MUỐN ÍT VÀ BIẾT ĐỦ CÓ KHI CÒN PHƯỚC ĐỨC HƠN LÀM TỪ THIỆN


Một chiếc đồng hồ hơn trăm, của bền tự người, sau 16 năm vẫn còn xài tốt. Dù bao nhiêu tiền thì đồng hồ cũng chỉ có 24h/ngày thôi…

Minh Nhựa, một thiếu gia chuyên chơi siêu xe và mô tô khủng khét tiếng, nay cũng đã chán cái sự chơi bời, bắt đầu bước vào đường tu luyện, làm giàu cho cái phần bên trong.

Người ta sẽ làm gì với một cỗ máy 800 sức ngựa trong điều kiện giao thông mà chỉ cần 200 mã là đủ cho mọi nhu cầu? Phần công suất dư thừa đó ngốn cả một đống tiền, tiêu thụ nhiên liệu và xả ra lượng khí thải gấp nhiều lần so với với một chiếc xe bình thường.

Không chỉ sắm xe dư mã lực, nhiều người còn mua cả bộ sưu tập vài chiếc, vài chục chiếc, cá biệt có cả con số trăm xe. Đó chẳng phải là tiêu dùng thông minh. Chỉ là tạo ra gánh nặng nơi bản bản thân và gián tiếp gây sự thiếu hụt cho đồng loại.

Trong cái xã hội phồn thực này, sự dư thừa có cả nơi người giàu và người nghèo.

Phổ biến nhất là dư thừa cơm ăn, áo mặc. Người ta cứ nấu cho dư rồi để thiu, đem đổ rác. Cứ phải nhiều lên, dư ra. Bởi thế nhà nào cũng sắm cái tủ lạnh to đùng. Áo quần thì hầu như là mặc không hết. Chúng thường xuyên trở thành đối tượng dọn tủ đem đi cho.

Đối với bậc trung lưu trở lên thì cái sự thừa nó không đơn giản như thế. Có vô số người thừa phòng, thừa nhà, thừa đất, thừa tiền, thừa vật chất tiện nghi. Tất nhiên, ở đây nói thừa là so với nhu cầu sử dụng trong thực tế chứ không so được với lòng tham (vốn vô đáy) của con người. Người ta cứ nỗ lực miết cho cái sự kiếm sống và tích trữ, làm như quỹ thời gian cuộc đời của họ còn cả trăm năm và không có mục đích nào cao hơn nữa để hướng tới.

Nhu cầu cơ bản của một người có 3 tỷ so với người có 30 tỷ, 300 tỷ, 3.000 tỷ là không mấy khác nhau. Chỉ khả năng làm hư đốn con cháu của người thừa tiền là cao hơn nhiều.

Ít người làm từ thiện một cách thông minh và có trách nhiệm. Người ta cứ dành một tỷ lệ thu nhập để mang đi cho mà không cần biết là sự giúp đỡ đó sẽ khiến cho phía thụ hưởng được mạnh lên hay yếu đi, trở nên tự do hay lệ thuộc, phát triển hay thụt lùi. Đa phần nghĩ làm từ thiện là hùn phước, tạo đức. Nhưng tội lỗi nhất là làm cho người khác mất ý chí. Mất tiền của có thể không nghèo. Mất ý chí là nghèo chắc luôn. Những nơi nhận từ thiện nhiều nhất thường là nơi nghèo khó bền vững nhất.

“Của cho không bằng cách cho”. Cái cách cho mà không kích hoạt ý chí vươn lên, tạo duyên để người được nhận biết phát khởi gieo nhân phước lành, chỉ biết nhận một chiều vậy là ta càng làm tê liệt duyên lành của họ.

Trong khi chưa biết giúp đời sao cho tốt, việc dễ và trong tầm kiểm soát của bản thân, là tạo ra một lối sống muốn ít và biết vừa đủ thôi. Mọi thứ bên ngoài, nếu ta không gắng vơ vét về phần mình, tự khắc chúng sẽ có đường đi của chúng.

Nếu ta biết rằng 80% của cải trên mặt đất thuộc về vài % dân số, thì chúng ta sẽ hình dung sự liên đới giữa cái nghèo nơi này và sự giàu nơi kia. Giả như tất cả nhân loại đều trở nên tỉnh táo, yêu thương, chỉ lấy dùng đủ phần mình, thì không một ai trên thế giới này còn bị rơi vào cảnh thiếu thốn nữa.

Và như thế, muốn ít và biết đủ còn tốt hơn đi làm từ thiện.

(Bài viết sau: “TỪ THIỆN NÊN LÀ CÁCH TẠO DUYÊN BA CHIỀU”)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...