Hỏi: Kính thưa Thầy,
Người chết rồi còn đau đớn nữa không? Trong quyển "Sống Và Chết" con
đã được đọc, trong đó nói rằng: Người chết từ lúc tắt thở phải được để yên
không được đụng vào người chết từ 8 đến 12 giờ, nếu đụng vào người ta đau đớn lắm
nhưng người ta không nói ra được nữa‛. Có phải thế không thưa Thầy ?
Đáp: Trong
sách “Sống và Chết” này người ta dựa vào đâu mà dám bảo rằng người đã tắt thở từ
8 giờ đến 12 giờ mà còn cảm giác đau đớn. Trong bệnh viện về khoa giải phẩu bác
sĩ gây mê cho bệnh nhân thế mà khi mổ bệnh nhân còn không thấy đau đớn huống là
một người đã chết, toàn bộ thần kinh không còn hoạt động nữa thì làm sao người
ta còn có cảm giác đau đớn được?
Thật ra người viết cuốn
sách này sống toàn trong tưởng, vậy mà quý vị tin được sao? Một sự chết của một
người là một sự vô thường của một giai đoạn nhân quả trả vay vay trả và tiếp tục
những thân khác nữa để nối tiếp ngọn đuốc nhân quả mãi mãi.
Chết là toàn bộ thân ngũ uẩn
tan rã không còn một uẩn nào cả thì cái gì còn cảm giác biết đau? Sách này nói
đi ngược lại lờiđức Phật dạy. Năm xưa đức Phật dạy rằng: "nếu người chết
còn lại một chút xíu thức dù như đất trong móng tay Ta thì Đạo Ta cũng không ra
đời"
Lời nói này rất chân thật
đức Phật dám lấy tôn giáo của mình ra xác chứng rằng không có linh hồn, thần thức
như kinh sách ngoại đạo thường tuyên bố. Không có thần thức, linh hồn thì cái
gì còn biết đau, thật ra những người viết kinh sách không có kinh nghiệm tu
hành cứ theo lối mòn của người xưa mà lập lại y khuôn, khiến cho con người lầm
lạc lại còn lầm lạc hơn, khiến cho con người bị lừa đảo lại còn bị lừa đảo hơn,
cho nên mọi người tiền mất tật mang là phải.
Bởi vậy đức Phật dạy chúng
ta 10 điều chớ có tin, và chỉ dạy cho chúng ta tin khi nào điều đó đem lại lợi
ích cho mình cho người.
Thân tứ đại này là cát bụi,
chết thì trả về cát bụi. Cái cảm thọ đau đớn kia của thân tứ đại này đã tan rã
theo nó còn đâu đau đớn nữa mà còn bảo rằng người chết còn đau đớn. Biết thì
thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, không biết mà viết như vậy thì gây
hoang mang, mê lầm cho người đọc.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập X)