Thuở
mới yêu hầu như ai cũng lãng mạn, dành cho nhau những lời ngọt ngào, cử chỉ âu
yếm, thể hiện sự quan tâm, lo lắng vô điều kiện, khiến đối phương phải rung động,
và nó trở thành chất liệu gắn kết vào nhau như “chim liền cánh, cây liền
cành”. Họ luôn có cảm giác rằng, gần bao nhiêu cũng không đủ, vẫn còn xa:
"Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng: Gần thêm nữa! Thế vẫn
còn xa lắm!" – Xuân Diệu.
Họ
muốn cả thế giới đều biết rằng họ đang yêu nhau. Họ bay bổng với những ước mơ,
tận hưởng những cung bậc cảm xúc ngọt ngào mà tình yêu mang đến…
Nhưng
có một điều ít ai nghĩ tới là: bản chất của tình yêu là vô thường, nó cũng
luôn thay đổi như mọi sự vật hiện tượng trên cuộc đời. Đó là một trong ba hình
thái của vô thường mà Phật đã dạy: tâm vô thường. “Ông hoàng thơ tình”
cũng đã từng lo sợ sự “vô thường” của tình yêu được thể hiện qua hai câu thơ
trong bài Giục giã:
“Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn”.
Và
cũng vì sự đổi thay này đã làm cho con người ta luôn hoang mang, lo sợ, đau khổ
cho dù họ đang yêu nhau say đắm, càng say đắm càng lo sợ – sợ phản bội, sợ chia
ly. Truyền thuyết về tình yêu của Thần thoại Hy Lạp đã cho chúng ta một thông điệp
rằng, tình yêu phải ở trong bóng đêm, trong mê muội, trong cái nghi ngờ, hoang
mang và sợ hãi.
Theo
thống kê tại Mỹ, hàng năm gần hai triệu đôi vợ chồng phải ra tòa ly dị vì khác
tôn giáo, vì bất đồng tôn giáo, vì không cùng quan điểm, không cùng chí hướng,
đời sống chăn gối không hòa hợp.v.v... Bên cạnh đó, còn biết bao đôi “vợ chồng”
không chính thức, chia tay bằng nhiều cách khác nhau. Nhìn chung “tình yêu tan
vỡ” là một điều dễ xảy ra nhất mà cũng lại là vấn đề phức tạp nhất kể từ khi có
mặt loài người, và hậu quả của hành động này rất khó lường.
Không
ít những đôi trai gái phải chia tay nhau trong sự hối hận; lúc nghiện ngập cảm
xúc thì chỉ có anh/em là có tất cả. Khi yêu thì mờ mắt, cưới nhau rồi thì trắng
mắt, những khiếm khuyết của người kia vì sự mờ mắt ấy mà không thấy, đến khi trắng
mắt thì soi tỏ mỗi ngày. Nhiều vụ ly hôn mang lại những mất mát đau thương, làm
liên lụy đến nhiều người; một số người không chịu nỗi áp lực “khi tình yêu tan
vỡ” nên tự tử chết cho xong “cái nợ trần”; có người hận quá nên giết chết người
mình yêu để rồi ngồi tù hoặc tự sát chết theo, bỏ lại phía sau biết bao nhiêu
buồn tủi cho con cái hoặc cha mẹ, người thân …. Có những trường hợp bi đát hơn
là ôm con cùng chết…!
Bên
cạnh đó, có những cách trả thù tình yêu thời @, táo bạo và nguy hiểm: một số
người chọn phương án vạch tội nhau ra, bôi xấu nhau đầy rẫy trên các trang mạng,
để làm trò cười cho khắp thiên hạ. Có những người chọn phương án rất thấp kém về
đạo đức, bằng cách tung những hình ảnh hoặc những thước phim riêng tư, kỷ niệm
tình yêu, lên internet như một cách trả thù… Rất hiếm cuộc tình nào được kết
thúc trong êm đẹp, có văn hóa!?
Lời
Phật Dạy : Bạn Sẽ Làm Gì Khi Bị Tình Yêu Đốt Cháy?
Lý
Mạc Sầu (phim Thần Điêu Đại Hiệp) người hận tình đến chết, từng
có câu nói để đời: “tình là gì, tình là chi, mà ngàn năm trước, ngàn
năm sau, nhân loại vẫn khổ đau vì tình”.
Lời Phật
Dạy rằng: “người có một trăm tình yêu là một trăm đau khổ; năm bốn
ba hai một tình yêu thì cũng chừng ấy đau khổ. Ai không yêu, người đó bước lên
thiên đường một nửa”.
Dân
gian cũng đã nói: “yêu là khổ, không yêu là lỗ, thà chịu khổ chớ không
chịu lỗ”.
Qua
đó, kinh nghiệm cá nhân cũng như tập thể, từ người phàm đến bậc thánh luôn khẳng
định một điều: “tình yêu là đau khổ”. Mặc dù biết rất rõ như vậy nhưng loài người
vẫn sẵn sàng chấp nhận cái thương đau đó và luôn rất mạo hiểm với tình yêu, thậm
chí đùa giỡn với nó để rồi ôm hận ngàn đời:
“Anh cứ ngỡ chuyện đùa vui tí xíu,
Có ai ngờ đùa mãi đến điêu linh”.
Vì
vậy, đau khổ vì tình yêu như một căn bệnh muôn thuở của nhân loại. Và từ ngàn
xưa, nhiều bậc “lương y” cũng đã tìm nhiều cách để hóa giải “độc hoa tình”
này, làm vơi đi phần nào những cảm giác đau đớn do “chất độc tình” phát tác. Thật
ra mà nói, việc này không quá quan trọng ở giải pháp mà ở chỗ nhận thức và bản
lĩnh nơi mỗi cá nhân con người mà thôi.
Có
những người, biết khổ, nhận thức rất rõ sai lầm, và có giải pháp nhưng vẫn
không thoát ra được, chỉ vì không đủ bản lĩnh để dứt khoát. Vậy, mấu chốt căn bản
của vấn đề đã được hé lộ: do cố chấp những “hình bóng ma” ở trong lòng, không
dám dứt khoát từ bỏ những kỷ niệm chỉ còn lãng vãng trong ký ức, hằng ngày đau khổ bằng tưởng tượng. Rất có thể hình ảnh thật bây giờ thật đáng sợ và kinh
tởm.
“Hỡi Thượng đế! Tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang
Sầu đã chín, xin người thôi hãy hái
Nhận tôi đi, dù địa ngục, thiên đàng”. (Huy Cận)
Do
đó, bảo bạn đừng yêu là chuyện không thể. Nói bạn sau khi chia tay cũng vui vẻ
bình thường là chuyện nằm mơ. Tôi không dám đá động đến “nỗi khổ riêng tư” của
bạn một cách chủ quan như thế mà chỉ chia sẻ với bạn một vài quan điểm trong vấn đề
này mà thôi.
Khi giận hờn, khi dằn vặt nhau, dù lỗi thuộc về ai, bạn vẫn cảm thấy đau nhói trong lòng, khổ đau dằn
vặt. Nhưng khi nhìn thật kỹ lại niềm đau nỗi khổ ấy nó là cái “quái” gì? Thật
ra, nó không là gì cả, nó chỉ là ý niệm, là chuỗi suy nghĩ đến những hình ảnh về
mối tình đã qua, luôn tái hiện lại một cách liên tục trong đầu. Nếu mãi tác ý
vào nó, bạn sẽ chết bởi nó, mặc dù nó không thật tí nào. Vì vậy, thay gì nghĩ đến
đau khổ bạn nên thay đổi cảm xúc tồi tệ đó, bằng cách tư duy theo hướng lạc
quan, dẫn cảm xúc mình đến những hình ảnh vui, yêu đời hoặc tìm cho mình một
tình cảm mới để nương tựa: cha mẹ, bạn bè, người thân… là những hình ảnh chưa
làm khổ ta hoặc cho ta nhiều cảm giác an lành. Nhờ hướng tâm đến cảm xúc mới
thì nỗi đau về tình yêu cũ được nhẹ dần và có thể biến mất. Đây là cách tự cứu
mình rất hữu hiệu.
Quán
chiếu được lời Phật dạy, tham ái là nguyên nhân đau khổ, vì mọi thứ tình yêu đều
không bền chắc, nó vốn giả tạm vô thường. và nghĩ sâu hơn thế nữa: bản thân
chính mình còn chưa gìn giữ được lâu bền thì huống gì là những cái quanh ta; hoặc một
khi cái chết đến ta có giữ được những thứ đó không, và muốn giữ có được không?
Mọi việc chỉ là “dòng đời bến tạm vô tình gặp nhau”, vì duyên và nợ mà đến, hết
duyên nợ thì tự đi, mọi việc nên tùy nghiệp. Nhờ nghĩ đúng theo quy luật, lòng
ta được tỏ sáng, như tự giác ngộ được lẽ thật cuộc đời, ngay đó liền hết đau khổ.
Thân mến!