Đúng theo Đạo Phật thì người xuất gia
(mà chúng ta quen gọi là Sư Tăng) không được lập gia đình. Chữ Sư có nghĩa là
Thầy, chỉ có Thầy Tăng mới không được quyền có vợ, còn những ông thầy khác như
giáo sư (thầy dạy học), Kỹ sư (thầy kỹ thuật), Kiến trúc sư (thầy vẽ kiểu nhà),
võ sư (thầy dạy võ) v.v... những ông thầy này được quyền có vợ chứ! Ngay cả Đạo
sư (thầy dạy Đạo) cũng có vợ được nếu đạo sư đó không phải là Tăng.
Gần đây có một số Phật tử Việt Nam theo
học Đạo với các Thầy Lạt Ma Tây Tạng. Những Phật tử này thường vẫn còn khái niệm
Thầy tu không được có vợ. Vì thế nên có một cô Phật tử ở Canada đến nói với tôi
rằng: "Con theo học với vị Lạt Ma này được hai tháng nhưng sau khi biết
ông ta có vợ thì thôi, không theo học nữa".
Ở Nhật Bản các vị Tăng đa số đều có vợ.
Có nhiều chùa, sau khi vị trụ trì mất thì con của họ lên thay thế làm trụ trì.
Có hai vị thiền sư Nhật nổi tiếng là Shunryu Suzuki (1905-1971) tác giả quyển
"Thiền tâm, Sơ tâm" (Zen mind, Beginner"s mind) và Daisetz
Teitaro Suzuki (1870-1966) tác giả bộ "Thiền Luận". Khi nói về hai vị
này, nhiều người gọi họ là Đại Sư. Tôi tự hỏi không biết những người này có biết
là hai Đại Sư của họ có vợ chăng? Nếu biết thì có còn gọi là Đại Sư nữa không?
Riêng theo truyền thống Tây Tạng thì có
hai loại Lạt Ma. Lạt Ma Tăng không có vợ và Lạt Ma cư sĩ có vợ con. Chữ Lạt Ma
(Lama) là dịch từ chữ Phạn Guru có nghĩa là Đạo Sư, vị Thầy chỉ đạo. Phật Giáo
được truyền vào Tây Tạng khoảng thế kỷ thứ 8 do Padma-sambhava (Liên Hoa Sanh),
vị này là một Đạo Sư nổi tiếng về Mật Giáo, xuất thân từ tu-viện Vikramasila, một
tu-viện lớn ngang hàng với Nalanda. Padmasambhava có hai người vợ và cũng là
hai đệ tử lớn. Chính ông đã sáng lập ra phái Nyingmapa (Cổ Mật), trong phái này
đa số các Lạt Ma đều là cư sĩ nên chuyện có hay không có vợ không phải là một vấn
đề. Sau đó vào thế kỷ thứ 11, có thêm hai phái nữa ra đời là Kagyupa và
Sakyapa. Sơ Tổ Tây Tạng phái Kagyupa là Marpa qua Ấn Độ học Đạo với Naropa rồi
trở về xứ dịch kinh truyền Đạo. Đạo Sư Marpa có vợ và đệ tử xuất sắc nhất của
ông là Milarépa, vị này không phải là Tăng mà là một đạo sĩ Du Già (Yogi,
naldjorpa). Đệ tử kế nghiệp Milarépa là Gampopa, một vị Tăng nên bắt đầu từ
Gampopa trở đi đa số đều là Tăng, nhưng vẫn còn một phần ba là cư sĩ. Kế nghiệp
Gampopa là Karmapa, bắt đầu từ vị này thì có sự tái sinh trở lại ngôi vị mình
cho tới Karmapa thứ 16, vị này mới mất năm 1982. Karmapa là vị lãnh đạo tối cao
của phái Kagyupa, tương đương với đức Đạt Lai Lạt Ma. Vị Karmapa thứ 15 cũng có
vợ. Sơ Tổ của phái Sakyapa là Sachen Kunga Nyingpo cũng có vợ và hai vị Tổ kế
tiếp chính là hai con trai của ông. Đa số Lạt Ma của phái này là cư sĩ, vị lãnh
đạo tối cao hiện nay là Sakya Trizin. Vào thế kỷ 14 có phái Guélugpa ra đời,
Sáng Tổ là Tsongkhapa, một vị Tăng. Kế thừa sau này là Gendun Drub, Đạt Lai Lạt
Ma thứ nhất. Sau khi chết, vị này tái sinh trở lại mỗi đời, cho tới nay là Đạt
Lai Lạt Ma thứ 14 (Tenzin Gyatso).
Trong bốn phái lớn vừa kể, ba phái đầu
được gọi là Hồng Mạo phái (phái mũ đỏ), phái chót là Hoàng Mạo phái (phái mũ
vàng). Phái này rất tôn trọng giới luật nên đa số Lạt Ma đều là Tăng.
Kể sơ các dòng phái của Tây Tạng để bạn
đọc và người nào muốn theo học với Phật Giáo Tây Tạng khỏi bị bỡ ngỡ trước vấn
đề "Lạt Ma có vợ". Với dân Tây Tạng, một vị Lạt Ma có vợ hay không,
việc đó không thành vấn đề. Hơn thế nữa, trong giáo lý Mật Tông Tây Tạng
(Tantrayana) có những pháp môn mà trong đó hành giả cần phải có vợ hay một người
nữ cùng tu để tập chuyển hóa những năng lực tính dục (énergie sexuelle) hầu sớm
mau đắc đạo. Đây là một điều mà Phật tử Việt Nam không thể nào hiểu nổi, nhiều
khi còn cho đó là bàng môn tả đạo. Và đây cũng là một lý do mà tôi không muốn
truyền bá Phật Giáo Tây Tạng sau sáu năm học Đạo với các Lạt Ma.
Tạm bỏ qua chuyện Sư Nhật hay Lạt Ma Tây
Tạng có vợ, bây giờ nói đến chuyện Sư thật hoàn tục để cưới vợ. Theo truyền thống
Phật Giáo ở các nước Nam Tông như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Lào, Cam Bốt,
các vị Sư tu hành lâu năm hoàn tục vẫn được Phật tử kính nể vì họ quan niệm rằng
vị Sư đó dù đã hoàn tục nhưng kiến thức và phẩm chất đạo đức của ông vẫn không
mất. Ngược lại trong giới Phật tử Việt Nam thì lại quan niệm việc hoàn tục là một
sự thất bại, có nghĩa là vị Sư đó tu hành không đến nơi đến chốn, không có nghị
lực để bị sa ngã, v.v... Vì đa số Phật tử quan niệm như thế nên các vị Sư hoàn
tục thường có mặc cảm tội lỗi, hoặc xấu hổ rồi đoạn tuyệt hẳn với Đạo Phật,
không dám bén mảng tới chùa nữa. Như vậy không những chùa mất đi một vị Tăng mà
còn mất luôn một người Phật tử nữa. Đây là một điều đáng tiếc và quan niệm này
hãy còn thiếu nhiều thương yêu hiểu biết.
"Chiếc áo không làm nên Thầy tu, thầy
tu không thể không có chiếc áo"
Từ lúc vào chùa đi tu đến nay, tôi đã chứng
kiến nhiều huynh đệ hoàn tục. Ban đầu tôi cũng bất mãn, thầm trách Thầy tôi sao
không khuyên răn ngăn cản họ. Nhưng rồi với thời gian, tôi hiểu và thông cảm,
thấy rằng họ còn những bài học cần phải học, cần phải hiểu để tiến hóa. Đạo không
nhất thiết phải học ở trong chùa hay trong kinh sách mà Đạo ở khắp mọi nơi.
Có nhiều Phật tử phê phán: "Tội
nghiệp Thầy đó nghiệp nặng, hoặc Sư Cô đó còn nặng nợ trần gian". Họ làm
như mình không còn nặng nợ nữa vậy. Có biết đâu mình cũng nặng nợ như ai nhưng
trốn nợ hoặc chưa tới lúc phải trả đó thôi....
(hết trích dẫn)
Trí Siêu
(Còn tiếp....)