BỆNH UNG THƯ NÀO NGUY HIỂM NHẤT

Khác với các bệnh ung thư thông thường cướp đi sinh mạng của chính người bệnh, loại ung thư đặc biệt này gây nguy hiểm cho toàn xã hội mà dường như vẫn chưa được nhận thức rõ ràng.

Y học đã ghi nhận hàng trăm loại ung thư khác nhau, trong đó phổ biến là các bệnh ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vòm họng, ung thư da, ung thư máu,... nhưng chưa ai nghiên cứu đến một loại ung thư đang khiến xã hội phức tạp hết sức bởi mức độ nguy hiểm kinh khủng của nó: “Ung thư đạo đức”.

Nguyên nhân

Khác với những căn bệnh ung thư thông thường, là sự sai hỏng của ADN, dẫn đến đột biến gene, làm thay đổi sự sinh sản, tăng trưởng và chức năng của tế bào thì ung thư đạo đức lại do những tế bào xấu được “nuôi dưỡng” trong tâm lý, suy nghĩ, nhận thức dẫn đến những hành động sai trái. Các “tế bào” đạo đức xấu sẽ lan rộng và lấn át sự phát triển của các tế bào tốt, khi đó con người coi như đã “chết não”.

Các “tế bào” đạo đức xấu thường do yếu tố khách quan ảnh hưởng tới người bệnh và do “sức đề kháng” kém nên người bệnh rất dễ bị lây nhiễm từ môi trường “ô nhiễm” bên ngoài.

Tổn thương tâm lý ở mức độ nặng cũng dễ khiến con người có những suy nghĩ tiêu cực, khiến mầm mống “ung thư” nảy nở và tích tụ dần trong cơ thể, hay nói cách khác là trong não bộ, quyết định trực tiếp tới hành động của người bệnh.

Nếu “khối u ác tính” không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, các tế bào sẽ di căn đến toàn bộ cơ thể, kiểm soát hành vi và dẫn đến ung thư.

Ví dụ: những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đầy bạo lực, chứng kiến những vụ hành hung, tự sát, giết người xung quanh mình, nếu chính bản thân chúng không nhận thức được những hành vi ấy là xấu thì virus “bạo lực” sẽ xâm nhập vào đầu óc chúng lúc nào không hay. Đến một ngưỡng nào đó, chúng sẽ không thể kiểm soát được ý thức của mình, gây ra những tổn thương không chỉ cho mình mà thậm chí rất nhiều người khác.

Đối tượng dễ mắc bệnh

Mỗi loại ung thư đều có những đối tượng cụ thể, do một nguyên nhân nào đó khiến một bộ phận trong cơ thể bị tổn thương gây bệnh, “ung thư đạo đức” là căn bệnh mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải, không phân biệt giới tính, tuổi tác, màu da,...

Ở Việt Nam, giới trẻ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất. Bởi nguyên nhân nêu trên: “sức đề kháng” kém nên khó có thể chống chọi lại được các tác nhân gây bệnh xâm nhập trực tiếp vào cơ thể.

Dấu hiệu và triệu chứng

Thời gian ủ bệnh không xác định được, tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tác nhân gây bệnh. Nhưng thường đến khi xuất hiện triệu chứng rõ rệt thì người bệnh đã có những tác động tiêu cực đến xã hội.

Nếu một người có những biểu hiện, hành vi và thái độ mang tính chất bạo lực, vi phạm pháp luật (ở mức độ nghiêm trọng), ảnh hưởng xấu tới tính mạng và danh dự của người khác, ... là biểu hiện của mầm mống bệnh đã, đang và sẽ phát triển.

Mức độ nguy hiểm

Tùy mức độ nghiêm trọng biểu hiện ra bên ngoài sẽ gây ra hậu quả tương đương với người bệnh và xã hội như: gây thiệt hại về người và tài sản; ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; ảnh hưởng đến lợi ích địa phương, quốc gia và thậm chí có thể là hòa bình thế giới.

Ví dụ minh họa theo thứ tự kể trên: Giết người cướp tài sản hoặc vô vàn các lý do “trời ơi” khác; "đầu độc" người dân với "cái chết từ từ" bằng việc ngâm hóa chất vào thực phẩm vì mục đích lợi nhuận; vi phạm pháp luật hoặc do cách ứng xử với người khác gây ra những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng; tham ô, tham nhũng, cậy quyền cậy thế, “bóc lột” lao động; và những kẻ khủng bố liều chết có lẽ là những người bệnh nặng nhất trong tất cả các hình thức biểu hiện của căn bệnh này.

Điều trị

Nếu bệnh được phát hiện sớm, tức là người bệnh chỉ gây những ảnh hưởng không quá nghiêm trọng tới người khác và xã hội thì các trung tâm phục hồi nhân phẩm là “bệnh viện” tốt nhất dành cho họ. Còn ở mức độ nghiêm trọng hơn thì có thể “chữa trị” trong tù hoặc nặng nhất là “phương pháp” tử hình.

Nói thế không có nghĩa là chỉ khi gây ra sự việc rồi mới bị coi là có bệnh. Như đã phân tích ở trên, tất cả chúng ta, sống trong một xã hội phức tạp, đều có nguy cơ mắc bệnh và đôi khi trong cuộc sống, nó đã được phát tác ra bên ngoài nhưng chúng ta không nhận ra hoặc nếu có biết thì cũng cho nó là chuyện nhỏ, không nhận thức được mức độ nguy hiểm của tình trạng này.

Vì vậy, trước những tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho chính bản thân, chúng ta cần hết sức tỉnh táo để quyết định và không để nó có cơ hội xâm nhập vào ý thức của mình là cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh này.

Hãy là bác sĩ cho chính mình bằng cách “kiểm tra định kỳ” những hành động của mình và tiếp thu những góp ý thẳng thắn mang tính xây dựng từ người khác, bởi có thể căn bệnh này tự bản thân người bệnh sẽ không bị đau đớn về thể xác nên khó nhận ra bệnh.

Và quan trọng hơn cả: Sống lành mạnh là cách tốt nhất để có một cơ thể khỏe mạnh.
Thảo Nguyên