“Chuyện nhỏ xíu hà, có đáng gì đâu!”- những
tấm gương thầm lặng đều có chung câu cửa miệng như thế khi nói về chuyện mình
làm. Họ có chung nụ cười hiền, chung tấm lòng tốt, chung cả sự rụt rè....
Trong buổi lễ trao tặng học bổng cho học
sinh nghèo hiếu học của Chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông (thuộc Hội
Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM), có một tiết mục đặc biệt khiến hơn 200 học
sinh nghèo háo hức chờ mong. Đó là tiết mục bốc thăm trúng thưởng năm chiếc xe
đạp mới toanh đủ màu sắc.
Em nhỏ nào cũng thòm thèm muốn
có chiếc xe đạp sơn màu xanh, màu hồng láng coóng dựng ở góc phòng. Khi ban tổ
chức giới thiệu chủ nhân tài trợ những chiếc xe đạp lên sân khấu phát biểu, cả
hội trường hết sức ngỡ ngàng khi biết đó là một anh thợ sửa xe nghèo. Lần đầu
tiên được giới thiệu trân trọng trước đám đông, anh luống cuống, bất ngờ đến mức
đi chân không lên sân khấu. Và bài phát biểu của anh Lê Văn Thái, thợ sửa xe
trên đường Hồng Lạc, Q.Tân Bình hôm đó cũng lọng cọng, ngập ngừng, mộc mạc như
khi anh ngồi kể về nguồn gốc của gần 20 chiếc xe đạp mà anh đã tặng học trò
nghèo.
Anh Thái nói bằng giọng rặt của người Quảng
Ngãi: “Mình làm nghề sửa xe. Thấy mấy bà ve chai bán mấy cái sườn xe còn tốt, bỏ
đi thì phí nên mình mua về, từ từ kiếm thêm phụ tùng ráp thành chiếc xe lành lặn.
Về cái chữ cái nghĩa thì mình thua rồi, hồi nhỏ cha cho đi học mình chỉ biết lận
cuốn tập, cuốn sách vô bụng rồi trốn đi chơi. Lớn lên không biết chữ thua sút
người ta, mình buồn lắm. Thấy học trò nghèo đi học không có xe, mình mới tính
đường kiếm xe cho nó đó”.
Mua một cái xe đạp cũ từ người bán ve
chai, anh Thái tốn chừng 150.000 đồng. Kế đó, anh mới từ từ gom tiền mua thêm từng
chút một: cái yên xe, bộ bố thắng, hai cái bánh... Mua được tới đâu, anh Thái tự
tay lắp ráp tới đó. Ráp thành chiếc xe chạy tốt rồi, anh còn tỉ mẩn ngồi sơn phết
kỹ càng. Mua thêm tem, giấy đềcan kiểu này kiểu khác dán lên để dòm cái xe đỡ
trống. Nhiều khi xe đạp mới làm xong, có khách ghé hỏi mua, trả giá gần cả triệu
đồng nhưng anh cương quyết không bán.
Thời gian đầu, anh Thái tự
mình để ý tìm trong những khu lao động nghèo, những xóm trọ có em học trò nào
nghèo mà thiếu phương tiện đi học là anh đích thân đem xe tới cho. Sau này,
quen mấy cô ở Chi hội Bình Phú Đông, anh Thái đem xe tới trụ sở chi hội tập kết
ở đó, nhờ chi hội làm cầu nối trao tặng. Cô Nguyễn Thị Cúc, chánh văn phòng Chi
hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông, nhận xét: “Nhìn Thái cóp nhặt từng
chút một để có quà tặng người nghèo, ai cũng cảm phục.
Những chiếc xe của Thái,
chúng tôi đã mang đến cho học sinh nghèo ở Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, quận
12, Tân Bình, Tân Phú... Càng cảm động hơn khi biết Thái vẫn chưa có nhà, phải
thuê chỗ ở. Hôm nhận được giấy khen người tốt việc tốt của quận, Thái cầm 300.000
đồng tiền thưởng lên đưa cho tôi, nói là để góp cho người nghèo. Tôi hỏi sao
không đem về dắt vợ đi ăn một bữa, Thái cười, gãi đầu nói nếu cô Cúc không nhận
thì con để dành tiền này làm thêm mấy cái xe”.
Tiệm sửa xe nhỏ của Thái
trên đường Hồng Lạc được anh thuê với giá 4 triệu đồng/tháng (bao gồm cả điện,
nước và các chi phí lặt vặt) với phần diện tích chừng vài mét vuông, ở dưới đất
dùng để hành nghề sửa xe, căn gác nhỏ xíu phía trên làm chỗ ăn, ở, nấu nướng
chen chúc cho cả gia đình hai vợ chồng và ba con nhỏ, chưa kể còn một đứa sắp
chào đời. Vợ anh làm công nhân, tiền lương hằng tháng chỉ vừa đủ trả tiền nhà,
gần tới ngày sinh vẫn cố đi làm mong được chút tiền thưởng tết.
Trong suốt cuộc trò chuyện, anh Thái
không một lời than vãn về hoàn cảnh gia đình mình, anh chỉ say sưa nói về ước
mơ: “Nói thiệt nghe, Thái mơ ước nhiều lắm. Thái ưng làm từ thiện. Thái ước phải
chi mình khá hơn, mình giúp được nhiều người hơn”. Hiện tại, thu nhập của một
anh thợ sửa xe chỉ đủ cho anh nuôi vợ con và nhín nhút để làm từ thiện được chừng
đó. Hễ có thời giờ rảnh, anh Thái lại vô bệnh viện thăm bệnh nhân nghèo, theo
chi hội từ thiện đi phát học bổng, trao nhà tình thương. Anh còn đi hiến máu cứu
người, được giấy khen của phường, của quận.
(Tuổi trẻ online)