BA ĐIỀU NÊN BIẾT KHI LÀM PHƯỚC

Một hôm ông Cấp Cô Độc đến thăm Đức Phật. Bậc Đạo Sư biết ông đã khánh kiệt bèn hỏi:

- Này gia chủ, hôm nay tại nhà ông còn có vật gì để bố thí nữa không?
- Bạch Thế Tôn, con còn vật bố thí.

Bậc Đạo Sư hỏi tiếp:
- Ông còn, này gia chủ, vậy là những vật gì?

- Bạch Thế Tôn, ở nhà con còn “cháo tấm với bột chua để lại từ ngày hôm trước.”

Nghe vậy, Đức Thế Tôn dạy như sau:
- Này gia chủ, đừng bao giờ nghĩ rằng, cháo tấm và bột chua kia sẽ ít công đức, ít phần  phước báu. Vật bố thí dẫu thô xấu thế nào, nhưng tâm bố thí tốt đẹp thì quả sẽ cho tốt đẹp. Ai có thể làm cho tâm tốt đẹp thì bố thí bất cứ loại thô xấu nào cũng được quả tốt đẹp, được quả dị thục to lớn.

Như vậy khi làm  phước, muốn được kết quả thù thắng  như lời dạy trên của Đức Phật, chúng ta cần phải nắm được ba điều  sau đây:

1. Mình làm việc gì với  tâm hoan hỉ thì có phước, tâm hoan hỷ nhiều thì phước nhiều.

2. Làm phước mà có trí tuệ thì phước đó nhiều hơn là không có sự hiểu biết rõ việc mình làm.

3. Khi  tạo phước, chúng ta  rủ người khác cùng làm phước với mình thì phước báu tăng trưởng.

Nếu bản thân là người thường đi kêu gọi người khác làm phước hay là mình là người được người khác kêu gọi làm phước thì nên biết những điều này:

- Thứ nhất,  khi làm phước mình tránh trường hợp  bị kích động do người khác nói khích. Thí dụ, mình không muốn làm việc phước thiện đó, nhưng nghe người khác nói khích nên làm Đây là một điều  tránh không nên làm và tương tự chúng ta cũng không nên nói khích người khác để kêu gọi họ làm phước. 

- Thứ hai là tránh kêu gọi một người nào đó làm phước hoài. Thí dụ, thấy chùa có những Phật tử  rất có lòng với Tam Bảo, sốt sắng cúng dường và như vậy chúng ta cứ kêu gọi họ làm phước hoài. Trường hợp này, Đức Phật gọi là vắt sữa con bò đến cạn kiệt. Có những người do việc gì cũng bị  kêu hùn phước  nên họ đâm ra buồn nản, không còn sự hoan hỷ và cuối cùng không muốn làm phước nữa. Trong trường hợp này chúng ta  đã tạo ra  cái nghiệp rất là lớn chúng ta  làm mất niềm tịnh tín nơi các thí chủ này.

- Thứ ba, khi người ta làm phước, dù làm ít làm nhiều mình không nên  dòm ngó chỉ trích. Thí dụ hôm nay chúng ta kêu mọi người hùn phước, người cúng 1.000 đồng mình cũng sadhu (lành thay), mà người cúng 1 đồng mình cũng sadhu, đừng bao giờ nói "Phật tử đó, hoặc người đó giàu vậy  mà khi kêu gọi hùn phước thì chỉ cúng 20.000 hoặc 50.000 đồng. Chúng ta không nên nói như vậy. Chuyện người ta làm phước, ai làm  thì người đó hưởng, đó không phải là bổn phận hay là vấn đề là họ phải cúng như thế này hay  thế kia mà cốt ở chỗ tâm trong sạch.

Do đó, chúng ta phải hiểu rằng, mỗi người có một tính cách khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Ngay cả trong vấn đề tu tập cũng vậy, có những người coi trọng việc  bố thí, có người chuyên về  trì giới, có người chú trọng đến việc tham thiền. Và đối với người không coi trọng việc bố thí thì khi nào họ nghe Pháp, họ hoan hỉ thì họ phát tâm làm phước, cúng dường. Chúng ta không nên thấy họ không làm phước mà đi phê bình, nói tới nói lui  làm cho họ phiền não.

Có người thích cúng dường cho chùa nghèo, nhưng cũng có người thấy chùa càng đẹp thì họ cúng càng nhiều vì họ nghĩ chùa này linh thiêng nên được nhiều người cúng, còn chùa  kia nghèo  xấu thì không linh thiêng nên họ không cúng. Đây cũng là việc tùy vào tánh ý của mỗi người nên chúng ta để cho mọi người tự nhiên. Trong việc làm phước nên để tâm người ta tự nhiên thì người ta hoan hỉ.

Đừng bao giờ nghĩ  rằng tôi không làm phước được bởi vì tôi nghèo, làm phước thì phải giàu  mới có tiền để làm phước. Chưa chắc chỉ có người giàu mới có thể làm phước được. Có tiền làm phước mà không biết  làm phước cho đúng cách  thì cũng chẳng được phước.  Làm phưóc là do sự phát tâm trong sạch của mình, vì vậy chúng ta nên ý thức rõ ràng việc phước thiện mà chúng ta sẽ, đang và đã làm  để quả phước được thành tựu trọn vẹn.
Trích dẫn nguồn: phapluan.net