CON AI GIỎI HƠN?

Bốn bà mẹ trẻ sau khi rời khỏi phòng sanh đều năng niu đứa con trai yêu quý của mình. Trong long mỗi người đều phơi phới cảm xúc hạnh phúc, bất giác họ đều mơ mộng về tương lai cho đứa con yêu quý của mình. Một lúc sau, một trong số họ không nén được sự đắc ý trong long, lên tiếng phá vỡ sự im lặng.

- Con trai tôi – chị tự hào nói – sau này, lớn lên sẽ trở thành mục sư có danh vọng và uy tín trong thành phố, mỗi khi nó bước ra đường, mọi người đều luôn miệng kính cẩn chào hỏi: “Good morning, Father” hoặc “Good afternoon, Father”. Tôi sẽ vô cùng tự hào về nó.

Người mẹ thứ hai suy nghĩ một lúc rồi cũng lên tiếng:

- Sau này, con trai tôi sẽ trở thành Đức Hồng Y, mỗi khi nó đi tuần trong thành phố, mọi người nhìn thấy đều kính cẩn cúi chào: “Good morning your Eminence hoặc Good morning afternoon your Eminence”. Là mẹ của Đức Hồng Y giáo chủ, tôi sẽ vô cùng hãnh diện, tôi cũng vì thế mà nhận được sự kính trọng của người dân trong giáo hội.

Người mẹ thứ ba đâu thể chịu thua, bèn bảo:

- Con trai toi sẽ rất khác người, mấy chị không thấy thằng bé vừa chào đời đã có phúc tướng rồi sao? Sau này lớn lên, nó sẽ làm Đức Giáo Hoàng ở Vantican! Dù nó đi đến đâu trên thế giới, hang ngàn người đều tụ lại chào đón nó, mọi người se quỳ bái nó, hô to: “Bless me your Holiness” hoặc Save my soul your Holiness”. Chẳng niềm vinh dự nào có thể sánh bằng với vai trò mẹ của Đức Giáo Hoàng cả.

Hai người mẹ đầu nghe thế, dĩ nhiên mặc cảm, tự ti, chẳng nói lời nào. Nhưng đều này lại làm người mẹ thứ tư chẳng cam chịu. Thế là chị ngồi trầm ngâm, vắt óc suy nghĩ, cuối cùng chị cũng lên tiếng:

- Con trai tôi chẳng như con mấy chị đâu. Nó lớn lên sẽ là đứa đầu nổi nhọt mủ, chân sì mụn bọc, mắt lé, mũi gãy, miệng sứt môi, mặt méo, chân thọt, cụt tay. Nó đi đến đâu, mọi người đều kêu to kinh hãi: “Oh, my God”

* * * *

Mong cầu được công nhận, khen tặng, nể phục, tin tưởng, kính trọng… là những nhu yếu tâm lý của bất cứ người nào có mặt trên cái trần gian này. Ngay từ một đứa bé chập chững biết đi cũng đã xuất hiện tâm lý này rồi.

Nhưng để thỏa mãn nhu yếu bên trong tâm lý người ta cần tìm kiếm các giá trị đạt chuẩn từ các nhu yếu bên ngoài, và con cái là một trong những giá trị ấy.

Nếu chỉ cần có những nhu cầu thiết yếu thôi thì bài toán về cuộc đời có lẽ đã có giải đáp từ lâu rồi. Nhưng khổ nổi, khó ai biết được, khó ai chỉ bảo cho ai được, cái gì mới là thiết yếu, như thế nào mới là vừa đủ, đừng quá nhiều, đừng tham. Ranh giới giữa mong cầu và tham cầu trở nên nhập nhằng và đánh đố con người không rõ tự bao giờ?

Mong muốn sức khỏe thật tốt và không bao giờ bị bệnh tật, con cái đứa nào cũng ngoan hiền, biết nghe lời, học hành giỏi giang và ít nhất phải tốt nghiệp đại học để mai này công thành danh toại, cũng là sự nở mặt nở mày cho chúng ta., vợ chồng lúc nào cũng quan tâm nhau và không có bất cứ xung đột gì xảy ra, không ai được bội tín và gây tổn thương cho nhau, có thể hiểu hết trái tim của người thân yêu để cảm thông và giúp đỡ, trở thành một người chuẩn mực để làm gương cho kẻ khác, tâm hồn luôn được bình yên và thanh thản… Đó có phải là những nhu cầu cần thiết không? Phải, nhưng không phải hễ cái gì cần thiết là nhất thiết phải có, không có là không được hay không thể sống và hạnh phúc.

Mong muốn hôm nay là ngày đẹp trời – không quá nắng cũng không quá ảm đạm, ra đường không bị kẹt xe và lỡ vượt quá tốc độ mà không bị cảnh sát phát hiện, đi khám bệnh không phải xếp hàng chờ đợi và giải quyết mọi thứ có kết quả chỉ trong chốc lát, tiệm hàng hiệu kia vẫn chưa đóng cửa và đôi giày muốn mua vẫn còn đó, chưa ai chiếm chỗ ngồi quen thuộc trong quán cà phê ấy và sẽ tìm được vài phút giây bay bổng… Đó có phải là nhu cầu thiết yếu không? Không. Dư thừa. Còn cả khối người mong chờ những điều tốt đẹp ấy xảy ra trong ngày, ngay giờ phút này.

Mong muốn công việc làm ăn ngày càng tiến triển và không bị ai ganh ghét hay chèn ép, mau chóng tích góp được số tiền lớn và chắc chắn sẽ đi du lịch nước ngoài trong năm nay, phải giảm cân vài ký nữa hay phải tìm được cách gì đó tăng chiều cao thêm chút nữa mới thấy tự tin, đám cưới của mình phải tổ chức thật linh đình và đãi khách trong nhà hàng thật sang trọng… Đó có phải là nhu cầu thiết yếu không? Không hẳn. Có thì tốt, không có cũng không sao cả, vì có khối người chân tay, không có, mắt mù, tai điếc, miệng nói ngọng, gia cảnh thiếu trước hụt sau… vậy mà…

Là con người, dĩ nhiên, ai mà không mong cầu. Vì dù muốn dù không thì bản năng tự nhiên cũng thúc đẩy chúng ta tìm tới những điều kiện an toàn và thuận lợi để sinh tồn và phát triển. Thế nhưng, chúng ta đã mắc phải những sai lầm rất lớn trong việc mong cầu, và vô tình để nó trở thành nguyên nhân chính yếu dẫn tới mọi rắc rối và khổ đau trong đời.

Và cái mất mát dễ nhận ra nhất trong cuộc tranh đấu cho cái gọi là đạt được kết quả mong cầu, đó là chúng ta đã tự biến mình trở thành kẻ không có thời-gian. Lúc nào ta cũng bận rộn, đầu tắt mặt tối. Thời gian cho bản thân còn không có, nói gì đến những người thân xung quanh.

Kẻ không có thời gian cũng chính là kẻ không có không gian. Dành hết thời gian cho công việc là chúng ta đã tự thu hẹp không gian sống của mình. Suốt ngày ta chỉ còn quanh quẩn trong phòng làm việc, trong chiếc máy tính, hay trong chiếc điện thoại bé xíu.

Kẻ không có thời gian và không gian cũng chính là kẻ không có tự do. Càng bận rộn chúng ta càng giới hạn những mối quan hệ mà chúng ta thấy không cần thiết; càng thành đạt chúng ta càng lo sợ và tránh xa những bạn bè mà chúng ta nghĩ có thể sẽ lợi dụng mình; càng có quyền lực với mọi người chúng ta càng bị tước đi quyền sống chân thật với chính mình.

Cái giá đắt nhất phải trả cho cuộc chạy đua kinh tế, chính là sự sa sút trầm trọng của phẩm chất tâm hồn. Sau mỗi mục tiêu đạt được, chúng ta dễ căng thẳng và lo lắng hơn, dễ bực tức và nghi ngờ hơn, thiếu trung thực và nhiều chiêu thức hơn, thiếu cảm thông và nhiều đòi hỏi hơn. Đó là chưa kể đến những cú tuột dốc không phanh khi thua cuộc, khi thất bại, khi những ước mơ tan tành theo mây khói. Nỗi khổ của kẻ chiến bại còn nặng nề hơn nỗi khổ của kẻ nghèo đói gấp trăm ngàn lần. Bởi đó là nỗi khổ của một cái tôi.

Lắm lúc mệt mỏi, chúng ta lui về một góc nhỏ và mơ hồ nhận ra rằng cuộc sống phải có cái gì đó tốt đẹp hơn, sâu sắc hơn. Nhưng rồi những suy nghĩ ấy cũng mau chóng tan biến như một làn khói mỏng, ta lại trở về thực trạng cũ: mong cầu, tranh đấu, mệt mỏi, bất an.

Làm sao chúng ta có thể dừng lại khi xung quanh ai ai cũng đang tranh thủ tích góp? Làm sao chúng ta dám tin rằng nếu không tiếp tục tranh đấu để có thêm tiện nghi thì cuộc sống ta vẫn an ổn hay tốt đẹp hơn? Chẳng phải ngay từ trên ghế nhà trường chúng ta đã được dạy rằng, “hạnh phúc là tranh đấu” đó sao? Xã hội vốn như vậy thì chúng ta có thể làm khác hơn được sao?

Và đến một lúc nào đó, chúng ta lại tỉnh ngộ như bà mẹ thứ tư sau một lúc trầm ngâm suy tư về giá trị không lâu bền của sự hưởng thụ cảm giác trông chờ bên ngoài, nên phát một câu kết luận không thể không tức cười.

Nhưng sai lầm vẫn cứ tiếp tục xảy ra và khổ đau vẫn chưa chấm dứt, vì chúng ta lại đặt ra và đeo bám vào những mong cầu lớn lao khác về giá trị tâm hồn như: bình yên, thảnh thơi, thương yêu… Nghĩa là tâm mong cầu cho cái tôi vẫn nguyên vẹn, chỉ có đối tượng mong cầu là thay đổi.

Thực ra, mong cầu ít hay nhiều, nhỏ hay lớn, vẫn chưa phải là yếu tố quyết định nên khổ đau. Mong cầu ít và nhỏ, dù chỉ là những nhu cầu căn bản và thiết yếu, nhưng nếu không phù hợp với khả năng và hoàn cảnh hiện tại, cùng với thái độ nôn nóng và quyết có cho bằng được, thì nó vẫn làm ta khổ như thường. Mong cầu nhiều và lớn, nhưng chỉ để tập trung đi tới và hoàn thiện, cộng với tinh thần sẵn sàng buông bỏ bất cứ lúc nào nếu nó trở thành áp lực và điều khiển chúng ta, thì không có lý do gì khiến chúng ta phải khổ vì nó. Huống chi, chúng ta còn phải phấn đấu để vươn tới chân - thiện - mỹ và còn thể hiện tình thương và trách nhiệm với gia đình và xã hội, thì mong cầu là điều phải có, phải xảy ra.

Do đó, nguyên nhân dẫn tới mọi khổ đau chính là thái độ mong cầu, chứ không phải là nội dung mong cầu. Nói cách khác, phương thức để sống mà không khổ đau đó là cần có thái độ mong cầu đúng đắn, chứ không phải chấm dứt hết mọi mong cầu.

Thái độ mong cầu đúng đắn chỉ đến từ nhận thức đúng đắn (về thân phận và cuộc đời) và lối sống tỉnh thức. Thái độ mong cầu đúng đắn không bao giờ được sinh ra từ tâm tham lam – chỉ muốn gia tăng thêm sự hưởng thụ thỏa mãn cho cái tôi ích kỷ.

- kẻ nhiều chuyện -