Đây cũng là một vấn đề bắt
nguồn từ nhu cầu thương mại, những nhà tư bản chế biến và kinh doanh thực phẩm
đặt những cái tên giống như các loại thực phẩm chế biến từ động vật để dễ lôi
cuốn khách hàng, vốn là những người có tập quán ăn những món có tên gọi như vậy,
nay thấy những món cũng có hình dáng và mùi vị tương tự chút đỉnh, thì thực
khách, vốn đã có thói quen ăn những món đó làm bằng thịt, sẽ cảm thấy dễ hòa nhập
hơn, dễ thích ứng hơn.
Số người ăn chay ở Hoa Kỳ
hiện nay khoảng hơn 12 triệu người, mà chín mươi chín phần trăm không phải
là những người theo đạo Phật. Ở
Việt Nam, mặc dầu không có thống kê nhưng người ta tin là số người ăn chay
không phải là Phật tử cũng không nhỏ và theo dự đoán của những nhà tư bản kinh
doanh, số người ăn chay ngoài cộng đồng Phật giáo trên thế giới có khuynh hướng
gia tăng mạnh, nhất là ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và
Trung Hoa.
Đối với những người này thì chuyện ăn chay không vì lý do tu hành, cho nên nếu những nhà tư bản thương mại thực phẩm chay mà có thể làm những món chay càng có tính cách thuyết phục thực khách bao nhiêu thì càng hay bấy nhiêu. Làm thương mại thì phải có những phương pháp tiếp thị “marketing” để lôi cuốn khách hàng, là những người đã quen ăn thịt cá nay chuyển sang ăn chay. Nếu món nào cũng chỉ dùng tên vật liệu để gọi thì chỉ còn là vài món: nấm xào rau, rau đậu om, rau đậu luộc, rau đậu kho..v..v.., rất ít món, khó lôi cuốn khách hàng.
Dầu sao, thực khách khi đến
nhà hàng chay, ăn một món giả, thì hiển nhiên đã cứu được một con vật thật khỏi
bị chết. Đa số những người ăn chay ngày nay trên thế giới không phải là Phật tử.
Mục đích ăn chay của họ là bảo vệ sức khỏe mang tính vị kỷ cá nhân nhiều hơn. Họ
ăn chay không vì thương loài vật, nhưng phó sản của nó lại vô tình cứu loài vật
bớt bị giết, và cũng giúp cho dòng nghiệp lực sinh tử, tử sinh của họ bớt nợ mạng,
mặc dù họ không biết đến điều này. Cho nên, đối với những người này, món ăn
chay giả mặn nếu có làm cho họ cảm thấy hấp dẫn, thích ăn, bớt thèm thịt, thì vẫn
có ích lợi cho cả phiá người và vật.
Nay nói đến thành phần ăn
chay vì lòng thương loài
vật, vì tôn trọng và bảo vệ sự sống. Thành
phần này bao gồm những người theo đạo Phật và một vài đạo khác, kể cả những người
không tôn giáo. Họ tránh ăn thịt chỉ vì lòng thương xót loài vật, cũng là những
sinh vật có đầy đủ tình cảm, xúc động như con người. Đối với họ khi nhìn tôm thịt
cá giả trên bàn, thì họ cũng cảm thông với những người đang từ từ chuyển hướng
sang ăn chay, và mừng rằng một con tôm, con cá, con gà giả trên bàn ăn là đã cứu
một con tôm, con cá, con gà thật khỏi bị chết. Họ quan niệm rằng: "nếu như
tập quán ăn thịt cá đã bám rễ sâu xa trong con người, thì những món chay giả mặn
đã cứu sống những con vật thật".
Đối với chốn già lam, nơi
chùa chiền, trong các khuôn viên tự viện, đối với những Phật tử đang tu hành đạo
giải thoát; ngoài ý nghĩa tôn trọng và bảo vệ sự sống, ăn chay còn là trợ duyên
cho việc tu tâm giải thoát, tu hành trai giới tinh nghiêm.
Cửa chùa là nơi truyền bá
đạo Phật, tu sĩ ở chùa là Trưởng tử Như Lai, đem chánh pháp dạy chư Phật tử. Một
trong những lời dạy quan trọng, cốt tủy của Đức Phật là phải dùng tâm từ bi và
bình đẳng để đối xử với mọi loài chúng sinh, cả người lẫn vật.
Vì thế, chúng ta nên tránh
dùng những hình ảnh và từ ngữ có thể gợi hình, có thể ảnh hưởng đến tâm chúng
ta. Chúng ta ăn chay là tự nguyện, là tự đoạn tuyệt với cá thịt, là quay lưng với
sát giới, huân tập từ bi, huân tập chủng tử Phật, và không thể nào phải “núp
bóng” hay “vọng niệm” món mặn. Trong chốn già lam,
nên bỏ hình thức giả thịt cá, cả tên gọi lẫn cách trình bày, nên tự biến chế từ
rau đậu ngũ cốc mà đặt tên cho các món ăn chay này bằng tên gọi hoa quả, rau đậu
hay tên của các vị thuốc Đông y để tránh ngộ nhận.
Đạo Phật là đạo Tâm, giữ
thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh chưa đầy đủ mà còn phải giữ tâm thanh tịnh mới
là vẹn toàn.
Creations