Chuyện xảy ra vào một ngày đông. Chiều
hôm đó, trên đường từ trường về nhà, tôi và lũ bạn chợt chú ý tới bức tượng con
gà trống cắm trên nóc nhà bà lão. Gió đổi chiều thì con gà trống quay theo hướng
gió. Mỗi lần như vậy, cổ con gà trống gật gù trông ngồ ngộ. Lũ chúng tôi tấp xe
đạp vào lề đường, túa ra kiếm sỏi. Ở vùng tôi sống, sỏi không thiếu nhưng vì
đang mùa đông nên chúng tôi phải bươi lớp tuyết mới kiếm được chúng. Có sỏi,
chúng tôi thách nhau chọi trúng con gà.
Cuộc chơi thật náo nhiệt nhưng vì gặp
khúc phố vắng nên chẳng ai la chúng tôi.
Ðến lượt mình, tôi ném trượt hòn sỏi thứ
nhất. Hòn thứ hai, thứ ba cũng vậy. Ðến hòn thứ tư, tôi vung tay và chỉ kịp
nghe choảng một cái. Trời ơi, hòn sỏi không bay lên nóc nhà mà trượt qua các kẽ
ngón tay tôi lao thẳng vào cửa sổ nhà bà lão. Có lẽ vì trời lạnh các ngón tay
tôi tê cứng mà hòn sỏi lại quá trơn. Bỏ mặc cánh cửa kinh vỡ toang, chúng tôi
hoảng hốt nhảy phóc lên xe đạp hộc tốc chạy trốn.
Sáng hôm sau, tôi đi giao báo mà như đi
ăn trộm. Rón rén thả tờ báo vào khe thùng thư, tôi không dám bấm chuông, cứ thế
lặng lẽ đạp xe đi tiếp bỏ lại sau lưng khung cửa kính vỡ toang hoác như đang
nhìn xoáy vào gáy tôi. Ði học, tôi phải đi đường vòng qua mấy phố khác để tránh
nhà bà lão. Ðược mấy ngày như vậy, tôi chợt thắc mắc: Trời lạnh như cắt da cắt
thịt, tại sao bà lão không kêu làm lại kiếng? Ở tuổi bà ấy, phải cảm lạnh thì
nguy ! Hay bà ấy không có tiền? Những câu hỏi đó giày vò tôi suốt một đêm và
tôi quyết chuộc lại lỗi lầm.
Suốt 3 tuần sau đó, tôi không dám chi
tiêu dù chỉ một xu từ khoảng tiền công bỏ báo và cất lại được 7 đôla, mà tôi
nghĩ là đủ để bà lão lắp một tấm kiếng mới. Tôi bỏ số tiền vào phong bì kèm một
mẩu giấy nhỏ giải thích ngọn ngành và nhét nó vào thùng thư với mấy tờ báo. Ðồng
thời tôi cũng phát hiện ra thùng thư còn khá nhiều báo. Qua ngày hôm sau, vẫn
chưa có ai lấy báo. Tôi lo lắng. Do dự một hồi, tôi liều nhấn chuông. Chờ mãi
không thấy người mở cửa, tôi đánh bạo gõ cửa một nhà hàng xóm: “Bà Elizabeth hả?
Ði rồi, đi gần tháng nay. Có xe chở đi. Tôi không rõ, chắc bệnh nặng”. Tôi rùng
mình. Rõ ràng, bà lão bị cảm lạnh từ hôm tôi làm bể kiếng.
Rồi lại hai tuần nữa qua đi. Ngày nào
tôi cũng ghé qua nhà bà lão ngóng xem trong đó đã có người hay chưa. Cho tới một
ngày kia, khung cửa kính vỡ đã được thay, trên bậu cửa sổ xuất hiện một chậu hoa
nhỏ, thùng thư trống hoác. Vui mừng khôn xiết, tôi bấm chuông cửa nhà bà lão.
Tôi sững sờ: người mở cửa cho tôi là một phụ nữ trẻ. “Bà Elizabeth ? Bà ấy bán
căn nhà này cho tôi rồi. Ði đâu à? tôi không biết. Cậu là cậu bé đưa báo à? Cậu
đợt chút. Bà lão có thư cho cậu”.
Tôi đứng trên hè phố mở thư:
- “Chào cậu
bé. Vì sức khỏe ta phải xuống miền Nam ở với các con. Lỗi không phải do cậu. Ta
đã rời nhà trước khi cửa kính vỡ. Tuy nhiên, ta rất thích cách xử sự của cậu.
Ráng giữ như vậy trong đời. Ta có món quà nhỏ tặng cậu. Hy vọng chúng ta có dịp
gặp lại”.
Tôi mở gói giấy nhỏ và nhận ra 7 đôla mà tôi đã gởi cho bà lão.