- Mẹ ơi, hạnh phúc ở đâu?
Mẹ cún con mỉm cười đáp:
- Hạnh phúc nằm ở chiếc đuôi xinh xắn của
con đó!
Cún con thích lắm, ngày nào chú cũng ngắm
nghía chiếc đuôi của mình, vừa nhảy vừa vẫy vãy chiếc đuôi! Nhưng rồi bỗng một
hôm, chú cún con buồn bã chạy đến bên mẹ:
- Mẹ ơi, tại sao con chẳng bao giờ nắm
giữ được hạnh phúc vậy?
Mẹ khẽ vuốt ve cún con và
đáp:
- Chỉ cần con tự tin bước về
phía trước, hạnh phúc sẽ tự đi theo con thôi!
-- ---
--- ---
Chúng ta đã có hạnh phúc chưa hay vẫn
đang đi tìm với hai bàn tay trắng? Có phải chúng ta nghĩ hạnh phúc là một cái
gì đó rất lớn lao và đang ở rất xa trong tương lai, hay có thể nằm ở cuối con
đường mà chúng ta đang từng bước đi tới. Coi chừng chúng ta lầm rồi đấy. Hạnh
phúc rất giản dị và luôn có mặt trong giây phút hiện tại, ngay bây giờ và ở
đây. Vấn đề là chúng ta có biết nó đang có mặt như thế nào và biết cách tiếp nhận
hay không thôi.
Chúng ta đã từng quan niệm hạnh phúc là
gì? Có phải là được sống trong những điều kiện tiện nghi như ăn uống đầy đủ,
tiêu xài thoải mái, nhà cửa khang trang, công việc thuận lợi, thương yêu chiều
chuộng, con cái ngoan hiền, bạn bè thân thiện… Những tiện nghi đó đem lại cho
chúng ta một cảm giác thoải mái, dễ chịu, thích thú, sung sướng nên chúng ta
nghĩ rằng mình có hạnh phúc. Định nghĩa này hầu hết mọi người công nhận.
Nhưng có khi chúng ta đang sống trong những
điều kiện rất thuận lợi, không có vấn đề gì phải bận lòng sầu khổ, hoặc chỉ có
chút đỉnh khó khăn thôi thì lẽ ra chúng ta phải có hạnh phúc chứ, sao vẫn than
van số phận hay kêu ca cuộc đời hoài vậy? Cho nên phải có ý thức về những gì
chúng ta đang có chính là điều kiện của hạnh phúc thì chúng ta mới có hạnh phúc
được.
Nhớ lại những lần bị đau bao tử, không
ăn uống được hay không làm việc gì được đã đành, mà cảm giác đau thắt ấy thật
khó chịu. Lúc ấy chúng ta quả quyết rằng không có cái khổ nào bằng đau bao tử.
Nhưng trước đó vài giờ chúng ta có biết
mình rất hạnh phúc vì không bị chứng đau bao tử hành hạ không? Rõ ràng là không
hề có, vì chúng ta phải lo bao nhiêu chuyện to tát trên đời, hơi sức đâu mà
nghĩ tới những cái cỏn con như vậy. Song chính những cái cỏn con ấy đã khiến
chúng ta phải khổ sở và gác lại bao điều to tát. Và khi trải qua từng giờ phút
trong cơn vật vã ấy ta mới nghiệm ra rằng không đau bao tử cũng là một điều kiện
hạnh phúc.
Hãy thử suy ngẫm về những điều kiện hạnh
phúc mà chúng ta đang có, phải chăng nhiều hơn chúng ta tưởng tượng không? Chỉ
cần liên tưởng tới hình ảnh của những em bé mồ côi, những em bé chết đói hay tật
nguyền đang có mặt khắp nơi trên thế giới thì chúng ta đã thấy mình hạnh phúc tới
chừng nào rồi. Những em bé đó phải đi bằng đôi tay hay lấy thức ăn bằng đôi
chân, hoặc chưa từng nhìn thấy bầu trời xanh hay tiếng chim hót, hoặc cũng chưa
một lần nào được chăm sóc ân cần từ bàn tay của những người thân trong gia đình
hay bạn bè.
Còn chúng ta, chúng ta đang sở hữu quá
nhiều thứ. Chúng ta có đôi mắt sáng ngời, đôi chân vững chắc, đôi tay tháo vát,
giọng nói trong trẻo, trái tim khỏe mạnh, năng lượng sống tuôn tràn, tương lai
rực rỡ chào đón… chúng ta không bị vướng vào chứng bệnh nan y nào về thể chất,
cũng không lâm vào tình trạng khủng hoảng điên cuồng vì thiên tai hay tai nạn
do con người gây ra. Chúng ta đang có cơ ngơi ổn định, công việc thuận lợi, tài
năng phát triển. Chúng ta cũng đang đầm ấm với gia đình, được người thương quan
tâm chìu chuộng.
Những điều đơn cử ra đây chỉ là một phần
rất nhỏ so với những điều kiện hạnh phúc quá lớn mà chúng ta đang sở hữu. Nếu
không được nhắc nhở, chúng ta cũng không ngờ mình giàu có như vậy, một gia tài
hạnh phúc đã từng được chúng ta nâng niu và cũng đã từng bị chúng ta ném vào
bóng tối lãng quên để tiếp tục đuổi theo những đối tượng hấp dẫn khác trong
tương lai.
Có thể diễn đạt hành trình đi tìm hạnh
phúc của chúng ta bằng cái trục ngang với rất nhiều điểm đến. Ta hãy chọn khởi
điểm là A và điểm đến là B. Nhưng đến B rồi cũng thấy thường thôi, chưa phải là
hạnh phúc nên chúng ta sốt ruột muốn đến thử C. Nhưng sau đó không lâu chúng ta
bỗng phát hiện hình như còn thiếu một vài điều kiện quan trọng nữa mới nắm được
hạnh phúc, nên ta đã hy vọng ở D.
Rồi chúng ta vẫn chưa an
tâm, tiếp tục đặt ra những điều kiện hạnh phúc mà mình cần phải đạt cho bằng được
như là sở hữu một căn nhà khang trang rộng lớn, một chiếc xe hơi đời mới nhất,
một trương mục khá nhiều tiền, một địa vị có nhiều quyền lực mà bạn bè đều kính
nể… thì mới bảo đảm cho hạnh phúc bền vững.
Cứ thế chúng ta tiếp tục lao
như điên đi về E, F, G… và ở mỗi điểm chúng ta chỉ cảm nhận được giá trị hạnh
phúc rất ngắn ngủi. Chừng vài tuần hoặc vài tháng sau chúng ta lại khát khao đến
những điều kiện hạnh phúc khác. Đôi khi chúng ta còn nghĩ biết đâu hạnh phúc thật
sự chỉ nằm ở cuối trục ngang này không chừng.
Ô hay, cuối trục ngang này
là cuối cuộc đời chúng ta rồi đây. Ai dám bảo đến đoạn cuối đời chúng ta mới có
thể chạm tay tới cái giá trị thiêng liêng của hạnh phúc kia chứ. Nhưng nếu quả
thật như vậy thì uổng phí cho cả kiếp người không ngừng phấn đấu và tận tụy với
cuộc sống mà chỉ hưởng hạnh phúc trong khoảnh khắc ngắn ngủi thế thôi sao?
Thật ra hạnh phúc đều có mặt ở A, B, C
hay D, E, F cho đến X, Y, Z nữa, và giá trị hạnh phúc ở mọi nơi mọi lúc đều giống
như nhau về phương diện bản chất, nghĩa là A=B=C…=Z. Nhưng làm sao chúng ta biết
được điều này khi động cơ bỏ hình bắt bóng luôn thúc đẩy chúng ta lao tới trước
như một thói quen truyền kiếp rất con người?
Chính vì kẹt vào những ước mơ chưa đạt
được nên chúng ta không thể thừa hưởng những hạnh phúc lớn lao mà chúng ta đang
có. Liệu chúng ta có chắc khi những ước mơ kia thực hiện xong là chúng ta sẽ
hoàn toàn hạnh phúc không? Chúng ta chỉ tiên đoán thôi, vì một năm nay hay hai
năm về trước chẳng phải chúng ta cũng đã từng có những điều ước, và hầu hết những
điều ước ấy đều đã thành tựu sao chúng ta vẫn không có hạnh phúc? Thế mà chúng
ta vẫn tiếp tục ước mơ, tiếp tục hy vọng như chưa từng biết gì về hạnh phúc.
Ý thức được điều kiện hạnh phúc chỉ có
trong giây phút hiện tại nên không còn chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm đã là một
bước đi đáng kể, nhưng giữ vững ý thức đó không để cho mãnh lực hấp dẫn phía
trước lôi kéo thì không phải dễ, phải có khả năng và phương pháp nuôi dưỡng cụ
thể, chứ chỉ có mỗi ý chí thôi thì không đủ.
Cho nên không phải bất kỳ ai đến đoạn cuối
cuộc đời cũng biết được bộ mặt của hạnh phúc. Có thể họ đã từng sống trong hạnh
phúc, nhưng không giữ nó được bao lâu. Tại vì họ bất lực trước bản năng đón nhận
hạnh phúc bằng cảm xúc hời hợt của mình. Cái bản năng mau chóng bình thường hóa
mọi thứ dù là những hạnh phúc lớn lao nhất, cái mà người ta vẫn thường nghi ngờ
và cho rằng đó là sự trêu đùa của số phận.
Khi sống trong những điều kiện thuận lợi
như thưởng thức món ăn khoái khẩu trong một nhà hàng danh tiếng, mua được chiếc
xe mơ ước bấy lâu, vừa ký một hợp đồng rất béo bở, du lịch đến một xứ sở cảnh đẹp
như cõi thần tiên, được nghe những lời khen tặng hết lòng của người thương,
chia sẻ những ước mơ thầm kín với người mình tin tưởng… thì phần lớn ai cũng có
cảm giác sung sướng, dễ chịu và kết luận là mình đang có hạnh phúc.
Tiền bạc, quyền lực, danh dự, sắc đẹp…
cũng chỉ đem lại một cảm xúc thỏa mãn, nhưng để có được một cảm xúc thỏa mãn, để
có được nó ta phải nếm trải qua rất nhiều cảm xúc xấu như hồi hộp, lo lắng, sợ
hãi, bực tức, hờn ghen hay phải kích động và tập dợt cho những hạt giống xấu
trong tâm hồn như gian dối, nghi ngờ, cố chấp, lợi dụng, thù hận. Rốt cuộc để
mưu cầu hạnh phúc thì chúng ta lại gieo rắc cho chính mình những mầm mống khổ
đau.
Khi chúng ta có đủ bản lĩnh
vượt qua bản năng hưởng thụ rất con người của mình thì chúng ta sẽ tìm thấy thứ
hạnh phúc được nuôi dưỡng bằng ý chí và tình thương đó mới thật sự là hạnh phúc
cao đẹp và xứng đáng để chúng ta bỏ công sức đi tìm. Một tách trà nóng, một bữa
cơm đơn sơ, một rừng thu lá chín, một chiếc thuyền nhẹ trôi… sẽ là thiên đường
cho những khách phong trần muốn tìm lại chính mình sau những ngày tháng sống
trong phiêu lãng.