CHIẾC CÙM BẰNG VÀNG NẠM NGỌC

Thuở xưa, tại một đất nước nọ…

Có một nàng công chúa bị một nhóm sơn tặc (cướp núi) bắt về giam giữ tại một hang núi. Bọn sơn tặc trói nàng bằng một chiếc cùm bằng sắt, nàng liền giận dữ phản đối ầm ỉ, than khóc, nỉ non suốt cả ngày, cơm không ăn nước không uống, (không ăn chắc đói nên không ngủ luôn quá) lúc nào cũng tìm cách thoát thân.
Tay quân sư của tướng cướp nhận ra điều gì đó nên ghé tai thì thầm với hắn, chỉ thấy tên tướng cướp gật đầu ưng thuận. Rồi tên tướng cướp ra lệnh bọn lâu la.
Lát sau, bọn lâu la dẫn công chúa đi, nhốt nàng vào một chiếc lầu sơn son thếp vàng thật đẹp, đổi chiếc cùm bằng sắt thay vào đó là một chiếc cùm vàng nạm ngọc...
Thế rồi, nàng liền đổi giận làm vui, nghĩ rằng từ nay mình được sở hữu cả một gia tài khổng lồ nên đành cam chịu cảnh tù tội, không bao giờ nghĩ cách thoát thân nữa.
----oOo----
Những chiếc cùm dù có làm bằng phẩm hay lượng khác nhau đi nữa, chúng cũng có cùng mục đích là trói buộc, tước đoạt sự tự do của chúng ta. Cởi bỏ một chiếc cùm bằng sắt, bằng gỗ... tuy là khó thật nhưng so với chiếc cùm bằng vàng bạc, kim cương... thì mới là thiên nan vạn nan.
Lúc còn bé thì vô tư với mọi thứ nên không có cái cùm nào trói. Lớn hơn một chút biết quan sát, biết nhận thức, biết đánh giá một chút thì chiếc cùm hình thành. Rồi trưởng thành, học cao hiểu rộng thì cùm to hơn rất nhiều. Càng lớn tuổi thì chiếc cùm theo đó càng lớn theo. Lớn đến độ phải đóng thành “cũi” mới để hết cùm.
Cất nhà, mua xe, thi cử… phải tìm người tính dùm cho hướng, ngày để cùm. Xuất hành, người thân mất, ma chay - cưới hỏi… phải kiếm người chọn dùm cho giờ giấc, ngày tháng, tuổi tác đóng cùm. Cùm “xưa bày nay làm”, cùm “truyền thống – đức tin”, cùm “dựa vào ghi chép trong kinh điển sách vở lý luận siêu hình”, cùm theo định kiến – lập trường”, cùm “theo quan niệm – theo số đông”… Lý do sao cùm? Cùm vì bất an, yếu đuối, cầu an… nên có cùm còn hơn không. Phải cùm chớ! Cùm nhiều quá, cùm riết nên đóng thành cũi mới đủ chỗ nhốt mình cả đời trong “mê tín dị đoan”.
Chưa kể trong gia đình, ghét thì cho đeo chiếc cùm bằng sắt, thương cho đeo chiếc cùm bằng vàng nạm ngọc. Cựa quậy trong cùm riết thì trầy da tróc vẩy, u đầu sức trán, dẫn nhau ra tòa ly dị, ly thân.
Ngoài xã hội, cứ theo thói quen bê nguyên cái gông, cái cùm chòng lên cổ thiên hạ, phớt qua thì một lát bỏ xuống, gặp hoài thì cho mang suốt đời (thành kiến, định kiến.
Vì tự mình đeo gông, đeo cùm, rồi đeo cho người, nên riết tạo thành nỗi ám ảnh sợ hãi vô hình. Cho nên không lạ gì cứ ra vào tới lui gặp lại họ thì sợ khiếp, nhưng gặp người xa lạ, ít gần gũi thấy thoải mái hơn.
Một cái thấy không khéo sẽ là một vòng xích trong chiếc cùm. Nếu khôn khéo thì cùm sẽ có lợi khi cùm lại sự phóng túng, buông lung của tâm ý, của bản năng thấp kém, của chính bản thân. Không để rối loạn, thoái hóa, suy đồi xã hội chứ không phải bê nguyên chiếc cùm xích xiềng kẻ khác.
Ở bên ngoài (đời) thì đeo mang cùm bằng sắt, bước vào bên trong (học đạo thánh hiền) có người bỏ cùm lại – có người mang theo vào luôn.
Đầu tiên là nhờ người phá “cũi”, còn lại phần mình phải tự gỡ cùm. Nhưng dường như đeo gông, đeo cùm riết nên quen rồi, bỏ xuống thì lại nhớ, khó chịu. Lỡ ai có tâm tốt gỡ cho thì dẫy nãy khóc la đòi lại, thí đều muốn cắn lưỡi tự tử. Lỡ ai đụng đến cùm thì cự nự, la lối, om xòm xòm.
Cuối cùng cùm lại tròng thêm cùm, thêm một cái cùm bằng vàng nạm ngọc quý giá đóng con dấu SJC, 4 số, mang thương hiệu có tên rất kiêu “chân lý” đạo lý” “chánh kiến” “chánh pháp”. Cùm tui mới là vàng thiệt ròng à nghe! Có sự kiểm định dựa vào tiêu chuẩn của người xưa truyền dạy được người nay ghi chép lại thành sách vở kinh điển.
Những lúc gặp chướng ngại, khó khăn, gian nguy… thay vì đem cùm ra, cột trói lại sự manh động, bất an của tham sân, phiền muộn, ưu phiền… thì ngược lại tự lấy cùm trói lấy tâm thức chính mình. Tâm ý cảm giác tù túng nên phải giãy dụa, cựa quậy, va quẹt lung tung. Ban đầu bước vào vấn đề với ý định để tháo gỡ là ý tốt, nhưng vì mình cũng đang mang – vác chiếc cùm tổ chảng nên thay vì giúp người tháo gỡ, sáng tỏ, cởi mở, kết quả lại thêm một đống “rối một nùi”.
Còn đắc ý nữa chớ! Úi “chời”
Hãnh diện lắm nha!
Ta giàu có lắm đó! Một khoảng tài sản kếch xù mà lỵ.
Ai chạm tới vác cùm quơ “búa lùa xua” đụng nhau khua lẻng kẻng leng keng. Ít thì nghe cũng vui tai, nhưng nghe riết thì đinh tai điếc óc.
- Khoái chí!
Bỏ cùm này vác cùm kia, chung quy cùm vẫn là cùm.
Những người bị trói bằng chiếc cùm vàng nạm ngọc đôi khi cũng có thể tự tử chết nếu được giải thoát.
- Nói bậy! Không tin.
- Thiệt mà!
Đơn giản nhìn Phay (face) là biết. Phay ngực, phay lưng, dao phay thay nhau chặt chém quá chừng chừng. Ảo thôi! Nhưng từ ảo ra thực tế cũng lắm gia đình đăng cáo phó, thành kính phân ưu, thiên thu vĩnh biệt, đưa tiễn hương linh – linh hồn về nơi an nghỉ cuối cùng. Kết thúc, cái chết “lãng nhách”, “lãng xẹt” lãng đến độ không hiểu mình là ai mà “yêu quá cuộc đời này”!
Cùm chân tháo mở được,
Cùm tay gỡ vẫn ra,
Mắt cùm nghe xốn lạ,
Nhạt nhòa thì kêu ca.
(bụi vàng tuy quý nhưng rơi vào mắt thì gây xốn)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...