CHUYỂN HOÁ CƠN GIẬN

Hỏi: Tôi đã cố gắng tập giữ bình tĩnh, nhưng sao khó quá. Thí dụ, đang lái xe trên đường, có người bóp còi inh ỏi để vượt, rồi khi xe chạy ngang qua, hắn còn quay lại lăng mạ vào mặt tôi. Cơn giận làm cho tôi run lên, phải phóng xe theo để mà trả đũa. Xin hỏi rằng trong trường hợp đó, dù tâm tôi có muốn yên nhưng thân tôi phát run lên rồi, làm sao mà kiềm chế được? (người yêu cầu dấu tên)

Đáp: Dạ vâng! Xin chào bạn.

Chúng ta thường nghe nói “Chứng nào tật đó” hay “ngựa quen đường cũ”, hoặc “non sông dễ đổi, bản tánh khó dời”. Những câu này nói lên một sự thật là những thói quen rất khó bỏ và càng lớn tuổi, các thói quen càng gắn chặt hơn và càng khó bỏ hơn. Và như thế, đối với những thói quen xấu càng khó bỏ hơn, nhất là tham sân. Như là bản năng tự nhiên, chúng ta hành động theo thói quen, những phản xạ vô điều kiện được chỉ huy từ vùng tiềm thức và vô thức của não bộ.

Vấn đề đặt ra là tại sao thay đổi một thói quen là một điều khó? Theo tâm lý  học, một hành vi được lặp đi lặp lại thường xuyên mới có thể thành thói quen, và thường đó là hành vi phù hợp với mong muốn của bản ngã. Nghĩa là điều gì chúng ta muốn, chúng ta mới lặp đi lặp lại. Do vậy, thói quen thường mang đến cho chúng ta như là một sự thỏa mãn, đòi hỏi, mong muốn trong chớp nhoáng. Nó giống như chất kích thích cứ níu kéo chúng ta, bởi vì có ai mà không muốn được như ý mình, mặc dù đó chỉ là thỏa mãn cảm giác nhất thời thôi. Và con người chúng ta thì thường không quan tâm đến những chuyện lâu dài, mà chỉ muốn giải quyết những gì xảy ra trước mắt, dù mong manh ngắn ngủi. Vì lý do đó, thói quen rất khó từ bỏ, nhất là thói quen xấu.

Trong cuộc sống, mỗi khi chúng ta giận, cơn giận là của chính ta chứ không phải do ai khác đem tới. Hoàn cảnh dù có bức ngặt như thế nào, người kia (người yêu, người thân, đối tác, đồng nghiệp...) dù có đối xử tệ bạc như thế nào thì cũng chỉ đóng vai trò tác động thôi, chúng ta mới chính là tác giả của cơn giận. Tại vì cùng một tình huống xảy ra, nhưng người khác sẽ phản ứng không giống với chúng ta. Họ có thể điềm tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn, bền bỉ hơn hay ít đau đớn hơn. Do vậy, muốn thay đổi một thói quen không tốt, chúng ta cần biết rõ các phản ứng khác biệt này tùy thuộc vào nhiều lý do:

Thứ nhất là bản năng tự nhiên. (Tập khí)
Thứ hai là thói quen tập dợt.
Thứ ba là tâm lý bế tắc.
Thứ tư là nhận thức sai lầm.
Thứ năm là khả năng chấp nhận.

Trong đó, khả năng chấp nhận mới là nguyên nhân quan trọng khiến cho cơn giận hình thành và phát triển. Chấp nhận thì không chống cự. Vậy thay vì tìm cách thay đổi hoàn cảnh, chúng ta hãy quay về học cách mở rộng trái tim mình, thay đổi đối tượng chú ý, bám lấy hơi thở, hít vào thở ra thật sâu, (kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi buồn phiền giận dỗi thì hơi thở luôn loạn nhịp. Thế cho nên càng loạn nhịp thì càng đánh mất chính mình, tham sân càng có điều kiện phát triển), chủ động vận dụng cái ý muốn không chấp nhận sân giận nữa (tác ý, VD: Cảm xúc này chỉ có tác dụng thiêu đốt tôi thôi, có ai ngu dại tự hành hạ mình, tự thiêu đốt mình kia chứ…..),  không tiếp tục buông xuôi để hình thành thói quen, tìm cách vượt qua. Bởi thực tế chúng ta không thể nào làm cho mọi hoàn cảnh hết khó khăn, nhưng chúng ta có thể làm cho trái tim mình rộng mở.

Cuối cùng, chúng ta hiểu rõ, tất cả kỹ năng kể trên muốn có được thì cũng phải thực tập như ôn văn, như luyện võ vậy, nghĩa là phải tập dợt, tu luyện mỗi ngày ngay khi không có đối tượng sân giận, sao cho thuần thục, vì nếu chúng ta đợi đến khi cơn giận ùa tới, và bối rối, mới tìm cách giải quyết thì khác gì đợi khát nước mới đào giếng, giặc tới mới mài gươm, làm sao kịp?

Có thể tìm đọc và tham khảo các mẫu chuyện như: “quy luật xe rác”,
“thế à”…. những cách hành xử trong đó như là những dữ liệu tích cực hơn, giúp chúng ta thêm khả năng tác ý, khả năng nhận thức, khả năng chấp nhận…. mỗi khi gặp chuyện.

Thân Ái!