Thoáng thấy bóng thầy Trương Minh Ngoan,
bí thư Đoàn Trường THPT Phú Điền (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), đi về ngôi
nhà nhỏ cuối sân trường, các học sinh liền hỏi vui: “Chủ vựa ve chai đi kiểm kê
tài sản phải không ạ?”.
Thầy Ngoan cười hiền rồi nói: “Lớp nào
có ve chai thì mang xuống vựa cho thầy”.
Biến
ve chai thành thẻ bảo hiểm y tế
Vựa ve chai thầy Ngoan vừa nhắc chính là
ngôi nhà chứa chai nhựa do học trò thu nhặt được. Thầy Ngoan là người tiếp nhận,
bảo quản nên “được” phong biệt danh là “chủ vựa ve chai”. Khi số lượng ve chai
nhiều, thầy trò sẽ bán rồi sung vào quỹ, mục đích cuối cùng là dành tiền mua bảo
hiểm y tế tặng cho các bạn hoàn cảnh khó khăn hoặc những suất trợ cấp “nóng”
ngăn chặn học sinh bỏ học.
“Có nhiều cách để học sinh tham gia như ở
mỗi lớp đều có một bao đựng ve chai. Em nào uống nước có chai thì mang về lớp
mình bỏ vào bao hoặc có thể tổ chức các nhóm nhỏ ra sân trường thu nhặt chai.
Mô hình chỉ nhận chai do các em thu nhặt trong trường chứ không nhận tiền mặt”
- thầy Ngoan lý giải cách thực hiện.
Mở cửa vựa ve chai, thầy Ngoan quét dọn
cho sạch rồi lúi húi soạn lại số chai vừa tiếp nhận của buổi sáng. Chai nào còn
nước sẽ trút ra cho sạch.
Thầy Ngoan đem quyển nhật ký ve chai lật
lại từng trang rồi chia sẻ: “Tổng cộng 11 tuần qua thu được 16.681 chai. Trung
bình mỗi chai giá 100 đồng thì mua được hơn ba cái bảo hiểm y tế rồi. Mỗi ngày
các em nhặt được chừng 100 chai. Hôm nào trời nắng nóng các em uống nước nhiều
hoặc buổi học hôm ấy không có tiết kiểm tra, các em có thời gian thư thả sẽ tự
tổ chức nhóm nhỏ đi lượm chai nhựa trên sân, sẽ thu được nhiều hơn”.
Lát sau khi trống điểm giờ ra chơi, vựa
ve chai xuất hiện thêm một số thành viên khác nào là “đội trưởng đội ve chai”,
“thủ quỹ vựa ve chai”. Còn ở các lớp, học sinh mang bao ve chai của lớp mình đến
quyên góp. Số lượng được ghi rất cụ thể để cuối năm tổng kết xếp hạng và dĩ
nhiên sẽ có những phần quà mang tính động viên tinh thần được trao cho lớp nhiệt
tình nhất.
“Hiện tại lớp 11CB1 đang là lớp “mê
chai” nhất trường bởi đã lượm, đóng góp được 1.077 chai. Các lớp khác cũng đang
theo sát nút” - Nguyễn Ngọc Linh, "thủ quỹ vựa ve chai”, thông báo.
Bài học từ vựa ve chai
Kế hoạch nhỏ của thầy và trò Trường THPT
Phú Điền đã thực hiện suốt bốn năm qua và niềm vui lớn mang về là có gần 80 học
sinh được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế từ số tiền gom góp bán ve chai. Cứ thế kế hoạch
vận hành trơn tru từ năm này qua năm khác và vựa ve chai nhỏ ở góc sân trường
hôm nào cũng chộn rộn tiếng cười nói.
Niềm vui của thầy cô không chỉ dừng lại ở
việc ngày càng nhiều trò nghèo được tặng bảo hiểm y tế mà thông qua đó còn giáo
dục các thế hệ học sinh bài học ý nghĩa về tình bạn, tinh thần đoàn kết, tiết
kiệm và ý thức bảo vệ môi trường.
Trương Thị Tiểu Yến, một trong những đội
trưởng "đội ve chai”, chia sẻ: “Ban đầu khi thầy cô phát động phong trào
chính em cũng khá ngượng ngùng khi đi lượm chai. Sau đó chúng em lập từng nhóm,
cùng nhau làm và tìm được niềm vui vì biết rằng chính mình đang giúp các bạn có
hoàn cảnh khó khăn. Từ đó em không còn mắc cỡ hay ngại ngùng nữa”.
Thầy Lê Văn Út - hiệu phó Trường THPT
Phú Điền - bộc bạch: “Mỗi chai các em lượm chỉ tương đương 100 đồng nhưng chính
việc chung sức của hàng trăm học sinh trong trường nên thành quả thu lại không
hề nhỏ. Qua đó các em học được bài học đầu tiên là sự đoàn kết. Kế đến các em sẽ
quý trọng hơn đồng tiền mình xài hằng ngày vì chính các em cũng thấy rằng xung
quanh mình còn những bạn rất khó khăn, cần giúp đỡ”.
Thầy Út cũng lý giải thêm với 5.000 chai
nhựa bán đi mới đủ tiền mua được một bảo hiểm y tế. Thế nhưng đến nay từ nguồn
“ve chai”, thầy cô và các em đã giúp đỡ được 80 học sinh có bảo hiểm y tế cùng
nhiều suất trợ cấp đột xuất giúp các bạn hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học.
Nhận
trò nghèo làm con nuôi
Mới đây, thầy cô Trường THPT Phú Điền
còn nhất trí với kế hoạch “nhận trò nghèo làm con nuôi” trong việc hỗ trợ vật
chất và giúp đỡ các học sinh trong học tập.
Theo đó, mỗi chi bộ sẽ nhận đỡ đầu 1-2 học
sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tháng thầy cô sẽ đóng góp một số tiền nho nhỏ gửi
tặng để các em trang trải việc học tập. Hiện tại có năm học trò vừa vào lớp 10
nhận sự giúp đỡ đến hết lớp 12.
Thầy Lê Văn Trắng, một giáo viên trong
trường, cho biết: “Vợ tôi cũng rất ủng hộ việc giúp đỡ thiết thực này. Bản thân
tôi thấy hạnh phúc khi các em có thể gác lại một phần những lo âu thiếu thốn hằng
ngày để chuyên tâm học hành”.
Ngọc
Tài (theo tuoitre.vn)