Tùy hỷ là vui với niềm vui của người
khác. Khi thấy người khác thành công hay làm được việc gì đó mang tại tiếng
tăm, lợi lộc, được nhiều người ngợi khen, biết đến; ta chung vui thật sự với niềm
vui đó của họ.
Sở dĩ Đức Phật nói người tùy hỷ với người
bố thí, cả hai công đức gần như ngang nhau là vì công đức hình thành không dựa
vào vật chất mà chủ yếu ở sự nỗ lực chuyển hóa tâm. Người bố thí thể hiện ở sự
cố gắng phát tâm của họ, người tùy hỷ cố gắng dẹp bỏ tâm đố kỵ. Một người cố gắng
phát tâm bố thí để đoạn trừ tâm bỏn xẻn, tham lam; và mở rộng tâm từ ái, độ lượng
và buông xã. Một người cố gằng tùy hỷ để loại bỏ tâm tự ái, mặc cảm, ích kỷ, tự
tôn, kiêu mạn và đố kỵ. Hai người khác nhau trên hình thức, nhưng giống nhau
trên nỗ lực làm cho tâm hướng thượng.
Thói thường ở đời, khi thấy ai hơn mình
về tài năng, tiền bạc, địa vị, danh tiếng, ta tỏ ra khó chịu và thù ghét họ.
Trong thâm tâm, ta không muốn ai hơn mình. Ai hơn ta cái gì ta muốn hủy hoại
cái đó của họ. Ví dụ người bạn của mình học hành thông minh, lúc nào cũng được
điểm cao, đi đâu cũng được mọi người khen ngợi, ta cảm thấy khó chịu và muốn những
điều tốt đẹp đó thuộc về mình chứ không thuộc về người khác, đó là dấu hiệu của
tâm đố kỵ.
Trước đây tôi cũng đã từng rơi vào tâm
lý đố kỵ như vậy, tôi có người bạn học có thể nói là rất thân, hai chúng tôi
cùng ăn ở và học chung với nhau. Về học lực thì tôi không thua kém gì người bạn
đó, có điều tôi bị chứng bệnh hay đau đầu, khó tập trung học trong thời gian
lâu được, mỗi lần tôi đau đầu không học được, thấy người bạn của mình học hành
chăm chỉ, tôi đâm ra ganh tị, tôi sợ bạn mình học nhiều sẽ giỏi hơn mình. Có
lúc lòng ganh tị lớn quá khiến tôi khởi ý xấu là cầu cho người bạn mình cũng mắc
chứng bệnh đau đầu như mình để không thể học hành chăm chỉ như thế được nữa.
Tôi ganh tị với sức khỏe của người bạn nhưng thực ra sợ bạn giỏi hơn mình. Do sợ
bạn giỏi hơn mình nên tôi sanh tâm đố kỵ như vậy.
Trong giai thoại về Công Tử Bạc Liêu, có
chuyện ganh nhau về sự giàu có giữa Hắc Công Tử (Trần Trinh Huy) và Bạch Công Tử
(Lê Công Phước). Có lần Bạch Công Tử và Hắc Công Tử ngồi nhậu chung, đang nhậu
thì có người cùng bàn đánh rơi vật gì đó cúi xuống mò tìm trong bóng tối. Thấy
vậy, Bạch Công Tử lấy tờ tiền năm đồng đốt làm đèn soi cho tìm vật đánh rơi.
Ganh tức trước hành động chơi nổi của Bạch Công Tử, Hắc Công Tử liền móc tờ tiền
một trăm đồng cũng đốt làm đuốc soi.
Ông bà ta nói con gà ganh nhau tiếng gáy
là vậy. Thấy ai hơn mình, chơi trội hơn mình là không chịu được. Đành rằng ganh
đua, cạnh tranh nhau để cùng phát triển đi lên thì tốt, còn ganh đua với tâm đố
kỵ, nhỏ nhoi, ích kỷ, hẹp hòi và theo kiểu đốt tiền ngông cuồng như vậy thì
đáng chê trách….
Hòa Thượng Báo Ân có nuôi bốn con chó,
tôi quan sát thấy chúng tranh giành cắn xé lẫn nhau để độc chiếm tình thương của
Hòa Thượng. Bốn con, nhưng có hai con nhỏ hơn, biết không thể tranh giành nên
an phận, còn hai con to ngang nhau thì thường xuyên cắn xé nhau, hễ con này thấy
con kia quấn quýt bên Hòa Thượng là nó nhảy đến cắn đuổi con kia đi . Nó cắn rất
hăng máu, có lần chúng tôi lấy gậy đập can ra mà vẫn không được.
Nhìn cảnh những con chó cắn xé nhau
tranh giành tình thương của chủ, mà cảm thấy buồn cho thân phận con người, nếu
chúng ta không có tâm tùy hỉ, chỉ biết đố kỵ, tranh giành hơn thua thì chẳng
khác nào như những con chó kia, chỉ khác là con người không dùng bạo lực trực
tiếp với nhau, mà dùng thủ đoạn gian ác để hạ bệ lẫn nhau mà thôi….
Thế cho nên, tu tập hạnh tùy hỉ là khi đối
mặt với những kết quả tốt đẹp mà không phải của mình, chúng ta vẫn vui mừng như
chính thành quả mình làm được vậy. Trong tâm người tu hạnh tùy hỉ lúc nào cũng
cầu mong cho người khác giỏi giang hơn mình, thành đạt hơn mình. Những gì mà
mình muốn đạt được đều mong cầu cho người khác đạt được và luôn luôn vui mừng,
hạnh phúc với những điều tốt đẹp người khác làm được và đạt được.
Trích
dẫn nguồn: phatgiaohoc.com