng lên toàn cầu không còn là vấn đề của mấy trăm năm sau, mấy chục năm sau mà là vấn đề cấp bách ngay bây giờ. Quan niệm bảo vệ môi trường cho con cháu chúng ta đã lỗi thời, hãy lo cho chính chúng ta đi. Thiên tai xảy ra mọi nơi, ngày càng nhiều, ngày càng dữ dội. Không cần nói nhiều, chúng ta có thể dễ dàng biết được chỉ trong vài năm gần đây thôi đã có biết bao người chết, bao nhiêu thành phố bị phá hủy. Thiên tai liên tiếp xảy ra không ngừng. Chỉ tính riêng ngay đợt nóng suốt tháng 4 vừa rồi, cũng đã cướp đi sinh mạng hơn 300 người trong phạm vi hẹp của Châu Á.

Theo dự đoán của các nhà khoa học thì với tốc độ băng ở Bắc cực tan chảy nhanh chóng như hiện nay thì chỉ vài năm sẽ không còn băng ở Bắc cực nữa. Nguyên nhân do khí CO2 làm nóng lên toàn cầu. 19% khí được thải ra từ ống khói nhà máy, 15,5% do khói xe hơi, tàu thủy, máy bay. 18% là do ngành sản xuất chăn nuôi. Ngành chăn nuôi thải ra nhiều khí CO2 hơn so với tất cả khói xe, tàu, máy bay trên toàn thế giới này thải ra.

Ngành chăn nuôi lãng phí nhiều nước nhất, thải ra khí nhà kính nhiều nhất, ô nhiễm nhất, kém hiệu quả nhất. Để sản xuất 1kg thịt, cần phải tiêu hao 10kg thực phẩm, 15000 lít nước. Để có 1 lít sữa, cần 990 lít nước. Năng lượng để sản xuất 1kg thịt có thể cho 1 bóng đèn 100kW cháy trong 3 tuần. Sản xuất 1kg thịt sẽ thải ra 36,4kg CO2 bằng khí thải ra của 1 xe hơi chạy 155km. Mà trên thế giới có gần 20 tỉ gia súc.

38% lương thực trên thế giới không phải cho người ăn mà cho gia súc ăn. Mỗi ngày có 25.000 người chết vì đói, và tình trạng này sẽ còn nhiều hơn nữa nếu thiên tai cứ xảy ra liên tục. Vậy mà chúng ta phải chia 38% lương thực của chúng ta cho gia súc ăn. 30% diện tích đất là cho gia súc. 33% ruộng đất dùng để sản xuất lương thực cho gia súc.

Con người phải chia nguồn lương thực, nguồn nước, đất đai cho gia súc trong khi gần 1 tỉ người trên thế giới sống trong cảnh nghèo đói, không đủ nước sạch sinh hoạt. Để có thêm nhiều diện tích chăn nuôi, con người đốt rừng, mở thêm nông trại. 18% khí nhà kính là do đốt rừng. 20% nông trại trên thế giới bị thoái hóa, không thể trồng trọt được nữa. Khi diện tích rừng bị thu hẹp dẫn đến rất rất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác nữa như phá hủy sinh thái, lũ lụt, hạn hán, nhiều động vật bị tuyệt chủng, xói mòn...

Thịt mang tính axit, khi được hấp thụ vào cơ thể làm cơ thể mang tính axit. Để trung hòa tính axit của thịt, cơ thể lấy canxi trong xương dẫn đến bệnh loãng xương. Môi trường axit còn là môi trường sinh sống của tế bào ung thư. Hấp thụ nhiều thịt làm tăng cholesterol, dư thừa năng lượng dẫn đến bệnh tim mạch, béo phì, đó là chưa nói đến các hoá chất có trong thịt trong quá trình nuôi dưỡng còn tồn đọng.

Theo điều tra trên thế giới thì những quốc gia có người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, béo phì nhiều nhất là những nước châu Âu và châu Mỹ. Những nước lấy thịt và sữa làm nguồn thực phẩm chủ yếu. Ở Trung Quốc, ngày trước người dân còn nghèo nên người dân lấy rau và ngũ cốc làm thức ăn chủ yếu, thức ăn thịt ít. Kinh tế ngày càng phát triển, người dân ăn thịt nhiều hơn. Theo số liệu thì sức khỏe của người Trung Quốc không những không tăng lên mà tỉ lệ các bệnh như tiểu đường, ung thư, béo phì, tim mạch,… tăng lên nhanh chóng. Cũng do ăn thịt mà con người phải chết do ăn phải gà, vịt bị cúm, heo tai xanh, bò điên,…

Còn nhiều, nhiều lắm những tác hại của thịt. Xét về nhân đạo thì con người nuôi dưỡng những con thú trong chuồng rồi giết đi để ăn thịt. Những con vật cũng là một sinh vật như chúng ta. Việc nuôi dưỡng cho lớn rồi giết thịt có khác gì bà phù thủy trong truyện dỗ béo con nít rồi ăn thịt. Con người chúng ta, ngay cả chính bạn có khác gì những kẻ ăn thịt độc ác, tàn nhẫn.

Người ta "lý theo cái lẽ sự cùn” không ăn chúng nó thì chúng nó sinh sôi nảy nở chật đất sao? Thế ruồi, muỗi, gián chuột… con người ta đặt bẫy, đặt keo, đặt thuốc….. vậy mà mùa nào cũng phải chun vào mùng, vào màn ăn cơm, lên chiến dịch , động viên, khuyến khích nhau tiêu diệt chúng?

Khi đọc đến đây, chúng ta ít nhiều hình dung và đã có một số nhận định tích cực về tác dụng của việc ăn chay. Chúng ta cần tìm thêm nhiều tài liệu về môi trường, tác hại của thịt và lợi ích của việc ăn chay để làm tăng niềm tin trong bản thân chúng ta, để đủ lý lẽ và nghị lực cho việc ăn chay.

Chúng ta có thói quen ăn thịt từ lâu rồi nên việc thay đổi là rất khó ngay cả khi chúng ta đã có đủ niềm tin và lý lẽ để ăn chay. Chúng ta hãy tập từ từ. Một năm ăn một tháng, một tuần ăn một ngày, mỗi ngày ăn một buổi. Chỉ hạn chế ăn thịt thôi là chúng ta cũng đã giúp ích rất nhiều rồi.

Chúng ta cứ ăn và cảm nhận từ từ sức khỏe của chúng ta tốt hơn sau mỗi lần ăn chay và làm tăng niềm tin vào việc ăn chay. Cũng cần lưu ý là tìm hiểu kỹ về dinh dưỡng và ăn đầy đủ. Vì nếu ăn không đủ chất, sức khỏe mệt mỏi sẽ làm mất niềm tin nơi người ăn và những người xung quanh nữa. Khi chúng ta ăn chay mà ít bị bệnh, hiền hòa hơn, luôn khỏe mạnh thì mọi người cũng sẽ theo. Đó là cách tuyên truyền tốt nhất cho mọi người.

Việc này cần một thời gian rất dài. Nhưng Trái Đất không thể đợi lâu được. Chúng ta cần kiên trì hành động và phải làm gương thì mới có thể ảnh hưởng được nhiều người. Chúng ta muốn sống, chúng ta muốn giàu có, chúng ta muốn sống yên bình lúc tuổi già. Nhưng nếu ruộng đồng bị xâm nhập mặn, nước biển dâng lên thì không còn nơi sinh sống, xã hội bạo loạn thì e rằng cỏ chưa chắc có mà ăn...

Mọi người ơi! Hãy hành động vì ước mơ của chúng ta.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...