Có một người rất giàu, ông
xây bức tường thật cao chung quanh nhà để đề phòng kẻ gian xâm nhập.
Một
hôm, mưa to gió lớn, một cây bên đường ngã đổ làm tường thành nhà ông sụp đi một khoảng. Người con thấy thế nói:
- Xây tường thành ngay đi
nếu không trộm cướp sẽ vào.
Người láng giềng thấy tường
đổ cũng sang nhìn vào bảo:
- Này bác, không xây ngay
tường lại e có trộm vào.
Tường chưa kịp sửa chữa lại,
ngay đêm đó, nhà ông phú hộ có trộm tới thăm. Sáng ra, khi biết nhà bị trộm,
ông khen người con là khôn ngoan, thấy xa biết trước mọi sự, và nghi ngờ ông
láng giềng gian xảo, lợi dụng thời cơ xâm nhập gia cư, lấy trộm đồ đạc của ông.
***
Cuộc sống quá bận rộn nên
ta thường không có nhiều thiện chí để nhìn bất cứ đối tượng nào cũng bằng tâm
thức mới, sử dụng kinh nghiệm cũ có vẻ như khỏe và mau chóng giải quyết được vấn
đề, và kết quả như thế nào thì may nhờ rủi chịu. Một phần cũng do bản năng tự vệ
của con người chưa thuần hóa còn nhiều vụng về thô thiển, nên khi phát hiện ra
cái gì có tính cách ảnh hưởng đến quyền lợi của mình là phản ứng bảo vệ ngay lập
tức, bằng những tâm lý như: nổi giận, phán xét, nghi ngờ, độc tài, kỳ thị… mà
không chịu bình tâm để kiên trì quan sát và tìm hiểu rõ sự thể. Cho nên hầu hết
mọi người đều không có thói quen tách rời kinh nghiệm cũ của mình khi quan sát
thực tại, chính vì thế mà họ vẫn thường rơi vào nhận thức sai lầm và đánh mất đối
tượng.
Bức tường ngăn che ấy
chính là thành kiến.
Thành kiến chỉ đơn thuần
là thái độ bám víu vào kinh nghiệm cũ để áp đặt lên thực tại, nên có thành kiến
tốt và thành kiến xấu. Nói dễ hiểu là ta thường đeo mắt kính màu hồng và mắt
kính màu đen khi nhìn người, nhìn đời. Nếu ta đã từng biết người kia rất dễ
thương, bằng kinh nghiệm trực tiếp hay thông qua kinh nghiệm của người khác,
thì khi gặp họ ta sẽ có thiện cảm và hết lòng với họ ngay mà không cần phải
quan sát hay khám phá gì thêm nữa. Đó là ta đang đeo mắt kính màu hồng, thấy họ
nói cái gì cũng hay, làm cái gì cũng tuyệt. Bây giờ phương tiện truyền thông và
quảng cáo rất mạnh mẽ, chỉ cần một vài bài báo ca ngợi hết lời về nhân vật đó
thì lập tức trong ta nảy sinh ngay cảm tình, sau này có cơ hội tiếp xúc ta sẽ dễ
dàng bỏ qua bước quan sát và thận trọng căn bản.
Trường hợp ta được biết
người kia là một kẻ xấu, dù thông tin ấy chưa có gì đảm bảo là chính xác, nhưng
ta vẫn có khuynh hướng thích đeo mắt kính màu đen trước cho chắc ăn. Cho đến một
ngày ta không còn khả năng lấy chiếc mắt kính màu đen ấy ra nữa, nhìn đâu cũng
thấy một màu tăm tối, nhìn ai cũng dị ứng, thấy họ là những kẻ đang muốn hơn
thua hay hãm hại mình.
Từ thành kiến đi tới cố chấp
là một khoảng cách rất nhỏ, nếu thiếu bản lĩnh để sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ điều
gì mới lạ xảy ra thì ta sẽ dễ dàng đóng băng những nhận thức mà mình đang có.
Những người bị thành kiến khống chế sẽ không còn cơ hội để thấy được những giá
trị mầu nhiệm của sự sống đang hiện hữu, sẽ trở thành nạn nhân của lối sống u uất
nặng nề, rất dễ đi tới mặc cảm lạnh lùng và bế tắc.
Có một kẻ ngoại đạo lén
tìm đến chúa Jesus để hỏi điều ông ta đã thao thức bấy lâu nay: “Thưa ngài, làm
sao để được sinh vào vương quốc của thượng đế?”. Chúa Jesus trả lời: “Chỉ khi
nào ông chết đi”. Thấy người kia hốt hoảng, chúa Jesus liền giải thích thêm: “Một
ý niệm cũ chết đi thì một ý niệm mới sẽ được sinh ra, đó là vương quốc của thượng
đế”.
Cái cũ tuy quen thuộc
nhưng nghèo nàn, cái mới thường không dễ chịu nhưng có khả năng đem tới một
không gian rộng rãi cho đời sống, vậy ta còn ngại ngần chi mà không dám khai tử
những ý niệm hay những kinh nghiệm vốn chỉ để bảo vệ cảm xúc nhất thời. Vương
quốc thượng đế thì ai cũng có, đó chính là sự an bình và thảnh thơi của tâm hồn,
chỉ khi nào những phiền não trong ta rơi rụng xuống thì nó mới thật sự hiện bày
ra.
- góp nhặt chỗ kia trả về chỗ đây -
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...