Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:
Ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng sống
một cuộc đời rất hạnh phúc. Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng
của ông, đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là Ông Hoàng Hạnh
Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong
thành.
Một buổi chiều đầu mùa đông, một con
chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó
nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của Ông Hoàng. Ông đang khóc. Những
giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má của ông. Chim én ngạc nhiên và hỏi rằng:
- Tại sao ông khóc? Ông là Ông Hoàng Hạnh
Phúc kia mà!
Ông hoàng trả lời:
- Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống
của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm,
nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có
thể giúp ta không?
- Không được, tôi phải bay đi cho kịp
đàn đang bay về phương bắc.
- Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi.
Chim én ngập ngừng giây lát rồi nói:
- Thôi được. Bây giờ ông muốn tôi làm
gì?
- Trong một túp lều đàng kia có một người
mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên
ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.
- Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và
bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.
- Hôm sau Ông Hoàng lại xin chim én nán
lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm
sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác,
con chim én lấy các thứ trang sức của Ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng
trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Khi đó đã là giữa mùa đông, trời
đã lạnh rất nhiều.
- Một buổi sáng, người ta thấy xác con
chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành
phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh
của Ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia.
… …… …… …… …… …… …
Ðôi khi trong cuộc sống chúng ta vẫn vô
tâm như vậy. Nhiều người đã được sống hạnh phúc nhưng họ đâu biết rằng hạnh
phúc của họ là nhờ sự chắt chiu từng hy sinh âm thầm của biết bao nhiêu người.
Có thể đó là sự hy sinh không mệt mỏi của cha, của mẹ từng ngày vất vả trên
nương đồng, hay trên công trường. Có thể đó là sự hy sinh nhịn nhục của những
người thân chịu thiệt thòi để họ được hạnh phúc. Có thể đó là sự hy sinh nhường
nhịn của bạn bè để họ được vui hơn trong cuộc sống. Thế mà, nhiều người vẫn tưởng
rằng mình lớn lên không cần ai giúp đỡ. Lối suy nghĩ đó đã dẫn đến một đời sống
ích kỷ, hẹp hòi, một lối sống dửng dưng đến xa lạ với đồng loại.
Cứ khoảng vào mùa xuân, nhìn lên bầu trời
cao, chúng ta dể dàng nhìn thấy những đàn chim trú đông bay về phương nam tránh
đông. (Người ở thành thị khó mà có thể có cơ hội quan sát được điều này vì bầu
trời đã bị đô thị hóa, nhà cửa chọc trời, vì đã bị xoáy vào nhịp sống hối hả
thì còn thời gian đâu mà quan với chả sát). Chúng bay thành từng đàn, tạo nên một
hình ảnh quen thuộc của tự nhiên trên bầu trời và đặc biệt chính cách thức
chúng bay hay chính xác hơn là cách chúng hỗ trợ nhau trong lúc bay, tưởng chừng
là những điều bình thường nhưng đó lại là một bài học quý cho chúng ta.
Loài thiên nga luôn cùng bầy đàn của
mình bay theo hình chữ V trong những chuyến di cư về phương Nam tránh giá rét
và tìm kiếm thức ăn. Với đội hình như thế, nhịp vỗ cánh của con bay trước sẽ
giúp cho con bay sau tiết kiệm được 70% sức lực so với khi chỉ bay một mình.
Trên thực tế chưa bao giờ có con thiên nga nào dám một mình bay từ phương Bắc về
phương Nam, vì đoạn đường có khi dài tới hàng chục nghìn dặm.
Điều rất đáng chú ý là khi con đầu đàn
đã thấm mệt thì nó lập tức lùi lại để con bay kế thay vào vị trí của mình.
Chúng không bao giờ độc tài lãnh đạo. Điều đặc biệt hơn nữa là khi có một con
thiên nga bất ngờ bị kiệt sức hay trúng thương, nó sẽ được hai con mạnh khỏe
khác ở lại yểm trợ và cả đàn sẽ giảm tốc độ đến mức tối thiểu để chờ chúng đuổi
theo. Chúng không bao giờ bỏ qua việc nâng đỡ đồng loài của mình.
Khi nhìn bầy thiên nga luôn gắn bó bên
nhau, có thể ta sẽ rơi nước mắt. Vì ta luôn tự cho mình là văn minh, nhưng lại
tôn sùng chủ nghĩa cá nhân để phục vụ cho sự ích kỷ nhỏ nhoi của mình. Ta không
muốn ai đụng tới ta và ta cũng chẳng buồn quan tâm đến nỗi khổ của kẻ khác.
Ngay với những người thân trong gia đình
mà ta còn sống rất ơ hờ, thì đừng nói chi đến hai chữ "đồng loại" lớn
lao kia. Mà có gì là lớn lao đâu. Nếu ta không thương được đồng loại của mình,
không nâng đỡ được dân tộc của mình, không chia sớt được nỗi khổ niềm đau với
quê hương mình thì ta lấy tư cách gì để đứng vững giữa trời đất này kia chứ? Sống
mà chỉ biết đến bản thân thôi thì đâu có ý nghĩa gì để sống.
Đừng ỷ vào tài năng, địa vị độc tôn hay
sự may mắn rồi tự ban cho mình một vị trí quá lớn khiến ta trở nên khó hòa nhập
với mọi người xung quanh.Trong lịch sử loài người chưa có ai thành công bền vững
mà nghèo nàn lòng nhiệt tâm nâng đỡ kẻ khác hay ngại sống chung với nhau. Ta
hãy sống đời sống của một con người có hiểu biết và thương yêu, hãy chấp nhận
nhau như những con thiên nga luôn chấp nhận đồng loại của mình.
Đừng vì nhu yếu hưởng thụ quá lớn, đừng
vì cái tôi hẹp hòi bé nhỏ, để lúc nào ta cũng xây dựng trong lòng ngục thất của
nghi ngờ, lo lắng và sợ hãi khi tiếp xúc với người khác. Còn đi chung đường với
nhau, còn nhìn nhau tận mặt và sẵn sàng lên tiếng khi cần nhau hay hết lòng
nâng đỡ nhau là ta đang giữ được thiên chức của một sinh linh mầu nhiệm. Hãy giữ
lấy con đường ấy, vì đó chính là con đường đưa tới hạnh phúc chân thật!
- lượm lặt -