Từ
khi còn là một Thái tử cho đến khi thành tựu đạo Vô thượng Bồ đề, đức Phật đã
trải qua đủ mọi lạc thú ở thế gian, kể cả những lạc thú cao cấp trong Thiền định.
Nhưng
tất cả những lạc thú đó cuối cùng để lại cho Ngài một ưu tư lớn về tính chất vô
thường, và không thể nào tìm thấy hạnh phúc chân thật trong các lạc thú đó. Và
thật sự có một hạnh phúc chân thật không bị quy luật vô thường chi phối được,
Ngài tìm thấy ngay sau khi giác ngộ, đó là Giải thoát bất động. Nhờ kinh nghiệm
tự thân và kinh nghiệm chứng ngộ ấy, đức Phật đã trình bày năm hạng người điển hình
đang tìm cầu hạnh phúc qua “Đại kinh Ví dụ lõi cây”.
Qua
bài kinh này, người học Phật có thể nhận thức được đâu là chân giá trị hạnh
phúc và đâu là hạnh phúc vô thường tạm bợ. Nếu không có được nhận thức như thế
thì chúng ta khó có thể đạt đến mục đích mong muốn, khó có thể đạt được hạnh
phúc chân thật của sự giải thoát và giác ngộ. Năm hạng người này được đức Phật
trình bày trong bài Kinh này đều có cùng ước muốn là đi tìm cầu hạnh phúc, họ sống
phạm hạnh để mong giải thoát mọi khổ đau ở cuộc đời: “Ở đây, có Thiện nam tử do
lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong
sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối
bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”.
Tuy
nhiên, việc thành đạt mục đích giải thoát mọi đau khổ hay không là hoàn toàn tuỳ
thuộc vào nhận thức của chính mỗi người qua các giai đoạn thành đạt trong việc
tu tập của người ấy. Thông thường, các giai đoạn thành đạt ấy đem lại sự hỷ lạc
cho vị hành giả, và nếu say mê, tham đắm, tự mãn đối với sự thành đạt này thì vị
ấy sẽ bị dừng lại ở đó, khó có thể đạt đến cứu cánh giải thoát. Các hỷ lạc
trong lọi trình tu tập giải thoát của vị hành giả được đức Phật phân ra như là
năm hạng người, và cũng chính là năm trạng thái hạnh phúc từ phàm tục cho đến
giải thoát hoàn toàn:
1.
Có người được lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Do lựoi dưỡng, cung kính, danh vọng,
vị ấy khen mình, chê người: “Ta được lợi dưỡng như vậy, được tôn kính như vậy,
được danh vọng như vậy. còn các Tỳ kheo khác ít ai được biết đến, ít có uy quyền”.
Vì vậy, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị
đau khổ.
2.
Có người do không tự mãn với lợi dưỡng, danh vọng nên thành tựu Giới đức. Do
thành tựu Giới đức này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn và khen mình, chê người: “Ta là
người trì giới, theo thiện pháp. Các Tỳ kheo khác phá giới, theo ác pháp”. Do
thành tựu Giới đức này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống
phóng dật, vị ấy bị đau khổ.
3.
Có người do không tự mãn với lợi dưỡng, danh vọng, không tự mãn với Giới đức
nên thành tự Thiền định. Do thành tựu Thiền định này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn và
khen mình, chê người: “Ta có Thiền định nhất tâm, các Tỳ kheo không có Thiền định,
tâm bị phân tán”. Do vậy, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống
phóng dật, vị ấy bị đau khổ.
4.
Có người không tự mãn với lợi dưỡng, danh vọng, không tự mãn với Giới đức,
không tự mãn với Thiền định nên thành tựu Tri kiến. Vì tri kiến này, vị ấy hoan
hỷ, tự mãn và khen mình, chê người: “Ta sống thấy và biết; các Tỳ kheo khác sống,
không thấy và biết”. Vị ấy do Tri kiến này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật.
Do phóng dật, vị ấy bị đau khổ.
5.
Có người do không tự mãn với lợi dưỡng, danh vọng, không tự mãn với Giới đức,
không tự mãn với Thiền định, không tự mãn với Tri kiến nên thành tựu thời và
phi thời giải thoát, và vị ấy có thể từ bỏ thời và phi thời giải thoát. Như vậy,
phạm hạnh này không phải vì lợi ích lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích
thành tựu Giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi
ích thành tựu Tri kiến, mà tâm Giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh
này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.
Như
vậy, tâm Giải thoát bất động là mục đích của phạm hạnh, là lõi cây, là hạnh
phúc chân thật không hề có sự khổ đau; còn lợi dưỡng, danh vọng, Giới đức, thiền
định, Tri kiến đều không phải mục đích của phạm hạnh, không phải lõi cây, là hạnh
phúc tạm thời của thế giới vật chất vô thường.
Thế
nhưng lòng tham muốn khiến con người chỉ tìm kiếm và chấp nhận chút hạnh phúc tạm
bợ mong manh mà không biết thú vui đó là nguyên nhân của khổ. Hạnh phúc ấy luôn
bị phụ thuộc vào sự đối đãi của tầng số tăng giảm vè lạc thú. Hôm nay ta ăn cơm
với xì dầu sướng hơn ngày hôm trước, không có xì dầu mà ăn; nhưng xì dầu lại là
sự chán bỏ đối với những món ăn khác ngon hơn. Phương tiện xe đạp là một lạc
thú so với đi bộ, nhưng lại là sự chán bỏ đôi với xe máy; và xe máy là sự chán
bỏ đối với xe gắn máy đời mới hơn v.v… Vì thế, đức Phật dạy hạnh phúc con người
thường thọ hưởng không ngoài sự tham muốn và tưởng nhớ các dục. Kinh Xà Dụ
(Trung bộ số 29) ghi: “Người ta thọ dụng các dục không ngoài các dục, không
ngoài các dục tưởng, không ngoài các dục tầm”. Thọ dục các dục nghĩa là thọ hưởng
hạnh phúc do thoả mãn lòng tham muốn khi các giác quan tiếp xúc với các trần cảnh;
thọ dục các dục tưởng là thọ hưởng hạnh phúc do tưởng nhớ những cảm thọ trong
quá khứ; thọ dụng các dục tầm là thọ hưởng hạnh phúc do ước mong về tương lai.
“Quá khứ đã đoạn tận, còn tương lai thì chưa đến”, nên hạnh phúc của dục tưởng
và dục tầm là hạnh phúc do vọng tưởng tạo nên, không thật có. còn hạnh phúc do
các giác quan đưa đến thì lại vô cùng phức tạp. Hạnh phúc này hoàn toàn phụ thuộc
vào ý thích riêng của mỗi người, nó không tuỳ thuộc vào thế giới vật chất. Cái
này là thứ vui thích của ngời này nhưng đồng thời là cái người kia bực bội,
chán ghét. Một ly cà phê anh thích, còn tôi thì ghét. Thích là hạnh phúc, ghét
là khổ đau. Phải chăng một ly cà phê vô tri ấy mà lại chứa đựng cả hạnh phúc lẫn
khổ đau? Thật ra, hạnh phúc hay khổ đau là chính thái đọ của con người đối với
đối tượng nhận thức, chứ không phải là đối tượng nhận thức. Vả lại đối tượng nhận
thức thuộc thế giới khách quan, luôn luôn vận hành theo quy luật duyên sinh, vô
thường, vô ngã, trong khi đó thì thú vui (hạnh phúc) mà con người thọ dụng thuộc
chủ quan tự ngã. Sự mâu thuẫn giữa thế giới khách quan và tâm lý chủ quan đã tạo
ra biết bao khổ đau trên cuộc đời. Thế nhưng, do ý thức chỉ muốn sống (hay kiết
sanh thức) đã khiến cho loài hữu tình bất chấp mọi khổ đau để tìm kiếm chút hạnh
phúc tạm bợ trong cuộc sống này. Vô minh là thế.
Do
vậy, vấn đề nhận thức đúng đắn về bản chất và giá trị của hạnh phúc là vấn đề rất
quan trọng. Đại kinh Ví dụ lõi cây cho chúng ta thấy rõ giá trị hạnh phúc qua
năm phần của một cây đại thọ, gồm lõi cây, giác cây, vỏ trong, vỏ ngoài và cành
lá.
Hạnh
phúc cành lá là lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng; hạnh phúc vỏ ngoài là thành tựu
Giới đức; hạnh phục vỏ trong là thành tựu Thiền định; hạnh phúc giác cây là
thành tựu Tri kiến; và hạnh phúc lõi cây là thành tựu Giải thoát bất động. Đối
chiếu năm phần của một cây đại thọ như thế, chúng ta có thể dễ dàng thấy được
giá trị hạnh phúc của lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, thấy được giá trị hạnh
phúc của Giới đức, của Thiền định, của Tri kiến và của Giải thoát bất động; và
qua đó chúng ta có thể biết được chúng ta đang sống và cảm thọ ở mức độ hạnh
phúc nào, đồng thời biết định hướng cho mình một hướng đi đúng đắn.
Trong
bài kinh này, đức Phật hướng dẫn cho chúng ta thấy rằng mục tiêu cuối cùng của
phạm hạnh là Giải thoát bất động. Tuy nhiên, trên chặng đường đi đến mục đích ấy,
chúng ta không thể không trải qua bôn giai đoạn trước. Điều quan trọng ở đây là
chúng ta không nên để cho lạc thú của các giai đoạn đó chi phối bước tiến của
mình, không dừng lại và chấp thủ tự mãn những gì mình đã đạt được. Lời dạy của
đức Phật trong Đại kinh Ví dụ lõi cây thật là cao siêu. Những gì đức Phật dạy từ
bỏ thì những thứ đó con người đang ngưỡng vọng và hướng đến. Thật vậy, chỉ cần
thành tựu Giới đức thôi thì đã đến biệt giải thoát rồi, huống nữa là thành tựu
Thiền định và thành tựu Tri kiến. Do đó, con đường đi đến ở đây thật là dài, và
lạc thú ở trong đó cũng không cũng không phải là ít, không khéo thì chúng ta
khó có thể đạt được mục đích mà đức Phật mong muốn chúng ta thành tựu. Lợi dưỡng,
tôn kính, danh vọng, giới đức, thiền định, tri kiến rất cần thiết cho những ai
chưa đạt đến, nhưng lại là mối nguy hiểm cho những ai tự mãn, say mê, tham đắm
và dừng lại ở đó.
Giáo
lý đức Phật trình bày trong kinh này không phải là một pháp môn tu tập cụ thể,
mà ở đây Ngài mở ra cho chúng ta một Chánh tri kiến, một cách nhìn đúng đắn về
lộ trình tu tập đưa đến giải thoát giác ngộ. Tuy được hướng dẫn cho người xuất
gia tu phạm hạnh, bài kinh vẫn có giá trị thiết thực bất cứ ai muốn tìm cầu hạnh
phúc chân thật mà không sợ bị sai đường lạc lối, không sợ bị rơi vào tà kiến khổ
đau. Giải thoát bất động là ngọn hải đăng soi sáng cho những con thuyền đang
lênh đênh đi tìm bờ cập bến, đang đi tìm kiếm hạnh phúc chân thật. Có ngọn đèn,
có con đường, đoàn lữ hành lướt sóng vượt qua mà không bị phong ba làm chướng
ngại, không bị dòng tục luỵ cuốn trôi.
Hành
giả tin chắc phía ngọn đèn là bờ, thấy được rằng vượt qua những hạnh phúc tầm
thường không thật thì sẽ đạt đến hạnh phúc chân thật than cao, vượt qua được
cành lá, vỏ cây, giác cây thì sẽ đạt đến lõi cây. Hãy tin rằng chỉ có lõi cây,
chí có Giải thoát bất động mới là hạnh phúc vững bền và chắc thực, bởi “Cái gì
là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài” (Yo sàro so titthati).
HT.
Thích Minh Châu
(nguon
daitangkinhvietnam.org)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...