ĐỚI NGHIỆP VÃNG SANH

Xưa có con chim Cú mèo làm tổ chung trên một cây với chim Gáy.

Một hôm Cú mèo đến từ giã chim Gáy để dọn đi nơi khác, Gáy ngạc nhiên hỏi:
- Bác đi đâu thế?

- Tôi dời nhà sang phương Tây.

- Sao thế? Có việc gì làm trở ngại cho bác? Tôi trông nơi đây sinh sống dễ dàng, mát mẻ, sao bác lại bỏ đi?

Cú mèo buồn rầu đáp:
- Dân cư vùng này không ưa tôi.

Chim Gáy dịu dàng bảo:

- Này bác ạ! Chỗ thân tình với nhau tôi nói cho bác nghe... sở dĩ người ta không ưa bác là vì tiếng kêu của bác. Nếu sang phương Tây bác cũng kêu như thế thì người ta cũng ghét bác thôi... Chi bằng bác đổi tiếng kêu thì đông tây gì cũng tốt như nhau, chẳng ai ghét bác nữa đâu mà sợ.

Cú mèo nghe nói, giận dữ bỏ đi đến miền Tây ở. Ðúng như lời tiên đoán của chim Gáy, dân chúng miền Tây cũng ghét bỏ nó….

**** ** ** *** *** *****

Ðổi chỗ ở bao giờ cũng dễ dàng hơn sửa đổi một số tật của mình.

Tâm lý chúng ta ai cũng muốn tìm được một nơi ở bình an hạnh phúc, xung quanh được quần chúng nhân dân ái mộ, khen tặng, chìu chuộng và vuốt ve, những hành động của chúng ta phải được mọi người tung hô vạn tuế...cuộc sống nếu luôn trải ra như những điều mong ước đó thì chúng ta nhảy chân sáo cất cao giọng oanh vàng thánh thót: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…..”. Bằng ngược lại, trong thực đơn ba bữa mỗi ngày của chúng ta luôn luôn dư thừa những mùi vị khổ đau, buồn chán từ những thất bại, chê trách, chỉ trích… thì chúng ta sẽ hờn, chúng ta sẽ dỗi, sẽ hận đời sao đen bạc, sẽ than rằng sao người ta không hiểu mình, rằng sao mà mình cô đơn quá vậy.....mà ít có bao giờ nhận thấy cái nguyên nhân xuất phát từ tiếng kêu của mình, rồi giận dỗi tìm chỗ bỏ đi.

Ở đời người ta chỉ tặng nhau những lời có cánh, đãi bôi khi thu về lại những gì có lợi hơn là nói thẳng nói ngay như anh chàng chim Gáy. Cuộc đời là vậy. Trừ khi người ta ganh ghét thì dù mình có kêu, hay hót giọng nào thì cũng cứ bị người ta tìm cách chỉ trích, "cao chê ngổng, thấp chê lùn, béo chê béo trục béo tròn, gầy chê xương sống xương sườn lòi ra" là như thế. Mặt khác, nếu trong cộng đồng mà tất cả chỉ là loài Cú thì việc Gáy phải khăn gói quả mướp đi tìm nơi ở mới chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Theo quy luật, nếu muốn tồn tại trong cộng đồng dù là Cú hay là Gáy, lắm khi phải biết kêu hay là gáy cho hợp giọng với cư dân nơi ấy. Nếu khéo hơn, nghệ thuật hơn, sự đồng hoá ấy sẽ được nâng cấp thành lối sống che đậy.

Xã hội hôm nay, không riêng gì chim chóc mà với tất cả các loài sâu bọ, các dòng giống lớn nhỏ, nếu muốn tồn tại phải biết che đậy. Thông minh và khôn khéo hơn, với lối sống ấy, loài người biết phát triển thành một thứ văn hoá, gọi là văn hoá che đậy. Thẩm mỹ viện, các loại hương liệu nước hoa, các loại mỹ phẩm, các quần là áo lược, những bằng cấp học vị.... là những thứ phụ tùng giúp đỡ tích cực trong thủ thuật duy trì và bảo dưỡng thứ văn hoá này.

Theo thời gian, vì sống mãi sống riết trong văn hoá ấy, đến lúc trở về "quê hương xứ sở", kết thúc một cuộc chơi, khi bước xuống khỏi ánh đèn mầu sân khấu, lau đi hết lớp phấn son loè loẹt do mồ hôi rửa trôi, người ta mới phát hiện ngay cả bản chất thật sự của mình là Cú hay là Gáy chinh mình cũng không rõ nữa.

Mặc dù ai cũng biết thành thật và sống đúng bản chất là một đức tính tốt. Ai cũng mong người khác sống thành thật với mình, nhưng một khi bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống thì người ta nhận thấy chính sự thành thật là trở ngại trong việc tồn tại giữa môi trường cộng sinh, nên văn hoá che đậy là một thủ thuật khó có thể tách rời. Nhiều người dám tuyên bố, sống giữa đời sống bây giờ mà không biết che đậy là ngây ngô, khờ dại. Phải khôn khéo và đầy kỹ xảo trong hình thức ăn mặc, giao tiếp, làm ăn mới là kẻ thức thời và tồn tại.

Thế gian là vậy!

Trong tôn giáo, Thiên Quốc và Cực Lạc được mệnh danh là những nơi chốn đầy hoa thơm cỏ lạ, muốn gì được nấy, vắng bóng sự ưu tư phiền muộn…. là nơi chốn luôn được các nhà truyền giáo ca ngợi, rao giảng như là một miền đất hứa tươi đẹp nếu các vị hôm nay đặt niềm tin tuyệt đối vào và nhanh chóng đăng ký passport, rồi sau khi kết thúc số mạng trên cõi đời này sẽ được cấp visa tức thì. Dù có tạo tội lu bù thì cũng sẽ được “đới nghiệp vãng sanh”, sẽ được “ân xá cứu xét” khi đã được thông qua các thủ tục “xức dầu” “hộ niệm”.

Trời! Hứa hẹn như thế mà ai chả khoái. "sân si nghiệp chướng không chừa...." mà vẫn về Địa đàng – Cực Lạc thì còn gì hơn thế.

Thay quần thay áo thay hơi,
Thay dáng thay dấp nhưng người không thay (ca dao)

Cho nên về nơi đó thế nào được khi tiếng kêu cứ “ộp” “ộp”, “cú””cú” kia chứ. Lòng đường, hè phố, xó chợ, mái hiên, góc bếp… tới chỗ mô cũng cứ “ộp” “ộp”, “cú” “cú”. Tại trần gian người đời còn chịu không thấu nữa huống là....

Cho nên về nơi đó thế nào được khi “miệng Nam Mô mà bụng bồ dao găm” kia chứ. Giả sử các Thiên sứ thương tình mở cánh cổng Thiên Quốc – Cực Lạc cho vào thì một thời gian sau khắp nơi trên ấy đi đâu cũng nghe “cú” “cú” “ộp” “ộp", có phải thế không?

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...