CON GIÒI VÀ ĐỐNG PHÂN


Hai vị sư nọ là bạn rất thân khi còn sống. Sau khi chết, một người tái sinh làm thiên thần trên cảnh trời, và một người tái sinh thành con giòi trong đống phân bò.

Vị thiên thần kia một hôm nhớ lại bạn cũ và muốn biết bạn mình tái sinh nơi nào. Ông ta bay khắp cõi trời của mình để tìm nhưng không thấy.

Sau đó ông bay lên các tầng trời khác để tìm và cũng không thấy. Ông bèn dùng thiên nhãn nhìn xuống nhân gian nhưng cũng không thấy. Ông nghĩ: “Chẳng lẽ bạn mình tái sinh trong cảnh thú vật hay sao?”

Tuy vậy, ông cũng đảo mắt tìm cầu may, nhưng không thấy. Chưa nản chí, vị thiên thần thử tìm trong cảnh giới của loài côn trùng xem sao. Và ngạc nhiên thay, ông tìm thấy bạn cũ tái sinh làm giòi trong một đống phân bò hôi thối.

Tình bạn giữa hai người thủa xưa rất sâu đậm khiến vị thiên thần cảm thấy thương xót và muốn ra tay cứu bạn ra khỏi kiếp đọa đầy.

Thế rồi vị thiên thần hiện xuống ngay trước đống phân và gọi:

– Ê, bạn giòi! Có nhớ tôi là ai không? Kiếp trước chúng ta từng là bạn thân xuất gia tu hành chung với nhau. Tôi tạo nhiều phước lành nên được tái sinh lên trời, trong khi bạn lại tái sinh trong đống phân bò. Nhưng bạn đừng lo, tôi có thể đem bạn lên trời với tôi. Nào bạn cũ, hãy bò ra đây.

– Khoan đã – con giòi nói bằng ngôn ngữ của nó, nhưng nhờ thần thông vị thiên thần vẫn có thể hiểu và nói chuyện qua lại – Trên cảnh trời có gì đặc biệt mà bạn mời tôi lên đó? Tôi rất hạnh phúc sống trong đống phân thơm ngon này. Cảm ơn bạn.

– Bạn không hiểu – vị thiên thần cố gắng tả cảnh huy hoàng lộng lẫy, sung sướng của cảnh trời cho con giòi nghe.

– Nhưng trên đó có phân bò không? - Con giòi hỏi ngay vào vấn đề.

– Đương nhiên là không – vị thiên thần nhăn mặt nói.

– Vậy thì tôi không đi – con giòi kiên quyết trả lời - đừng nói nhiều nữa.

Nói xong nó lại chúi đầu vào phân. Vị thiên thần nghĩ nếu có thể làm cho con giòi nhìn tận mắt cảnh trời thì may ra nó hiểu, nên ông đến nín thở, thò tay vào đống phân tìm con giòi lôi ra.

- Ê, buông tôi ra! Thả tôi ra ! – con giòi la lớn - Cứu tôi với! Cứu tôi với! Tôi đang bị bắt cóc!

Con giòi giãy giụa, quặn người trượt ra khỏi tay thiên thần, và chui tọt vào đống phân trốn.

Vị thiên thần tốt bụng kia lại nín thở, thò tay vào đống phân lần nữa để lôi con giòi ra. Ông chụp được nó, nhưng vì nhơ nhớp, trơn tuột nên nó lại thoát lần thứ nhì và chui sâu hơn vào đống phân.

108 lần vị thiên thần tìm cách lôi con giòi ra khỏi đống phân hôi thối, nhưng nó đều giẫy giụa xảy thoát, chui trở lại đống phân.

Cuối cùng vị thiên thần đành bỏ cuộc bay về, mặc cho con giòi sống với “đống phân yêu dấu của nó”.

__________

Một câu hỏi được đặt ra: vì sao con giòi không muốn lên trời?

Phải chăng ở trên trời không được sung sướng?

Không phải, rõ ràng làm một thiên thần sống trên thiên giới phải sung sướng hơn làm một con giòi sống trong đống phân chứ? Điều này không thể chối cãi.

Vậy tại sao? Hay là vì con giòi chưa có khái niệm về những sự sung sướng của cõi trời?

Nếu vậy, ta có thể giải thích cho nó hiểu!

Tuy nhiên, vị thiên thần kia chẳng phải cũng đã cố giải thích cho nó sao? Tại sao cuối cùng nó vẫn không hiểu?

Đó chính là vì sự CỐ CHẤP của con giòi chăng? Khi trong đầu nó, luôn cố bám chấp vào một quan niệm rằng: “Phân là thứ tốt nhất trên đời”, kiểu như thằng nghiện mỗi khi lên cơn: heroin là thứ tuyệt nhất trên đời.

Xét theo tinh thần nhân quả nghiệp cảm thì chắc chắn rồi, làm thân con giòi là do nhân gì đó ở đời trước và sự bám chấp đống phân chính là nghiệp chiêu cảm như sợi xích ràng buộc nó và gắn chặt vào cảnh giới ấy. Có vận dụng hết chữ nghĩa mà phân tích, chia chẻ, lý luận, chứng minh cho nó khỏi bám chấp có khi lại càng kích động để nó cố chui sâu và bám chặt vào thêm.

Trong cuộc sống, mỗi người đều có một “vùng an toàn’’. Ở đó, mọi thứ xung quanh đều đã quen thuộc từ khi ta bắt đầu có nhận thức, mọi điều cần biết ta đều đã biết. Và thế là, ta an phận trong cái đống phân đó và đưa ra đủ mọi lý do để quanh quẩn trong đó. Một người tự bó mình trong một hủ tục mê tín nào đó cũng chỉ vì họ cảm thấy được an toàn khi đặt niềm tin nơi ấy.

“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” người ta vẫn thường dùng câu nói này như là lá bùa để an tâm và tự tin mỗi khi làm một việc gì ngoài tầm quản chế. Có khi vì sợ hãi thế giới to lớn ngoài kia, sợ hãi những điều chưa biết trước và lấy câu nói đó làm tấm khiên để che chắn, bảo vệ cho nỗi lo vô hình. Khổ một nỗi là, thờ thế nào và kiêng ra sao thì chưa một lần ngồi lại suy gẫm để phù hợp nhân quả, phù hợp với đạo đức thực tiễn. Có việc hay đụng chuyện thì lấy ra che chắn.

Quả thật, nếu không mạnh dạn bước ra khỏi đống phân, ta sẽ chẳng bao giờ học được điều gì mới, và sẽ chẳng bao giờ nâng cấp được sự hiểu biết ở bình diện cao hơn.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...