Giáo
lý Duyên Khởi mà Đức Phật Chứng Ngộ tại dưới gốc Bồ Đề, cũng chính là giáo lý
căn bản của Phật Pháp. Pháp Duyên Khởi hay còn gọi là "Thập Nhị Nhân
Duyên" không phải là do Đức Phật sáng tạo hoặc chế định, mà là do Ngài Chứng
Ngộ. Chân Lý của Vũ Trụ Thế Gian là "Pháp Nhĩ Như Thị". Đức Phật lấy
Pháp làm Thân, bởi vậy trong Kinh "Liễu Bổn Sanh Tử"
Ngài
có dạy:
"若比丘見緣起 即是見法, 若正見於法 則是見我."
"Nếu
Tỳ Kheo thấy Duyên Khởi, tức là thấy Pháp,
Nếu
chân chánh thấy Pháp, tức là thấy Ta (Phật)."
Sau
khi thành đạo thì Đức Phật Thích Ca đến vườn Lộc Uyển ở xứ Ba La Nại để thuyết
pháp cho năm người đệ tử đầu tiên. Đó là các ông Kiều Trần Như, Ác Bê, Thập Lực,
Ma Ha Nam và Bạc Đề. Bài thuyết pháp đầu tiên, Đức Phật đã thuyết giảng về chân
lý Tứ Diệu Đế để chuyển bánh xe pháp. Sau khi nghe xong thì năm vị này đều trở
thành A La Hán và họ là năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Như thế thì trước
khi Phật nói Kinh Bát Nhã thì chân lý Tứ Diệu Đế chính là cổ xe căn bản không
thể rời bỏ của kẻ tu hành nếu họ muốn đạt đến bốn thánh quả. Đó là Tu Đà Hoàn,
Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Đây là bốn ngôi vị Thánh mà được gọi chung là
Thanh Văn hay Thanh Văn thừa.
Vậy
tại sao Đức Phật đối trước năm anh em Kiều Trần Như không nói Duyên Khởi mà nói
Tứ Thánh Đế? Đức Phật nói: "Pháp Duyên Khởi rất là Thậm
Thâm". Duyên Khởi Pháp là diệu lý của "Tối ư của sự sâu xa, tối ư của
sự vi diệu, rất khó thông đạt đến". Phần đông chúng ta chưa hiểu rõ một
cách triệt để. Đức Phật Ngài quán căn cơ mà thuyết giáo, lấy Duyên Khởi Pháp tổ
chức một cách thứ tự, lấy Khổ Tập Diệt Đạo của Tứ Thánh Đế để biểu đạt. Bởi vậy,
Đức Phật khi Sơ Chuyển Pháp Luân Ngài không nói Duyên Khởi mà nói Tứ Thánh Đế.
Tức cái gọi là "Khổ này nên Biết, Tập này nên Đoạn, Diệt này nên Chứng, Đạo
này nên Tu" lúc Đức Phật còn trụ thế, Ngài khuyên các đệ tử siêng năng học
tập Tứ Thánh Đế. Nếu như chân chánh lý giải về Tứ Thánh Đế, do thực tiễn Bát
Chánh Đạo thì có thể kiến lập Giải Thoát Tri Kiến của quả vị A La Hán.
Đức
Phật dạy các đệ tử, không chỉ là Tri mà quan trọng là Hành, đó mới là thực tiễn
của Bát Chánh Đạo. Bởi vậy, thời đại Nguyên Thỉ Phật Giáo, các vị Tỳ Kheo trong
Tăng Đoàn chỉ có Tam Y Nhất Bát, ăn một ngày một buổi, ngủ dưới gốc cây chỉ một
đêm. Đây là không để cho vật chất làm hệ lị mà chuyên tâm tu đạo.
Vậy
Tứ Diệu đế là bốn chân lý nói về sự khổ và diệt khổ để đạt được thanh tịnh Niết
Bàn. Gồm có:
1. Khổ Đế
Khổ
đế là tất cả những cái khổ trên thế gian này mà con người phải gánh chịu. Sống
trong trần thế thì con người lúc nào cũng có thể đối diện với những bất hạnh, bất
mãn và bất trắc sinh khởi tùy thời và tùy nơi. Nếu không khổ lúc này thì cũng
khổ lúc khác. Vừa giải quyết xong vấn đề này thì vấn đề khác lại xuất hiện. Đôi
khi vì mong cầu hạnh phúc, con người cố lao tâm lao lực để đạt cho được tiền
tài, của cải, danh vọng, tình yêu… Tuy nhiên lúc thành đạt thì chưa hẳn đây là
hạnh phúc vì chúng ta phải khổ tâm lo bảo vệ những gì đã đạt được. Chúng ta lo
sợ, mất mát và sẽ đau khổ khi bị mất nó. Cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc thật
ra chỉ là cội nguồn của sự lo lắng và sợ hãi mà thôi. Ngay cả những người không
tham vọng, tức là sống yên phận thủ thường cũng không thoát khỏi khổ. Tại
sao? Những người này chỉ cần sống yên thân, có nghĩa là họ kiềm chế
"Tham, Sân, Si" để lo duy trì cái hạnh phúc đơn sơ
vì họ sợ có sự thay đổi, khác thường. Nhưng thế gian là vô thường tức là luật
"thành, trụ, hoại, không" sẽ không tha một ai cả. Do
đó sớm muộn gì thì họ cũng phải đối diện với khổ đau.
Nói
chung những hạnh phúc trong trần thế từ thú vui tinh thần lẫn thể xác thật là mỏng
manh và tạm bợ vì chúng không phải là chân hạnh phúc hoặc hạnh phúc trường tồn,
vĩnh cửu. Vì sự đối đãi của thế gian cho nên hạnh phúc luôn luôn đi đôi với khổ
đau. Như thế con người càng tìm cầu hạnh phúc ở trong cuộc sống thì chắc chắn
càng mang lại nhiều bất hạnh khổ đau. Nói một cách khác hạnh phúc là những gì
được xây dựng trên khổ đau và ngay trong lòng hạnh phúc đã ngầm chứa sẵn những
nhân khổ đau để gây đau thương tang tóc cho con người.
Trước
hết Khổ về Thân thì có: Sinh, Lão, Bệnh và Tử.
Còn
Khổ về Tâm bao gồm:
• Ái
biệt ly khổ: Là phải xa lìa những người, vật và hoàn cảnh mà chúng ta yêu
thích.
• Oán
tắng hội khổ: Là phải ở với những người, vật và nơi chốn mà chúng ta thù ghét.
• Cầu
bất đắc khổ: Mong cầu tiền tài, danh lợi, công danh, phú quý, tình yêu… mà
không được.
• Và
sau cùng là khổ cả thân lẫn tâm tức là Ngũ ấm xí thạnh khổ: Thân thì vô thường
còn tâm thì vô ngã cho nên ngũ uẩn biến đổi quay cuồng làm cho chúng ta vốn đã
khổ nay lại càng thêm khổ đau.
Đứng
trước sự khổ đau của nhân loại, Đức Phật mới phân tích để tìm ra cái Khổ và cội
nguồn dẫn đến những cảnh Khổ này. Chẳng khác nào vị lương y trước khi chữa bệnh
phải biết rõ căn bệnh. Nói đến cái Khổ không phải là bi quan, tiêu cực mà đây
chỉ là phương tiện để đạt đến cứu cánh là hạnh phúc Niết bàn. Thật vậy sau khi
chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là thấu hiểu chân lý và chân tướng
của vạn vật trong vũ trụ này thì Ngài cùng với hàng đệ tử hoạt động rất tích cực
để đem lại sự an vui cho tất cả mọi người. Vì thế Đức Phật lại dạy rằng:
"Không
thể lường được đâu là khởi thủy của vòng luân hồi và từ đâu chúng sanh bắt đầu
kiếp sống. Có điều chắc chắn là họ đã bị trầm luân sinh tử vì vô minh và ái dục".
Tôn chỉ của Phật là "chuyển mê khai ngộ và ly khổ đắc lạc".
Con người còn khổ là vì họ còn chấp thân này là thật Có hay thân này là của Ta.
Vì sự chấp ngã mê lầm này mà con người phải chịu cái khổ lớn nhất là quay cuồng
trong vòng sinh tử luân hồi. Vô minh là cội nguồn của "Tham, Sân, Si"
để dẫn dắt con người tạo ra nghiệp mà phải tái sanh để chịu quả khổ. Do đó tu Đạo
là để phá vô minh và kiến tạo trí tuệ để trừ các ác pháp thì sẽ không còn khổ.
2. Tập Đế
Tập
đế là nguyên nhân gây ra tất cả những cái khổ ở trên. Trong phần tập đế này
cũng có mười món. Đó là tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ,
giới cấm thủ và tà kiến. Để dễ dàng nhận thức Đức Phật đã chia mười món này
thành hai loại. Tư hoặc thì gồm có tham, sân, si, mạn, nghi. Còn Kiến hoặc thì
có thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến. Kiến là sự thấy, biết
từ bên ngoài vì thế kiến hoặc là những cái sai lầm về mê lý và vọng chấp từ bên
ngoài mà thấm vào trong tâm của chúng ta. Một khi con người đã thấu suốt chân
lý của Phật thì những mê lầm này sẽ không còn nữa. Tư là phần bên trong tức là
tâm tư vì thế tư hoặc là những điên đảo mê lầm đã có sẵn trong tâm của con người.
Có con người là có nó, bất cứ chỗ nào có con người là có tư hoặc. Do đó tư hoặc
đã ăn sâu và núp vào trong tiềm thức của con người để sai khiến và dẫn dắt
chúng ta vào con đường trầm luân đau khổ. Vậy tập đế là nhân mà khổ đế chính là
quả của nó trong chiều sanh tử. Mà sanh tử tức là luân hồi.
3. Diệt đế
Diệt
đế là Thánh đạo, là con đường đưa đến giải thoát giác ngộ và chính thật là Niết
Bàn ở trong trần thế vậy. Một khi chúng sinh đoạn được mọi phiền não và tâm trở
thành thanh tịnh thì họ đã chứng được Niết Bàn. Nên nhớ đây chỉ là Niết Bàn của
hàng Thanh văn mà thôi. Từ Tu Đà Hoàn đến A Na Hàm thì có Hữu Dư Y Niết Bàn, có
nghĩa là sự an vui chưa hoàn toàn vì chưa dứt hết phiền não nên trong sanh tử
mà vẫn được tự tại chớ không bị ràng buộc như chúng sinh. Đến khi chứng quả A
La Hán thì mới được Vô Dư Y Niết Bàn, bởi vì hàng A La hán đã dập tắt tất cả ngọn
lửa dục vọng nên họ không còn phiền não khổ đau và cuối cùng thoát ra khỏi tam
giới : Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Khi các vị Bồ tát đã hiểu rõ:
"Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức" thì pháp tánh bình đẳng như
nhau, có nghĩa là họ không thấy một pháp gì cố định, một vật gì chắc thật cả.
Tuy làm việc lợi tha mà họ vẫn ở trong chánh quán. Đó là họ luôn luôn quán chiếu
tư duy vạn pháp như huyễn hóa, không có thật sanh tử thì dĩ nhiên không có thật
Niết Bàn. Do đó Bồ tát thường ra vào sanh tử mà lấy lục độ để độ sanh nên lúc
nào cũng ở trong Niết Bàn. Cái thường trụ Niết Bàn này gọi là Vô Trụ Niết Bàn.
Trong chúng ta có cái tự tánh thường vắng lặng mà thường sáng suốt mà kinh Phật
gọi là Phật tánh, Chơn tâm hay là Như Lai tạng… Đây chính là thanh tịnh Niết
Bàn vậy.
Phương
pháp diệt khổ của đạo Phật có rất nhiều nhưng tựu trung vào ba điểm chính sau
đây:
• Giữ
không cho những mầm bất thiện phát sinh thì con người phải trì giới.
• Diệt
trừ mọi phiền não ẩn chứa trong tâm thì chúng sinh phải dùng Định.
• Diệt
vô minh vì vô minh là đầu mối mọi khổ đau của con người. Phá vô minh thì phát
sinh trí tuệ.
4. Đạo đế
Đạo
đế là con đường để đoạn mọi phiền não và dẫn tới Niết Bàn. Đạo đế gồm có tất cả
37 phẩm trợ đạo là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất
giác chi và bát chánh đạo.
• Tứ
niệm xứ: Là bốn điều cần ghi nhớ để tư duy quán chiếu. Đó là quán thân bất tịnh,
quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã và quán thọ thì khổ.
• Tứ
chánh cần: Là bốn phương pháp dùng trí tuệ để ngăn ngừa tội ác cũng như sự phát
sinh của nó để cho thân khẩu ý được thanh tịnh. Đó là tinh tấn ngăn ngừa những
tội ác chưa phát sinh, tinh tấn ngăn ngừa những tội ác đã phát sinh, tinh tấn
phát triển những điều lành chưa phát sinh và sau cùng tinh tấn tiếp tục phát
triển những điều lành đã phát sinh.
• Tứ
như ý túc: Là bốn phép thiền định hay là bốn phương tiện giúp chúng ta thành tựu
chánh định. Bốn định đó là Dục như ý túc là mong muốn, hướng thượng để được giải
thoát ra khỏi biển khổ sanh tử. Tinh tấn là dũng mãnh, bền tâm vững chí. Nhất
tâm là tâm phải chuyên nhất vào định cảnh, không bao giờ tán loạn. Quán
là dùng trí tuệ sáng suốt để quan sát những pháp mình đang tu.
•
Ngũ căn: Năm căn này là căn bản để phát sinh tất cả thiện pháp. Đó là Tín
căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Huệ căn.
•
Ngũ lực: Là năm năng lực vĩ đại, năm thần lực của ngũ căn. Đó là Tín lực, Tấn lực,
Niệm lực, Định lực và Huệ lực.
•
Thất Bồ Đề hay Thất Giác Chi Là bảy nhánh hay là bảy phương tiện nhiệm mầu giúp
chúng sinh đi đến chỗ giải thoát giác ngộ.
•
Bát Chánh Đạo: Là tám con đường ngay thẳng để giúp chúng sinh đến đời sống chí
diệu và cũng là tám con đường mầu nhiệm để đưa chúng sinh đến địa vị Thánh. Bát
chánh đạo gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng,
chánh tinh tấn, chánh niệm và cuối cùng là chánh định. Đức Phật Thích Ca đã nói
Bát chánh đạo như thế nào thì tam thế Phật cũng nói Bát chánh đạo như thế ấy,
có nghĩa là Phật trong quá khứ và những vị Phật trong tương lai cũng nói Bát
chánh đạo cũng y như thế vì nó là chân lý. Chữ "chánh" trong bát
chánh đạo có nghĩa là đúng.
Chân
lý Tứ Diệu Đế đã được Đức Phật truyền dạy cho đệ tử từ khi Ngài mới bắt đầu
thành đạo cho đến khi Ngài bắt đầu nói Kinh Bát Nhã. Thế thì pháp Tứ Diệu Đế
này là cổ xe không thể rời bỏ được nếu chúng sinh muốn đoạn trừ phiền não để đạt
đến bốn quả vị Thánh trong Thanh Văn thừa. Biết bao đệ tử của Phật đã thành tựu
Thánh quả dựa vào chân lý này thì tại sao ngày nay chính Đức Phật lại đánh đổ,
bảo là không có? Chúng ta sẽ phân tích rõ ràng điều này sau phần Lục Độ Ba La Mật.
"Người
Tu Đạo không nên nói thị phi. Kẻ nói chuyện thị phi là kẻ thị phi (không đáng
tin cậy), chỉ tạo khẩu nghiệp".
"Người
Tu Đạo cần phải trong ngoài nhất trí, không tự mâu thuẫn tức là không được
"khẩu thị tâm phi" có nghĩa là miệng nói một đàng mà tâm nghĩ một ngả".
(nguồn internet)