TIÊN SƯ THẰNG NÀO XEM XONG, THẰNG NÀO NÓI VỚI THẰNG NÀO !

Một giáo sư triết học lập dị ra một bài thi cho sinh viên. Cả lớp đã sẵn sàng chuẩn bị.

Giáo sư nhấc ghế của mình lên, đặt nó lên bàn và viết lên bảng:

- "Sử dụng tất cả những gì chúng ta đã học, bạn hãy chứng minh cái ghế này không tồn tại"!

Các sinh viên cắm đầu cắm cổ viết. Có những sinh viên viết hơn 30 trang trong một giờ để cố gắng chối bỏ sự tồn tại của cái ghế. Chỉ có một boy của lớp đứng lên và kết thúc bài thi trong chưa đầy một phút.

Mấy tuần sau, điểm được công bố. Đa số sinh viên thất vọng vì không ai đạt điểm A, ngoại trừ anh chàng ra khỏi phòng thi sớm.

Mọi người kéo đến hỏi anh đã viết gì trong bài thi.

Anh chàng – lúc này đã trở thành "hot boy" – thủng thẳng: "Thì tớ viết mỗi hai chữ thôi mà: Ghế nào?".

** ** ***** *** ***

Woa! đúng là ngành triết luôn. Ngắn gọn, súc tích, dí dỏm, hài hước, không hiểu gì luôn. Người nào học triết mới hiểu, làm diễn viên thì cười hề hề. Hết chuyện!

Chúng tôi chợt nhớ.....

Có lần Trạng Quỳnh đi qua sông không có tiền trả cho anh lái đò, Quỳnh xin khất lại hôm sau có tiền mới trả. Lần sau Quỳnh có dịp lại qua khúc sông này, Quỳnh lại khất.

Cứ thế, sau bao nhiêu đi đò, số tiền khất thêm lớn, anh lái đò không cho khất nữa. Quỳnh bảo:

- Mai tớ trả cho chú sòng phẳng không cần trả lại số dư, lo gì!

Đêm hôm đó, Quỳnh thắp đèn cùng người nhà tới khúc sông vắng thường ngày ít người qua lại. Ra giữa lòng sông, Quỳnh lấy cây đóng thành bốn cọc rồi vây tấm bạt xung quanh, viết lên tờ giấy vỏn vẹn 13 chữ to tướng rồi cắm vào giữa bên trong đấy.

Sáng mai mọi người phát giác ra cái lều bỗng nhiên xuất hiện giữa lòng sông một cách dị thường và kháo nhau bắt đò ra xem có gì lạ.

Một người ra xem rồi trở về, ai hỏi gì anh ta cũng lắc đầu từ chối không nói:

- "Cứ ra mà xem thì các bác biết rõ"

Cứ thế một người, rồi hai người, rồi ba người.... ra xem xong trở về, ai hỏi gì cũng lắc đầu không đáp:

- "Cứ ra mà xem hãy rõ"

Mãi đến khi mặt trời lên bằng con sào thì dòng người ra xem mới tạm ngớt.

Người cuối cùng sau khi lên bờ lẩm bẩm:

- "Có vậy thôi mà cũng toi công của ông cả buổi chực chờ xem".

Lúc này, Quỳnh mới lò dò từ đằng xa bước tới nói với bác lái đò:

- Tiền đò sáng nay trả sòng phẳng rồi nhé, số dư còn lại hiến cho bác nốt.

Bác lái đò chẳng hiểu ất giáp gì cả:

- Té ra cái lều bạt đó của ông dựng lên à! Thế có cái gì trong đó mà người nào cũng xem xong tiu nghỉu thế?

Quỳnh:

- Đơn giản! "Tiên sư cha thằng nào xem xong, thằng nào nói với thằng nào"

- !!!!!

*** Thế đấy! ai cũng sợ chưởi cha nên chẳng ai dám nói gì.

Tâm lý con người ta ai cũng tò mò, rồi tưởng tượng thật nhiều, ghi chép thật nhiều, thêm thắt thật nhiều và cuối cùng chẳng ai nói đến tận cùng của chân lý. Vì chân lý là vô ngôn! "Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh" mà lỵ. (Đạo mà nói ra được thì không phải đạo thường hằng.)

Cho nên anh sinh viên chỉ cần "ghế nào". Hoặc "tiên sư cha....." để ngậm tăm ngôn ngữ của trí não, là giải quyết vấn đề.

Giáo lý Nhà Phật cho chúng ta biết các pháp do nhân duyên hòa hợp mà thành. Cái danh, cái tướng trạng, hình thể cũng chỉ là do các yếu tố, duyên hợp mà thành, không có cái lõi (thân cây chuối) rồi gá vào cái tên để phân biệt cái này khác cái kia, cái kia khác cái nọ. Trí não chúng ta làm việc quá nhạy bén nên hễ tiếp nhận thông tin là phân tích, chia chẻ ra liền. Càng chia chẻ, phân tích thì càng xa rời bản chất thực sự, thế là đánh mất thực tại.

Khi ăn cũng phân tích, khi uống cũng phân tích, đến lúc ngủ cũng phân tích nên chúng ta không cảm hết được cái giá trị nằm trong các món ăn, thức uống, những người ta thương, những người ta tiếp xúc mỗi ngày và những giá trị xảy ra xung quanh.

Như thế thiền là sự dừng lắng chứ không phải bó gối ngồi yên một chỗ. Đi trong sự dừng lắng các suy nghĩ vẩn vơ, các cảm xúc.... gọi là đi kinh hành hay thiền hành (đi mà không có chỗ cần tới). Ngồi và nằm trong sự dừng lắng gọi là ngồi thiền, là nằm thiền. Thế thôi!


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...