LÊN LẦU MÀI DAO

(trích dẫn từ kinh Bách Dụ)
Có một người phục dịch cho vua rất khổ, trải qua một thời gian lâu, thân thể mỏi mệt vô cùng. Vua thấy thế thương hại bèn ban cho con lạc đà chết.

Sau khi chàng lãnh con lạc đà rồi, bèn đem về nhà lột da. Vì dao lụt cắt không đứt, chàng đi tìm một viên đá để mài dao, chàng tìm được một viên đá ở trên lầu 3.

Chàng lên lầu mài dao xong, rồi xuống lầu lột da lạc đà. Cắt một lát dao lụt, chàng lại đi lên lầu mài lại, rồi trở xuống lầu lột da. Vì lên xuống nhiều lần, thân thể mỏi mệt. Chàng bèn nảy ra một sáng kiến, chàng ta đem con lạc đà để trên lầu cho tiện, một bên thì mài dao, một bên thì cắt. Chàng tự cho làm thế là rất thông minh. Quả thật là thông minh quá đi chứ, phải không ạ. Rất tiện, rất thiết thực.

Thế nhưng mọi người xung quanh thấy vậy đều cười nhạo chàng ta đấy. Cười nhạo vì bảo anh ta thật dốt, tại sao không đem cục đá mài xuống thì có phải nhẹ nhàng và gọn gàng, sạch sẽ hơn không.
==  <>  <>  <>  ==
Con lạc đà "hạnh phúc" thường thì ai cũng muốn tìm kiếm và xẻo thịt cả. Nhưng cái cách cạo lông, xẻo thịt thì mỗi người mỗi khác.

Việc xẻo thịt "lạc đà" tìm kiếm "hạnh phúc" của chúng ta cứ miệt mài leo lên leo xuống để mài dũa chiếc dao "hưởng thụ" luôn bị sự ma sát của "thời gian" làm "cùn lục" trạng thái bình an nơi nội tâm và gia tăng cảm xúc bất an, và nhạt nhẽo nghèo nàn hương vị cuộc sống.

Thực sự chúng ta là một cái máy không hơn không kém? Cứ diễn đi diễn lại chừng ấy công việc, chừng ấy động tác. Sáng thức dậy, ăn điểm tâm qua loa, rồi hối hả đến sở làm. Chuông reo, nghỉ xả hơi muời phút. Làm tiếp, ăn trưa. Chiều về lo bếp núc. Tối mệt nhoài, lăn ra ngủ để sáng nghe đồng hồ reo lại hối hả thức dậy, bắt đầu một ngày cũng y như thế..... Sống như vậy có gì vui? Hạnh phúc đâu phải là một chuỗi lo âu và hấp tấp như vậy? Vội vã quen rồi, cuối tuần ở nhà lại thấy thời gian sao mà thừa thải, tâm tư trống rỗng, đầu óc bất định, nỗi buồn chán lê thê..... Một năm có vài ngày lễ, ngày tết để nghỉ ngơi thư giản tâm hồn, thảnh thơi đầu óc, thực sự chúng ta lại càng bốc lột thân xác, tâm hồn cật lực hơn.

Bày tiệc ăn chơi để hành hạ ruột gan, karaoke để hành hạ cổ họng, hao tổn khí lực. Mấy ngày tết được nghỉ ngơi không chịu, bày ra đi du ngoạn, du lịch, lễ chùa thập tự, đình này miếu kia. Phúc lộc đâu chẳng thấy, toàn thấy mệt mỏi, bần thần, đứt hơi, khí thải môi trường......

Cuộc sống mấy mươi năm phải biết giải trí, hưởng thụ chứ! Điều đó tất nhiên rồi. Nhưng dường như cái cách hưởng thụ của chúng ta có vấn đề.

Chúng ta đều là những người thông thái được đào tạo trong một môi trường giáo dục hiện đại, nên rất biết cách chọn lựa những giá trị xung quanh để thăng hoa cuộc sống.

Những món ăn thật ngon, nhưng nếu chúng ta ăn cẩu thả thì cũng chẳng thưởng thức hết mùi vị của nó. Người xưa dạy: "ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa". Ăn kỹ bao gồm cả ý nghĩa phải nhai chậm, lắng nghe hương vị, cảm nhận hết thực chất có trong thức ăn. Thực chất mỗi ngày chúng ta đưa vào cơ thể rất nhiều, từ 3 bữa mỗi ngày, cộng thêm ăn lặt vặt hàng giờ khi có thể. Dường như chúng ta là một cái máy nghiền thức ăn hơn là thưởng thức thức ăn. Đưa càng nhiều vào thì càng hành hạ dạ dày, bóc lột sức lao động của các bộ phận, gan thải độc tố, thận lọc chất thải, tim phải làm hết công sức thu gom, tải đi các chất từ máu, phổi phải hoạt động tận lực để cung cấp oxi. Mỗi khi một bộ phận nào đó lên tiếng phản đối thì chúng ta, trù dập chúng bằng những vũ khí lợi hại từ thuốc tây.

Béo phì, tiểu đường, huyết áp, tim mạch..... là hệ quả tất yếu từ việc ăn uống như thế tích lũy, "bệnh tùng khẩu nhập" quả thật không sai.

Khi ngủ cũng vậy, ngủ là trạng thái nghỉ ngơi của thể xác và tâm hồn sau một ngày hoạt động, nhưng thông thường chúng ta không trọn vẹn trong trạng thái nghỉ ngơi thực sự. Đã ở trên giường rồi, chúng ta còn nghĩ ngợi liên miên một hồi, có người thì gắn tai phone hành hạ lỗ tai, rồi giấc ngủ mới đến....

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần ý thức rằng cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua, nó là một hành trình mà chúng ta có thể tận hưởng từng bước một cho đến lúc phải rẽ, và hãy nhớ đem cục đá mài xuống thì nhẹ nhàng hơn là vác con lạc đà lên lầu cao nhỉ!