Một câu chuyện thật đã xảy ra với
một đứa bé 8 tuổi, học lớp 3 ở một trường tiểu học. Bé có cha mẹ
đều là giáo viên - công nhân viên một trường học.
Một hôm bé đi học về mếu máo đòi
mẹ cho tiền. Mẹ hỏi con còn nhỏ, cần tiền làm gì thì bé trả lời:
- “Bạn con đi học đứa nào cũng có
tiền, cứ giờ chơi là chạy đi mua quà ăn, chỉ con là không có tiền,
con thèm quá hà!”. Bà mẹ từ chối cho con tiền nhưng đã ứng xử
rất hay là sáng nào cũng dậy sớm, chuẩn bị một món ăn vặt gói sẵn
đặt vào cặp của con để con ăn trong giờ ra chơi. Đứa bé từ đó không
mè nheo đòi tiền nữa.
Nhưng một hôm dọn dẹp cặp của con,
bà mẹ phát hiện thấy trong một cuốn tập có hơn 300.000 đồng. Hốt
hoảng, bà truy xem số tiền này từ đâu con có, có ăn cắp của ai không.
Đứa bé khóc, một mực thề với mẹ là không hề ăn cắp của ai vì mẹ và
cô đều dạy ăn cắp là xấu lắm. Giải thích về nguồn gốc số tiền, bé
nói:
- “Con làm lớp trưởng, cô giao con
một cuốn sổ để ghi tên bạn nào vi phạm nội quy. Bạn nào lỡ vi phạm
nội quy mà muốn khỏi bị ghi tên thì phải đưa cho con mười ngàn chớ
con có ăn cắp của ai đâu”.
Câu chuyện gian dối của đứa trẻ
này khiến ta giật mình. 8 tuổi, một đứa bé đã biết cậy quyền lớp
trưởng, lừa cô giáo để thu vén cho mình. 8 tuổi, bạn bè bé đã biết
đút lót cho người có chức, có quyền. Trường không dạy kiểu sống
này, cha mẹ cũng không. Các bé học “khôn” này từ đâu? Từ ngoài xã
hội. Bé bị nhiễm độc một cách thường xuyên từ xã hội nên hành động
gian dối một cách... hồn nhiên.
Bây giờ là 10.000 đồng mỗi lần
dùng quyền lớp trưởng để làm tiền, sau này vào đời sẽ thành bao
nhiêu mỗi lần nhận hồ sơ của dân hay đặt bút ký vào dự án? Bây giờ
đút lót 10.000 đồng cho mỗi lần vi phạm nội quy nhà trường, sau này
vào đời là bao nhiêu cho mỗi lần phạm luật, phạm pháp? Và còn nhiều
điều khác nữa có thể suy gẫm từ câu chuyện này.
Gian dối, ai cũng biết đó là xấu,
từ vị quan chức đạo mạo rao giảng đạo đức cho dân chúng đến các bậc
cha mẹ chỉ là thường dân. Người còn chút ít lương tâm thì khi buộc
phải gian dối còn thấy áy náy, cảm thấy cắn rứt; kẻ không còn lương
tâm thì gian dối dễ dàng như hít thở. Triết lý sống “phải đạt mục
tiêu bằng mọi giá” đã triệt tiêu tính trung thực, giết chết lương tâm
của nhiều, rất nhiều người ở các địa vị, ngành nghề khác trong xã
hội.
Đề án cải cách toàn diện và cơ
bản giáo dục đào tạo nên đưa nội dung giáo dục tính trung thực thành
mục tiêu hàng đầu để cứu thế hệ trẻ. Nhưng quan trọng hơn hết là
từng người trong xã hội, nhất là người có chức có quyền, phải sống
trung thực, đừng gian dối mà trẻ con hồn nhiên bắt chước theo. Tiêu
chí trung thực phải là tiêu chí đặt trên cả tiêu chí trung thành khi
lựa chọn cán bộ, công chức.
TS HỒ THIỆU HÙNG
(Source: http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre)