Chiếc đồng hồ treo trên
vách tường vừa điểm mười hai tiếng báo thời gian bước sang 24h đêm. Mọi thứ dường
như chìm vào sự lặng yên để dỗ dành giấc ngủ cho mọi người mọi vật sau một ngày
lao nhọc.
"TÒ TE" “TÒ
TE”....
Tiếng còi hụ của chiếc xe
ngành 115 vang lên xé tan màn đêm yên ắng, mọi người choàng tỉnh. Rồi! Lại một
ca cấp cứu cấp thời.
Một lát sau, tiếng dép lẹt
xẹt, tiếng bánh xe của băng ca khua trên nền gạch đã phải chịu nhiều mệt mỏi vì
ngàn ngàn bệnh nhân lâu nay nên vang lên những âm thanh kẽo kẹt nặng nề, tiếng người
nói lao xao, tiếng bước chân vội vả rồi dừng lại trước cánh cửa phòng 227 của Bệnh
viện Trung tâm chấn thương chỉnh hình. Cánh cửa mở ra, những người thân chăm
sóc người bệnh trong phòng bật mình ngồi dậy giúp đỡ trong niềm thương cảm xót
xa trước sự quằn quại của nạn nhân - kết quả của một sự té ngã chiều nay ở Gia
Kiệm.
Trong lúc
giúp đỡ, một người trong phòng lên tiếng:
- Anh ấy bị sao vậy?
- Gãy xương đòn vai và sáu
cái xương sườn trái kèm theo tràn dịch màn phổi - người đàn bà – dường như là vợ
nạn nhân trả lời.
Bà ấy nói tiếp:
- Giá mà sáng nay ông nhà
tui chịu nghe lời ở nhà sửa lại cái chuồng heo thì đâu có kết cuộc thế này.
Một người đàn ông khác lại
hỏi :
- Tại sao lại bị gãy nặng
như thế?
Bà vợ giải thích:
- Thì sáng nay tui bảo ổng
ở nhà sửa lại cái chuồng heo - ổng hẹn để chiều, rồi đánh xe đi vào vườn hái
chôm chôm, huyết áp lên đột ngột lúc leo trèo làm say xẩm mặt mày rồi té ngã thế
ấy.
Tiếng nạn nhân rên rỉ đau
đớn và thở một cách mệt nhọc. Bà vợ than thở:
- Chúa ơi! Phải chi ông
nghe lời tui thì đâu đến nổi khổ thân thế này. Đúng là xui xẻo. Đầu năm thầy
bói nói năm nay là năm vận hạn, sao chiếu mệnh mà nhất định không nghe giờ mới
rõ khổ. Thôi việc cũng đã rồi, ông cố nhắm mắt lại mà ngủ cho đỡ đau đi.
Mọi người trong phòng cũng
ngáp dài nên mặc ai cũng nhắm mắt dỗ dành giấc ngủ dang dở và gác lại câu chuyện
đêm khuya.
**
* ** ** * ***
“GIÁ MÀ” “PHẢI CHI” “BIẾT
VẬY”… là những cụm từ được thốt ra sau khi xảy ra biến cố gì đó đột ngột mà người
trong cuộc chẳng ai mong muốn như là là một sự hối tiếc muộn màng.
Có khi nào chúng ta nhìn lại
cuộc đời mình và hối tiếc vì một quyết định sai lầm nào đó không? Có lẽ chúng
ta từng tự nhủ: "Giá mà tôi đừng có quyết định làm như vậy, giá mà tôi
không đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc đó thì đâu đến nổi tiền mất tật mang,
phải chi tôi từ chối dứt khoát các lời mời mọc ấy đi thì đâu đến nổi bị lừa dối
thế, biết vậy tôi chịu khó nghe lời khuyên bảo của người thân thì đâu chịu cảnh
tù giam ngục tội thế này, biết vậy tôi ở nhà ngủ cho khỏe chứ đi ra đường chi để
rồi bị tai nạn gãy tay gãy chân chi cho khổ…v.v... giá mà, phải chi, biết vậy...
Có lẽ còn nhiều câu nói như thế đối với các vấn đề trong đời nhất là với những
quyết định mà chúng ta cho là sai lầm.
Hầu như ai cũng có khuynh
hướng nói "giá mà" “phải chi”, “biết vậy” như vậy. Khi chúng ta bị dằn vặt với những hối tiếc, ray rứt của quá khứ chính là lúc chúng ta đang sống
trong một thế giới đầy những mảnh vụn đổ vỡ, bất mãn và thất bại, vì những điều
xẩy ra rồi, không có thể thay đổi gì được.
Theo quy luật cuộc sống,
theo thời gian con người ta cũng dần phải chấp nhận những biến cố bất như ý
thôi. Nhưng chấp nhận sớm hay muộn thì còn tùy thuộc vào nhận thức và hiểu biết
của mỗi người.
Mặc khác, khi nhận thức và chấp nhận được như thế chúng ta cũng dễ mở lòng chào đón cái rủi ro như một người con tuy rằng "khó ưa" "dễ ghét" lâu ngày trở về hơn là phản ứng chống cự và xua đuổi chúng.
Chống cự lại những gì nguy
hại đến tính mạng thì đúng là bản năng tự vệ của mỗi sinh vật, rất quan trọng
và cần thiết. Nhưng con người vì có quá nhiều thứ để bảo vệ, từ thể xác đến tâm
hồn, từ danh dự đến vật chất, từ nhu cầu thiết yếu đến dư thừa, nên phản ứng chống
cự được “mài giũa” tinh xảo và nhiều khôn xiết. Có lẽ vì thế mà đời sống con
người chỉ là chuỗi liên kết chập chùng của những phản ứng: khó chịu, bực tức,
giận hờn, than phiền, buộc tội, chửi rủa, đe dọa, tấn công…
Cuộc đời là tập hợp của những
điều như ý và bất như ý, thế nhưng, ta lại chỉ chấp nhận những điều như ý và sẵn
sàng loại trừ những điều bất như ý.
Trong khi, mọi sự mọi vật
trên đời này vận hành theo nguyên tắc nhân quả tự nhiên của nó, không thuận
theo ý của bất cứ ai cả. Nên có những điều như ý chúng ta nhưng lại bất như ý kẻ
khác, và có những điều như ý kẻ khác nhưng bất như ý chúng ta. Tất cả các
nguyên nhân dù cỏn con đến lớn lao, như việc trèo cây hái trái, lái xe qua đường,
một cành cây gãy, một cái sảy chân…. được coi như là chiếc chìa khóa mở cánh cửa
của ngôi nhà định mệnh mà chính người bước vào đã từng xây dựng từ những hành động,
lời nói và những tư tưởng làm gạch đá, vôi vữa và cột kèo mái lợp trước đó.
Một khi đứa bé vừa lọt
lòng mẹ, nó đã được đặt vào định mệnh do chính nó tạo ra từ kiếp trước. Chúng
ta dùng chữ “định mệnh” nghe có vẻ nặng nề; kỳ thực sự tình cũng không khác bao
nhiêu. Đây là một định mệnh không do thần linh áp đặt mà do chính mỗi người tự
tạo lấy cho mình.
Với những nghiệp đã hình
thành, chúng ta bị sức mạnh của nghiệp cuốn trôi khó cưỡng lại nổi. Phải nhìn
nhận rằng sự tự do của chúng ta trong việc định hướng cuộc đời mình rất là ít ỏi.
Mọi sự dường như đã được an bài. Bất cứ một kết quả nào dù được báo trước hay
không báo trước, do vô tình hay cố ý, do bản thân chủ động hay bị động thì với
lý thuyết về nghiệp báo của nhà Phật, trong đó hoàn cảnh được qui định hầu như
100%, hành động được qui định 70%, chỉ còn 30% để chúng ta còn cân nhắc lần cuối.
Chỉ có trong tư tưởng, sự qui định của nghiệp là 50%, còn 50% để chúng ta tự do
chọn lựa tư tưởng tốt xấu mà suy nghĩ và thường thì chúng ta chạy theo thói
quen nên sự lựa chọn này chúng ta cũng đánh mất nốt.
Nhận thức được như thế,
chúng ta luyện tập để chấp nhận những điều bất như ý ngoài tầm kiểm soát càng
nhiều càng tốt, hơn là chúng ta lại tránh né hoặc chống cự quyết liệt. Thái độ
thiếu hiểu biết mới là nguyên nhân của khổ đau, chứ không phải cuộc đời này vốn
khổ đau.
Chúng ta thấy, những người
đã nếm trải qua đủ loại thăng trầm, vinh nhục, thường có khả năng chấp nhận những
tình huống bất trắc cao hơn những kẻ mới bước vào đời. Thậm chí, họ còn thấy rằng
hoàn cảnh trái nghịch chính là chất liệu quan trọng để trui rèn thêm ý chí và
nghị lực, giúp họ có đủ khả năng nắm bắt những mục tiêu cao cả hơn, nên thay vì
chống cự thì họ lại tìm cách đón nhận, vui vẻ mà không than oán.
Chấp nhận cảm giác khó chịu
tạm thời để đổi lấy cảm giác dễ chịu sâu sắc, kẻ thiếu trải nghiệm thì không thể
ngộ ra và làm được. Hầu hết người trẻ thường dễ sa lầy trong khổ đau, vì họ
không ngừng tìm kiếm những cảm giác sung sướng cạn cợt và nhảy dựng lên mỗi khi
gặp phải điều trái nghịch. Lo lắng, nghi ngờ và sợ hãi có khi chỉ vì thiếu kinh
nghiệm đối ứng, chứ không phải lúc nào cũng là phản ứng tự vệ cần thiết.
Khi phát hiện ra hầm hố
chông gai trên đường đi, tất nhiên, chúng ta phải né sang một bên. Không ai
khuyên chúng ta phải cắn răng chịu đựng hết mọi điều trái nghịch trên đời,
tránh được thì cứ tránh. Nhưng chắc chắn là chúng ta không thể nào tránh hết tất
cả, bởi luôn có những chông gai vô hình hay bất ngờ do kẻ khác quăng tới mà
chúng ta không thể nào nhìn thấy và kịp thời né tránh. Vậy, thay vì cố gắng
tránh né hay dẹp bỏ hết chông gai của cuộc đời, cách hay nhất là chúng ta hãy sắm
cho mình một đôi giày thật tốt để đi trên mọi chông gai.
Đôi giày ấy là tính kiên
nhẫn, sức chịu đựng, đức nhu hòa và lòng can đảm. Ai cũng có thể sắm cho mình
đôi giày ấy, không khó. Nhưng nếu thiếu nhìn lại thực trạng bản thân để nâng đỡ
và sửa chữa những thiếu sót và yếu kém, thì bản lĩnh và năng lực ở đâu ra để
chúng ta đối đầu với mọi khó khăn? Kinh tế phát triển lại khiến cho mức hưởng
thụ của con người lên cao ngất ngưỡng, khả năng chịu đựng những cảm giác xấu vì
thế càng trở nên kém cỏi. Lối sống tự do, thực dụng, cũng là nguyên do khiến
con người bốc đồng và hung hăng hơn. Kẻ thiếu sức mạnh bên trong, hẳn nhiên, sẽ
quan trọng và đòi hỏi bên ngoài, “thích” đổ thừa, trừng phạt đối tượng và cố gắng
thay đổi hoàn cảnh.
Chuyện năm tuổi tháng hạn,
sao xấu chiếu mạng, thần này trừng phạt, thánh kia trách quở…. chỉ là cái cớ để
đổ thừa bởi những kẻ kém hiểu biết chứ nếu quan niệm sao hạn, tuổi tác thì có
bao nhiêu người cùng năm Ngọ, năm Tỵ, cùng sao chiếu mạng nhưng tại sao người
ny bị mà người kia thì không.
Hơn 70% dân số thế giới,
người không theo tôn giáo này thì cũng có tín ngưỡng kia. Thượng đế, Phật –
Chúa là những vị công bình, nhân từ – bác ái, hiểu rõ sự vận hành của quy luật
nhân quả thì làm gì trách phạt người này, dung dưỡng người kia.
Khi không hiểu được bản chất
sự việc, nguyên nhân của biến cố thì chắc chắn sẽ không dễ chấp nhận được biến
cố. Trí thông minh, tính nhạy cảm, kinh nghiệm từng trải… không đủ để chúng ta
hiểu hết tâm hồn một con người. Ngay cả với chính chúng ta cũng vậy, đôi khi,
phải rời bỏ sự khôn ngoan và khéo léo, để tâm hồn tĩnh lặng và trong vắt, mới
có thể khám phá và thấu hiểu được những biến chuyển mới lạ xảy ra. Kẻ không biết
nhìn lại mình cũng thường là kẻ thiếu lắng nghe người khác. Cũng như thương một
người nào đó mà không cần biết tới những ước vọng thâm sâu hay nỗi khổ niềm đau
của họ, chúng ta chỉ làm theo cách của mình, thì đó chỉ là thứ tình thương hời
hợt, hoặc chỉ vì cần có một đối tượng để thỏa mãn cảm xúc yêu thích mà thôi.
Có tới hàng trăm nguyên do
tạo nên phản ứng chống cự của mỗi cá nhân, những nguyên do trên được xem là
“căn bệnh” chung của tất cả mọi người. Con người muốn đạt tới giá trị bình yên
và hạnh phúc lâu bền, lẽ ra phải chăm lo khám phá và thấu hiểu những bí ẩn của
trái tim và nguyên tắc tự nhiên của cuộc sống, thì lại lao theo hướng phát triển
vật chất và danh dự để tìm kiếm những cảm giác sung sướng nhất thời, rồi sa đà
và tưởng lầm đó là mục đích sống. Có thể nói, nhận thức sai lầm là đầu mối sinh
ra thái độ mong cầu và chống cự – hai nguyên nhân căn bản tạo ra mọi rắc rối và
khổ đau trong đời.
“Trong trường chúng ta học
thuộc bài để vượt qua thử thách của các kỳ thi, các lần kiểm tra. Ngoài đời
chúng ta buộc phải vượt qua các thử thách trở ngại thì mới học thuộc được những
bài học”. Đối diện với thử thách, chúng ta không phản ứng, không chống cự,
chúng ta sẽ thấu rõ được nhiều hơn về các quy luật cuộc sống mà hồi nào chúng
ta chỉ biết đến bằng lý thuyết, trong hoàn cảnh hoạn nạn khổ đau chúng ta hiểu
hơn về tình người, về nhân tình thế thái, về lối sống chân tình hay đãi bôi.
“Khi mê bùn chỉ là bùn” đến
khi "ngộ rồi mới biết chính nhờ bùn mới có sen" Mỗi khi gặp khó khăn,
chúng ta thường than thở số phận mình sao đen bạc hơn bao kẻ khác. Nếu bình
tĩnh và nhìn kỹ lại, chúng ta không thể cho rằng khổ đau nào lớn hơn khổ đau
nào, vì sự cảm nhận và sức chứa nơi tâm hồn mỗi người mỗi khác. Có khi, “Nhà
giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”. Cho nên, điều đầu tiên mà chúng ta cần tự nhủ,
đó là, nghịch cảnh vốn là chuyện thường tình, nó tự đến rồi nó sẽ tự đi. Vấn đề
là chúng ta phải ứng phó như thế nào để nó không tạo ra sự tàn phá nào đến mức
thê thảm.
Điều cần thiết nhất là phải
lập tức quay về chính mình, tìm mọi cách giúp cho cảm xúc lắng xuống, bình tâm
suy xét và đánh giá chính xác mức tổn hại của khó khăn đang xảy ra hoặc sẽ xảy
ra. Có khi đó chỉ là thói quen phản ứng với những điều bất như ý, thái độ không
sẵn sàng đón nhận cảm giác khó chịu bất ngờ xảy đến, chứ không hẳn là một hoàn
cảnh khó khăn. Mà, dù đó đích thực là một hoàn cảnh khó khăn, thì chúng ta cũng
đừng để sự sợ hãi kinh điển từ nơi bản thân, hoặc sự cộng hưởng năng lượng tiêu
cực từ những người xung quanh, làm cho trí tưởng tượng thổi phòng và bóp méo thực
tại.