Một cô gái về quê thăm bạn, nhưng ở chơi
quá lâu, cuối cùng đành bắt chuyến xe cuối lúc 10 giờ đêm về nhà. Khi cô gái đến
trạm dừng đợi xe, lúc đó khoảng 9 giờ 45 phút tối. Cô nghĩ bụng, chắc xe vẫn
chưa đến, nên cô bắt đầu ngồi chờ.
Thế nhưng, chờ đến 10 giờ, xe vẫn chưa
thấy đến? Trễ giờ sao?
Vùng quê xe ít, trong đêm tối mịt, bốn bề
vắng lặng như tờ, chỉ mình cô gái ngồi chờ xe dưới ánh đèn le lói. Cô gái bắt đầu
thấy sợ, sao mãi xe vẫn chưa đến?
Đến 10 giờ 15 phút, kỳ lạ,
sao giờ này xe lại trễ vậy? Hay xe đã chạy qua trước khi mình đến rồi? Cô gái
càng nghĩ càng sợ, nhưng cũng chỉ biết trấn an bản thân: “Đừng sợ, chắc là
xe chạy chậm, chờ chút nữa rồi xe cũng sẽ đến thôi!.
Cô gái lấy hết can đảm, tiếp tục ngồi chờ
xe! Cô chờ! Chờ! Chờ mãi đến 10 giời 35 phút, cuối cùng , cuối cùng….. đèn xe
cũng xuất hiện! Cuối cùng thì xe cũng đã tới! Nhưng sao xe lại chạy chậm thế nhỉ?
Chậm như rùa bò ấy? Bỗng dưng, trong lòng cô gái trỗi dậy cảm giác chẳng lành
và bất an!
“Mặc kệ! Xe đến là tốt rồi!”
Cô lại trấn tỉnh mình lần nữa: “Đừng suy
nghĩ nhiều quá, chỉ cần có xe về nhà là được rồi!”
Lúc này, xe từ từ trờ tới. Cô gái lấy hết
can đảm, nhảy lên xe! Lên xe rồi, cô nhìn qua nhìn lại, kỳ lạ, sao chẳng có lấy
một hành khách?
Nhìn kỹ lại xem: “Ơ! Sao cả tài xế và cô
soát vé cũng chẳng có nốt? Nhưng… xe vẫn từ từ chạy về phía trước!”
Lần này, cô gái run bắn người, sởn tóc
gáy, sắc mặt tái méc, cảm giác quá sợ hãi, cô liền quyết định... nhảy ngay xuống
xe! Vừa nhảy xuống, vẫn chưa định thần thì cô nhìn thấy chiếc xe vẫn từ từ trờ
về trước; khi xe vừa đi khỏi, cô bỗng phát hiện….. tài xế và cô soát vé, hai
người mồ hôi nhễ nhoải, đang cố gắng cùng đẩy chiếc xe chết máy từ phía sau….
*
* * *
Trong suốt quá trình câu chuyện dẫn dắt,
chắc ai cũng có đủ thứ dữ liệu để liên tưởng, liên tưởng đến độ nhập vai nhìn
thấy vẻ mặt bạt vía kinh hồn của cô gái, nhưng đến cuối chuyện thì sự thật mới
vỡ lẽ chẳng có chuyện gì phải sợ.
Thế nên trong cuộc sống, co những vấn đề
khi chưa được tiếp cận và thấu đáo vấn đề ai trong chúng ta cũng rơi vào cạm bẫy
của trí tưởng tượng dẫn dắt cả. Có khi dẫn dắt trong vài phút, vài tiếng, rồi
xa hơn nữa là vài ngày, vài tuần, vài tháng. Có những số phận bị dẫn dắt đến
vài năm cho đến lúc chuẩn bị nhắm mắt xuôi tay mới vỡ òa khi trực nhận vấn đề
thì vừa lúc tắt thở trong nỗi niềm ân hận.
Vậy thì có cái nhìn thật trọn vẹn, đầy đủ
và thấu đáo là cần thiết, dùng ý thức mà nhìn hơn là nhìn bằng sự tưởng tượng,
bằng cảm xúc. Bởi vì tưởng tượng và cảm xúc thì rất hời hợt, bộc phát, hay lấy
các dữ liệu quá khứ làm nền tảng rồi tha hồ dẫn dắt trí não.
Trải qua tình tiết câu chuyện, trí não
chúng ta có thể liên tưởng đến một “chiếc xe ma”, một mối nguy hiểm trong đêm,
một sự rình rập bất ngờ trong bóng tối. Đó là sự móc nối của trí tưởng với các
dữ liệu mà chúng ta đã từng được nghe kể, được đọc lấy, được học lóm đâu đó.
Thế nên, cuộc sống vô cùng phức tạp
nhưng cũng thật giản đơn, có khi sự thật nằm sâu thẳm bên trong một vấn đề
nhưng cũng có khi nó hiển hiện sờ sờ trước mặt. Tức là có những vấn đề “thấy vậy
chứ không phải vậy” nên ta phải nhìn xuyên thấu qua nhiều lớp thì mới hiểu được
bản chất của nó, nhưng cũng có những vấn đề “thấy sao để vậy” nên ta chỉ cần
dùng cảm nhận trực tiếp trên hiện tượng đang xảy ra là có thể biết được sự thật.
Cho nên giữ chặt một nguyên tắc trí tưởng
nào để nắm bắt cuộc sống luôn là thái độ rất sai lầm, thông minh và biết cách lắng
nghe cùng với bản lĩnh là những chiếc chìa khóa có thể mở được rất nhiều cánh cửa
bí ẩn của cuộc sống.
Con người ngày càng đặt đời sống của
mình ở bên ngoài, lúc nào cũng muốn chụp cái này bắt cái kia vì nghĩ rằng càng
tàng trữ nhiều điều kiện tiện nghi là càng hạnh phúc, nên nội lực của con người
ngày càng suy yếu. Vì kẹt vào sự mong cầu hay chống đối bên ngoài nên con người
luôn trong tư thế phòng thủ như có kẻ thù đang rình rập, thế nên trí tưởng tượng
đã can dự rất nhiều trong khi giải quyết vấn đề mà chúng ta không cưỡng lại nổi.
Tâm càng yếu đuối lo sợ thì trí tưởng tượng
sẽ càng lớn mạnh. Tạo dựng sẵn một cảnh tượng có thể xảy ra để biết cách ứng
phó một cách máy móc như thấy sợi dây trong đêm tối mà tưởng là con rắn thì đó
là sự phóng đại của trí tưởng, là chứng bệnh tâm lý chứ không còn là sự trực nhận
của ý thức nữa.
Nhưng bản năng tự vệ cũng tùy thuộc vào
hiểu biết của mỗi người. Đấu tranh bằng mọi cách để bảo vệ cảm xúc của mình là
một bản năng và thường không biết nhìn sâu vấn đề hay quan tâm đến cảm nhận của
đối phương.
Cũng như có một người mắng chúng ta một
câu, chúng ta sẽ rất đau. Nhưng liền sau đó sẽ có rất nhiều dữ liệu khác nhau
được mời ra cùng nhảy nhót, ca hát với sự chưởi mắng ban nãy trên một sàn nhảy
hiện đại với sự bùng chát của các dòng nhạc cảm xúc và mờ mắt bởi vô số sự chớp
lòe nhiều màu sắc của những bóng đèn tưởng tượng, thì chắc chắn sự đau đớn sẽ
tăng gấp bội chứ không phải chỉ một lần.
Nhớ lại những lần ấy chúng ta cũng đủ
rùng mình vì sự tưởng tượng quá mức đến sai lầm nghiêm trọng của chúng ta.
Nỗi đau gấp bội đó chính là trí tưởng tượng
của chúng ta. Chúng ta nghi ngờ và vắt óc ra tha hồ tưởng tượng. Sự việc chỉ có
thể làm cho chúng ta đau nhưng chính trí tưởng tượng mới có thể giết chúng ta
chết. Chúng ta hãy coi chừng sự dẫn dắt của trí tưởng, nó ở ngay trong ta, khả
năng móc nối và chế biến của nó là cực nhanh.
Khi ai đó buông ra một lời nói hay hành
động không dễ thương là chúng ta lập tức nghĩ ngay kẻ này muốn tấn công hay hãm
hại mình, chứ ít bao giờ chúng ta chịu suy xét đến nguyên do tại sao người ấy lại
hành xử như vậy. Có thể họ đang bị kẹt trong một cơn cảm xúc xấu mà không biết
cách kiềm tỏa, hoặc đơn giản chỉ là một bước trượt rất thường xảy ra trong một
khoảnh khắc của tâm lý, hoặc cách diễn đạt thông tin của họ còn nhiều vụng về.
Nếu hiểu thấu vấn đề thì chúng ta sẽ xót thương và cảm thông nhiều hơn.
Khi gọi điện thoại cho người kia nhiều lần
mà họ không nhấc máy thì chúng ta nghĩ họ đang rất bận rộn hoặc có thể gặp khó
khăn, hay là chúng ta nghĩ họ đang muốn lẩn trốn hoặc coi thường mình?
Cũng như có những người mới phát hiện ra
khối u là đã tưởng tượng ngay mình bị ung thư loại ác tính, nên tinh thần nhanh
chóng bị suy sụp rồi hủy hoại mình trong men rượu hay đắm chìm trong nước mắt tủi
buồn. Đó là thứ tâm bệnh rất đáng sợ, nhiều người đã quyết định chấm dứt mạng sống
của mình cũng vì tưởng rằng cuộc đời này quá đen tối và ai cũng là kẻ xấu xa,
nên phải đi tìm một thế giới khác mà theo trí tưởng tượng của họ là sung sướng
và tuyệt vời hơn cõi đời này rất nhiều.
Con người là vậy, bản năng luôn thôi
thúc đi tìm những điều kiện thuận lợi cho cảm xúc thỏa mãn, nhưng lại không lại
đủ sức để gánh chịu hậu quả hoặc không cần biết tới hậu quả.
Lẽ dĩ nhiên nhờ trí tưởng tượng phong
phú mà chúng ta đã xây dựng được một thế giới tuyệt mỹ như hôm nay. Nhưng nếu
nhìn sâu sắc hơn chúng ta cũng sẽ giật mình khi biết địa cầu này cũng đang rên
xiết và có thể bị hủy diệt cũng vì mộng tưởng điên đảo của con người.
Trí tưởng tượng nếu đứng trên nền tảng của
lòng tham, phục vụ cho nhu cầu ích kỷ của những kẻ có quyền lực thì nó sẽ nhấn
chìm thế giới hiện thực này và sẽ đưa con người vào những cơn hôn mê bất tận.
Hãy tập từ giã bớt thế giới của phim ảnh, của âm nhạc, của trò chơi tiêu khiển
có tính chất làm cho chúng ta bay bổng trong những dòng cảm xúc thừa thải nhưng
lụn bại khả năng chuyển hóa những khổ đau trong thực tại.
Thay vào đó, chúng ta hãy tập dừng lại để
nhận biết và quan sát bước đi, giọng nói, hơi thở, từng dòng cảm xúc đang len lỏi,
hay những ý niệm đang không ngừng diễn ra trong tâm thức thay vì cứ để tâm bên
ngoài. Mỗi khi chúng ta phát hiện ra tâm mình đang lang thang rong ruỗi trong
trí tưởng thì chúng ta cần quan sát kỹ động cơ nào đã thúc đẩy, tức là guồng
máy hoạt động của nó, trước khi ta đem nó trở về an trú với thực tại.
Ý thức được tình trạng tâm thức của
chúng ta đang trong chiều hướng lệch lạc về phía tưởng tượng, chúng ta hãy can
đảm quay về làm mới và nâng cấp tâm hồn mình.
- kẻ lắm chuyện -