Câu nói của Bộ trưởng Bộ
GTVT Đinh La Thăng cách đây 3 năm trong Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì
tai nạn giao thông cho đến giờ vẫn còn nguyên ý nghĩa.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ
trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết mỗi ngày ở Việt Nam
có khoảng 24 người thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương tật suốt đời vì
TNGT, kéo theo đó là biết bao gia đình phải gánh chịu mất mát, đau thương.
“Đây là điều không thể chấp
nhận được với một đất nước đang sống trong hòa bình. Thiệt hại to lớn về nhân mạng
là không gì bù đắp được. Những đau thương, mất mát mà gia đình nạn nhân phải
gánh chịu là rất lớn”.
Và cho đến nay, 3 năm sau,
câu nói ấy vẫn còn nguyên ý nghĩa.
Biết bao nỗi đau chỉ biết
cất giấu trong tiếng nấc nghẹn, với giọt nước mắt lặng lẽ rơi...
“Tưởng nhớ người đi vì người
ở lại.”
Thế nhưng người đi thì đã
đi rồi, nhưng những gì người ở lại phải gánh chịu lại quá nặng nề.
Một người mẹ khi được phỏng
vấn đã kể rằng bác có mỗi một đứa con trai nhưng nó bị chết vì tai nạn giao
thông, miệng bác run run đến méo cả đi để kìm nén những giọt nước mắt trực
trào. Cảnh người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh có lẽ là nỗi đau không bút nào tả xiết.
Có biết bao câu chuyện được
kể lại, rằng đứa con thấy cha đi nhưng lại chẳng quay về.
Biết bao ông bố bà mẹ lo lắng
không yên khi con mình đi chơi về muộn mà không thấy gọi điện về, bởi ngoài đường
kia có bao cám dỗ, nguy hiểm không thể lường trước được chỉ trực chờ bủa vây mà
chúng vẫn vô tư vui vẻ chơi bời. Trong khi bố mẹ lo lắng không yên cho đến khi
thấy con mình về mở cửa mới yên tâm đi ngủ.
Và vụ tai nạn kinh hoàng
trên cầu vượt Chùa Bộc – Thái Hà vừa rồi cũng vậy. Người lái taxi bị chấn
thương sọ não, bản thân anh ấy và gia đình sẽ ra sao? Cả cặp vợ chồng đi xe máy
bị thương nữa, người vợ sẽ sống sao khi biết tin chồng mình đã ra đi mãi mãi?
Biết bao người vợ mất chồng,
con mất cha vì những vụ tai nạn giao thông như thế.
Tai nạn giao thông có lẽ
là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tỷ lệ tử vong của nước ta luôn
ở mức cao đến như vậy.
Báo cáo mới đây của WHO ước
tính tỷ lệ người tử vong do TNGT ở Việt Nam đứng thứ 138/179 quốc gia và vùng
lãnh thổ trên thế giới, nhưng trong khu vực Đông Nam Á thì nước ta chỉ đứng sau
Thái Lan.
Điều này có đáng để chúng
ta phải suy nghĩ gì không?
“Sinh, lão, bệnh, tử” là điều ai cũng phải trải qua trong cuộc đời, nhưng “tử” cũng có nhiều loại “tử”, và “tử” vì TNGT là một cách “không thể chấp nhận được” như Bộ trưởng Thăng đã nói.
Nhưng đáng buồn thay là ta
vẫn phải chấp nhận những tin tức ấy hàng ngày hàng giờ, nhiều đến nỗi có những
người thấy tin tai nạn là chẳng buồn đọc vì nó là điều “quá bình thường, ngày
nào chả có”.
Những sự hy sinh trong các
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đổi lại nền tự do độc lập cho
Tổ quốc, nhưng vô vàn những sự hy sinh “lãng xẹt” bây giờ để đánh đổi gì ngoài
nỗi đau và những giọt nước mắt cho người còn sống.
Khi xem những hình ảnh cảnh
báo về tai nạn giao thông và hậu quả của nó chúng ta không khỏi rơi nước mắt,
nhưng dường như chúng chẳng có tác dụng gì khi có những người vô tư vượt đèn đỏ,
không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng trên đường.
Nhiều người nói tại số, ừ
cũng đúng. Bởi tại sao khi ta đi đúng đường, dừng xe khi đèn đỏ nhưng vẫn bị
tông từ đằng sau hay đột nhiên đang đi bị xe khác lao vào mũi xe, đâm ngang đâm
dọc… Tai bay vạ gió từ trên trời rơi xuống, ấy là những tai nạn không thể tránh
được.
Có câu nói “sống chết có số”
nhưng cũng có câu “số phận là do mình tạo ra”. Hay chí ít số phận của người
khác, theo cách nào đó, là do mình quyết định và ngược lại.
Trong mắt bạn bè quốc tế,
Việt Nam là đất nước vì hòa bình, nhưng không biết chúng ta có tự hào được chăng
khi những vụ tai nạn giao thông lại khiến người nước ngoài phải dè chừng và run
sợ khi được “trải nghiệm” cảm giác mạnh mỗi lần tham gia giao thông, khiến họ bất
đắc dĩ làm khán giả cho các buổi “biểu diễn xiếc”.
Chỉ mong rằng mọi người
khi ngồi lên xe, hãy nghĩ đến tính mạng của chính mình và người thân. Hãy có
trách nhiệm bởi biết đâu chúng ta còn quyết định đến cả tính mạng và số phận của
nhiều người khác nữa.
Người ra đi, chết là hết, nói theo đạo lý nhà Phật là giải thoát một kiếp người để luân chuyển sang kiếp khác. Nhưng nỗi đau người ở lại thì biết bao giờ vơi…
Thảo Nguyên