Chuyện xưa kể rằng: Có người
thợ làm việc trên một tầng lầu cao. Rủi trật chân, té xuống đường. Trong khi
té, lại rớt nhằm đầu một người đi qua đường. Người ấy chết, mà anh thợ thì sống.
Con trai người chết thưa lên quan, "mạng thường mạng". Luật hiện hành
trong xứ ấy, hễ gây thiệt mạng cho ai, phải đền bằng tội chết.
Biết rõ người thợ không phải
cố sát, nhưng trước luật pháp hiện hành, không còn cách nào khác để cứu người
vô tội, quan tòa bèn tuyên án:
- Hễ "sát nhân giả tử", luật pháp là như thế không ai có thể gỡ được. Tên thợ này làm chết người, phải thường mạng. Nhưng muốn thực hiện công lý ấy, thì nó đã giết người bằng cách nào, bây giờ người ta phải giết nó bằng cách ấy. Nay ta phán rằng: Đứa con khổ chủ phải lên trên lầu cao ngay chỗ tên thợ trước đây đã đứng, đợi khi tên thợ ấy bước ngang, thì gieo mình ngay trên đầu nó, để giết nó!
Đứa con nạn nhân lật đật đến tòa xin bãi nại.
Lời bàn:
Vạn vật luôn biến đổi, sự
thật biến hóa khôn cùng, khó có thể lường trước được. Vì thế, cho dù là Luật lệ
do chúng ta đặt ra thì cũng đừng có vô ý để nó làm khổ chúng ta. Xử trí như vị
quan tòa kia mới thật là người biết dùng công cụ phục vụ con người và bảo vệ
công lý.
Lành thay!
Creations