Chương 34: -Nguyễn
Huệ nhắc kế Nguyễn Hữu Chỉnh. - Triệu Bình Tiệp xem tướng Phạm Ngô Cầu.
---oOo---
Nhắc
lại tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ đem hai vạn binh vào đánh quân Xiêm La do Nguyễn
vương Phúc Ánh cầu viện. Quân Xiêm La đem sang năm vạn còn lại mấy trăm người trốn về nước,
từ ấy không dám dòm ngó nước Nam nữa. Đuổi quân Xiêm La xong, Nguyễn Huệ đem đại
binh về Quy Nhơn phục mệnh vua Thái Đức. Vua sai mở tiệc khao quân. Trước các
tướng, vua Thái Đức nói:
-
Nguyễn Huệ lúc xuất chinh có hẹn trước với ta sẽ về Quy Nhơn ăn tết Ất Tỵ. Nay
ta mở tiệc khao quân nhằm vào tết năm Ất Tỵ, lời Nguyễn Huệ thật quả không sai.
Vậy em muốn ta ban thưởng vật gì ta cũng chiều theo ý em.
Nguyễn
Huệ quỳ tâu rằng:
-
Em không muốn ban thưởng vật gì cả, chỉ có một điều thỉnh cầu, xin Hoàng huynh
thuận cho.
Vua
Thái Đức bảo:
-
Điều gì em cứ nói.
Huệ
thưa:
-
Lần trước vào Nam đánh Phúc Ánh em có bắt được tướng của Phúc Ánh là Nguyễn Huỳnh
Đức đem về đây xin Hoàng huynh giam vào thiên lao cho cơ hội dụ hàng. Nay Nguyễn
Phúc Ánh chưa biết sống chết hay phiêu dạt nơi đâu, ấy chính là cơ hội dụ hàng
Nguyễn Huỳnh Đức. Nếu Huỳnh Đức chịu quy thuận, ấy là hồng phúc của nước nhà và
Hoàng huynh lại được thêm một viên tướng giỏi. Xin Hoàng huynh cho em vào thiên
lao dụ hàng Huỳnh Đức. Vua bảo:
-
Việc này nào có khó gì, lát nữa tiệc tàn em cứ đi dụ hàng Huỳnh Đưa. Ta biết ý
em dụ hàng Huỳnh Đức là để thu phục lòng dân đất Gia Định, chứ Huỳnh Đức lại
sánh bằng Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuyết, Trần Quang Diệu, Vũ
Văn Dũng, Võ Đình Tú, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Đặng Xuân Phong, Đặng Xuân Bảo,
Vũ Văn Nhậm của ta sao?
Vua
Thái Đức vừa dứt lời bỗng một người bước ra nói lớn:
-
Bệ hạ khinh thân là nữ nhi thường tình hay sao mà không kể đến?
Vua
vỗ trán cả cười nói:
-
Bởi tướng giỏi của ta đông quá, nên ta sơ xuất mà quên mất nữ kiệt Bùi Thị
Xuân, ba lần đuổi Nguyễn Phúc Ánh chạy vắt giò lên cổ, xạ tiễn trọng thương Tống
Phước Hiệp ở Phú Yên, mới đây là chém tướng Xiêm La là Lục Côn rơi đầu, thì sao
ta dám bảo cô Xuân là nhi nữ thường tình.
Nói
rồi vua cũng nâng chén uống mừng đại thắng Xiêm La và vui tết năm Ất Tỵ.
Tiệc
tan ai về nhà nấy, Nguyễn Huệ tìm đến thiên lao gặp Nguyễn Huỳnh Đức, Huệ hỏi Đức:
-
Đã hơn năm nay tướng quân còn sống ở tại thiên lão là do Huệ tôi hết lòng xin
Hoàng huynh đừng giết kẻ anh hùng. Việc ấy Huỳnh Đức có biết chăng?
Đức
ngồi trong ngục bình thản đáp:
-
Việc này tôi có biết.
Nguyễn
Huệ lại hỏi:
-
Nguyễn Vương Phúc Ánh bán nước cầu vinh, viện quân Xiêm La về hại dân lành Huỳnh
Đức có biết chăng?
Đức
đáp:
-
Chúa ta viện quân về đánh giặc Tây Sơn lấy nước là điều đúng. Tàn hại dân
lành là tội của quân Xiêm La, sao đổ tội cho Chúa ta được.
Nghe
Đức gọi Tây Sơn là giặc, Nguyễn Huệ vẫn điềm nhiên hỏi:
-
Ta vừa đem quân vào đất Gia Định đánh một trận tiêu diệt năm vạn quân Xiêm La,
quét sạch ngoại xâm ra ngoài bờ cõi. Nguyễn vương Phúc Ánh chưa biết sống chết
thế nào, tướng quân đành đem tấm thân hữu dụng mà tìm cái chết hay sao.
Đức
cười đáp:
-
Nếu Nguyễn vương không còn, Đức này nguyện sẽ chết theo. Nếu Nguyễn vương còn sống
mà vua Thái Đức không bằng Tào Tháo đã thả Quan Vân Trường ngày xưa, thì Đức
này đành cam tâm chỉ chết chứ nhất định không hàng.
Nghe
Nguyễn Huỳnh Đức nói xong Nguyễn Huệ bảo:
-
Tướng quân lại không bằng một câu nói của Mạnh Tử gần ngàn năm trước vậy.
Nói
rồi Nguyễn Huệ quay gót về dinh. Huệ đi rồi Nguyễn Huỳnh Đức nói thầm rằng: Mạnh
Tử có nói câu: "Dân vì quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" ý Nguyễn
Huệ bảo ta là ngu trung vậy!
Trên
đường về nhà Nguyễn Huệ gặp quan ngự sử Nguyễn Thung. Nguyễn Thung hỏi:
-
Tướng quân đem binh vào Nam đánh một trận đuổi giặc Xiêm La ra ngoài bờ cõi, uy
danh lừng lẫy thì nên vui mới phải, cớ gì nét mặt lại dàu dàu như thế?
Huệ
lắc đầu đáp:
-
Năm trước ta bắt được tướng tài của Nguyễn Phúc Ánh tên Nguyễn Huỳnh Đức. Ta
thương tài mến nghĩa không nỡ giết, đã mấy phen dụ hàng mà Đức không quy thuận
nên đâm ra buồn bực trong lòng. Nguyễn Thung nói:
-
Tôi xin vì tướng quân vào thiên lao khuyên Huỳnh Đức quy hàng.
Đoạn
Nguyễn Thung đến gặp Huỳnh Đức nói:
-
Tôi là thuyết khách của Long Nhương tướng quân.
Đức
cười đáp:
-
Đến cái chết ta còn không sợ, thì điều gì có thể lay chuyển được ta.
Nguyễn
Thung cũng vô cùng rằng:
-
Không sợ chết chưa hẳn đã là người quân tử.
Nguyễn
Huỳnh Đức nghiêm mặt hỏi:
-
Vậy thế nào mới là người quân tử?
Thung
ung dung đáp:
-
Khi thất thủ ở Hạ Bì, Quan Văn Trường lúc ấy nếu chọn cái chết, thì làm gì tiếng
để đến ngàn thu, thì làm gì có việc phò nhị tẩu, qua ngũ quan trảm lục tướng, về
sau lại trấn thủ đất Kinh châu uy danh lừng lẫy. Vì nghĩ đến tấm thân hữu dụng
của mình, sau phò Chúa nên Quan Văn Trường mới giao ước ba điều tạm hàng Tào Mạnh
Đức. Nay Nguyễn vương chưa biết sống chết, hoặc lưu lạc nơi nào, nếu tướng quân
chọn cái chết ngộ nhỡ Nguyễn vương còn sống, hưng binh khôi phục cơ đồ thì ắt
là thiếu đi một tướng tài phò tá, ấy là tướng quân trung nhưng là trung chưa trọn
vẹn vậy. Tình thế của tướng quân bây giờ thì chẳng khác gì Quan Văn Trường ngày
xưa. Sao tướng quân không noi theo gương ấy, đến lúc nghe Chúa còn sống thì đi
hay ở là tuỳ ý của tướng quân, ấy chẳng phải là kẻ thức thời biết tiến thoái để
giữ lại tấm thân hữu dụng ư? Long Nhương tướng quân là người bách chiến bách thắng,
tính khí lại ngang trời dọc đất, thế mà lại không giết tướng quân, rõ là vì
thiên hạ thương tiếc anh hùng. Nếu tướng quân là hàng chim chuột thì Long
Nhương tướng quân đâu phải nhọc lòng sai tôi đến đây!
Nghe
Nguyễn Thung nói xong Huỳnh Đức hỏi:
-
Tôi bằng lòng hàng Tây Sơn. Nhưng khi nghe Nguyễn vương còn sống tôi nhất quyết
theo Chúa cũ. Vậy Nguyễn Huệ có bằng lòng chăng?
Thung
cười đáp:
-
Lúc quân Tây Sơn ta mới khởi binh chỉ lấy được đất Quy Nhơn, Quảng Ngãi, binh lực
còn non yếu. Ngoài thì địch Hoàng Ngũ Phục ở Quảng Nam, trong thì cự Tống Phước
Hiệp ở Phú Yên. Trong lúc lưỡng đầu thọ địch thế mà Long Nhương tướng quân còn
dám tha mạng quan tham tán quân cơ đa mưu túc trí của chúa Nguyễn là Tĩnh Diệp Hầu Nguyễn Đăng Trường, huống hồ gì ngày nay Long Nhương lại không giữ lời hứa
mà thả tướng quân sao?
Huỳnh
Đức nói:
-
Nếu thế phiền ông về thưa cùng Long Nhương tướng quân tôi thuận ý xin hàng.
Nguyễn
Thung quay về nói với Nguyễn Huệ rằng:
-
Nguyễn Huỳnh Đức giao ước một điều nếu tướng quân bằng lòng Đức sẽ quy hàng.
Huệ
hỏi:
-
Đức giao ước điều gì?
Thung
đáp:
-
Huỳnh Đức thuận ý quy hàng, nhưng khi nào biết Nguyễn vương ở đâu sẽ bỏ Tây Sơn
ta đi theo Chúa.
Huệ
cười bảo:
-
Việc này nào có khó gì. Phiền quan Ngự sử vời Huỳnh Đức đến đây.
Nguyễn
Thung đưa Đức đến. Đức vòng tay thi lễ nói:
-
Đức tôi giao ước Long Nhương tướng quân có bằng lòng chăng?
Huệ
đáp:
-
Ta bằng lòng nên mới vời Huỳnh Đức đến đây.
Đức
nói:
-
Vậy khi nào biết Chúa ở đâu, tôi quyết lòng theo Chúa. Lúc ấy xin tướng quân chớ
khá quên lời.
Huệ
cười bảo:
-
Một lời đã nói, bốn ngựa khó theo. Huỳnh Đức muốn làm Quan Văn Trường đời nay,
ta lại không bằng Tào Mạnh Đức ngày xưa sao?
Nói
xong truyền quân bày yến tiệc thết đãi Huỳnh Đức. Từ ấy Nguyễn Huệ giữ Huỳnh Đức
ở luôn trong quân.
***
Nhắc
lại tướng Trịnh là Nguyễn Hữu Chỉnh năm ấy vì loạn kiêu binh đưa Trịnh Khải lên
ngôi Chúa, Chỉnh sợ luỵ đến thân, bỏ đất Nghệ An theo về Quy Nhơn nương nhờ vua
Thái Đức.
Ngày
ấy Hữu Chỉnh tâu vua Thái Đức rằng:
-
Ngày nay Bệ hạ diệt xong nhà Nguyễn làm cho một cõi Đàng Trong uy danh lừng lẫy.
Nhưng đất đai họ Nguyễn gồm cả đất Thuận Hoá, nay đất ấy đã bị họ Trịnh lấy mặt,
Bệ hạ hãy đem quân lấy lại đất này, dùng sông Linh Giang làm ranh giới như ngày
xưa hai nhà Trịnh - Nguyễn đã làm, thì Bệ hạ ở Đàng Trong như ngồi trên bàn thạch
mà hưởng lộc vậy.
Vua
Thái Đức xua tay nói:
-
Vì thương lê dân lâm cảnh đói nghèo nên ta khởi binh ở đất Tây Sơn cứu trăm họ
thoát chốn lầm than. Nay thiên hạ đại thái bình muôn dân đã no ấm, họ Trịnh lấy
đèo Hải Vân làm ranh giới không xâm phạm chủ quyền của ta, việc gì ta phải dấy
động can qua, làm khổ cho sinh linh thật lòng ta không nỡ!
Nguyễn
Hữu Chỉnh lại tâu:
-
Nay đất Thuận Hoá do Phạm Ngô Cầu trấn thủ. Ngô Cầu là người tham lam tàn bạo
vơ vét của cải dân lành, nếu Bệ hạ đem quân Bắc tiến ắt trăm họ một lòng hưởng ứng
thì chỉ một hồi trống là lấy xong đất Thuận Hoá mà thôi. Ấy là không phải Bệ hạ
dấy động can qua làm khổ bá tánh mà là đem nhân nghĩa để cứu dân đó.
Vua
Thái Đức gạt đi bảo:
-
Đèo Hải Vân hiểm trở lại do quân Trịnh chiếm đóng, Phạm Ngô Cầu ở đất Thuận Hoá
còn những hai vạn binh tinh nhuệ thì tài gì một hồi trống có thể đuổi được họ
đi. Vả lại dân ở Thuận Hoá khổ sở thế nào ta chỉ nghe ngươi nói mà thôi, nếu động
binh, cứu dân nghèo đâu chưa thấy chỉ thấy quân ta lại thêm hao binh tổn tướng
một lần nữa. Quân của ta lúc dấy binh đến nay chinh chiến triền miên, lòng người
đều mong cảnh thái bình. Nay đã thái bình lại còn gây chinh chiến làm chi. Ý ta
đã quyết ngươi chớ nhiều lời.
Nói
xong vua đuổi Nguyễn Hữu Chỉnh ra ngoài. Về nhà Chỉnh nói với thủ hạ là Nguyễn
Viết Tuyển rằng:
-
Ta những muốn mượn tay Tây Sơn đem quân đánh Trịnh đẹp yên xứ Bắc, rồi sẽ mượn
cớ phò Lê xin anh em Nhạc - Huệ cho ta ở lại vỗ yên Bắc Hà. Khi ấy ta sẽ chiêu
binh mãi mã thì làm Chúa Đàng Ngoài không phải là ta, hỏi còn ai vào đây nữa? Ngặt
nỗi vua Thái Đức chí nhỏ tài sơ đã mấy phen khẩn cầu mà không dám động binh.
Ngươi có kế gì cho họ xuất quân chăng?
Viết
Tuyển bàn rằng:
-
Vua Thái Đức càng già càng thụ động cầu an, là có tính đố tài không muốn cho
Nguyễn Huệ đem quân ra ngoài cõi. Tôi có nghe năm xưa Nguyễn Huệ xin cất quân
vào Nam đánh Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Nhạc vì ngại cho Huệ cầm quân chuyên quyền
cõi xa, không cho Huệ cầm binh. Về sau Nguyễn Huệ phải giả bệnh, Nguyễn Nhạc mới nhân cơ hội ấy sai Nguyễn Lữ
vào Nam đánh Định vương Nguyễn Phúc Thuần. Vậy tướng quân nên đốc thúc Nguyễn
Huệ cầm quân Bắc tiến, may ra Nguyễn Huệ sẽ có cơ khuyên Nguyễn Nhạc xuất binh.
Nguyễn
Hữu Chỉnh khen phải, liền đến tư dinh Nguyễn Huệ. Chỉnh nói với Nguyễn Huệ rằng:
-
Từ ngày tướng quân vào Nam đánh quân Xiêm La đến nay đã hơn một năm, quân ta đã
đủ thời giờ để dưỡng uy sức nhuệ. Nay Phạm Ngô Cầu ở đất Thuận Hoá không phòng
bị, sao tướng quân không xin đem quân Bắc tiến.
Huệ
hỏi lại Chỉnh:
-
Hoàng huynh tôi đã cao tuổi ngại việc chinh chiến, tôi cầu xin chưa chắc người
đã nghe. Ông là thượng khách của Hoàng huynh tôi sao không xin giúp một lời.
Chỉnh
đáp:
-
Tôi đã mấy lượt khẩn cầu những vua không thuận ý.
-
Ông viện cớ gì để khuyên Hoàng huynh tôi xuất quân?
-
Tôi xin vua nên đánh lấy đất Thuận Hoá dùng sông Linh Giang và luỹ Trường Dục
làm ranh giới như chúa Nguyễn lúc trước thì có thể an nhàn mà hưởng lộc.
Nguyễn
Huệ cười to nói:
-
Hoàng huynh tôi vì thấy trăm họ lầm than mà dựng cơ khởi nghĩa. Ông lại đem cái
lợi để khuyên Hoàng huynh tôi xuất quân, thảo nào Hoàng huynh tôi chẳng chịu
nghe theo.
Nguyễn
Hữu Chỉnh lại nói:
-
Tôi có tâu với vua rằng lương dân ở Thuận Hoá bị Phạm Ngô Cầu đàn áp bóc lột,
xin người cất quân đánh Trịnh cứu dân. Nhưng nhà vua vẫn để ngoài tai.
-
Lời ông nói lấy gì để Hoàng huynh tôi tin là nhân dân ở Thuận Hoá thật sự bị
bóc lột khổ sở. Hay là ông muốn vin vào cớ ấy để muốn quân Tây Sơn ta đưa ông về
Bắc Hà?
Chỉnh
thất sắc nói:
-
Ngày trước còn là tôi nhà chúa Trịnh, tình hình đất Bắc Hà thế nào tôi rất rõ,
nên mới xin tướng quân đánh Trịnh cho bá tánh được nhờ ơn mưa móc.
Còn
việc cầm quân Bắc tiến, tôi có tài cán gì mà thống lĩnh binh quyền để mượn binh
của nhà vua về xứ Bắc. Xin tướng quân xét lại.
Thấy
Nguyễn Hữu Chỉnh lo sợ, Nguyễn Huệ an ủi rằng:
-
Dù ông có muốn quân của Hoàng huynh tôi ra có diệt Trịnh phò Lê thì tình giao hảo
giữa nước của nhà Lê và nhà Tây Sơn ta càng thêm gắn bó, có gì mà ông phải ngại.
Từ ngày đánh tan quân Xiêm La do Nguyễn Phúc Ánh rước về đến nay đất Gia Định
đã bình yên. Tôi cũng muốn đem quân đánh lấy đất Thuận Hoá, nhưng Hoàng huynh
tôi ngại việc chiến chinh, nên chưa dám xin quân Bắc tiến. Nay nhờ có ông xin hộ,
Hoàng huynh tôi ắt sẽ bằng lòng đánh Trịnh.
Hữu
Chỉnh ngạc nhiên nói:
-
Tôi vừa thưa với tướng quân, tôi đã mấy lượt cầu xin mà nhà vua không thuận ý
kia mà.
Huệ
cười bảo:
-
Người xưa có câu: "Trăm nghe không bằng mắt thấy. Ông hãy đưa Hoàng huynh
tôi ra đất Thuận Hoá để người được tận mắt chứng kiến cảnh muôn dân Thuận Hoá bị
Phạm Ngô Cầu áp bức bóc lột. Hoàng huynh tôi là người đại đức, thấy việc nghĩa
dù nhảy vào lửa cũng chẳng từ nan. Nếu người được thấy tận mắt cảnh nhân dân
cùng khổ ắt sẽ lập tức xuất quân.
Chỉnh
ngẫm nghĩ rồi hỏi:
-
Nhưng làm cách nào mà đưa Bệ hạ ra Thuận Hoá cho được?
Huệ
mỉm cười nói:
-
Ông là người đa mưu túc trí của đất Bắc Hà lại nghĩ không ra cách, thì tôi làm
sao mà biết được.
Thấy
nét mặt Chỉnh lộ vẻ thất vọng, Huệ vỗ vai Chỉnh bảo:
-
Việc này cũng chưa vội gì, sớm muộn ông cũng nghĩ ra kế. Giờ hay theo tôi đến
trại quân xem tướng sĩ tập binh giải sầu.
Nói
rồi Huệ liền đưa Hữu Chỉnh đến các trại quân. Đến nơi thấy quân lính đang háo hức
luyện võ nghệ. Chỉnh đứng nhìn một hồi rồi nói:
-
Tôi từ nhỏ theo dõi cung kiếm, tuy không dám sánh cùng các tướng Tây Sơn nhưng
thập bát ban võ nghệ cũng từng học qua. Về quyền thuật thì Hổ Quyền, Long Quyền,
Hầu Quyền, Xa Quyền cũng khá tinh thông nhưng chưa từng trông thấy loại quyền
thuật nào là như bài quyền mà quân lính đang tập cả. Tướng quân có thể cho biết
bài quyền này xuất xứ ở đâu chăng?
Huệ
đáp:
-
Bài quyền này tên là Hùng Kê Quyền chưa từng có trong võ thuật cổ truyền. Nó do
em tôi là Tiết Chế Nguyễn Lữ nghiên cứu các thế võ của gà rừng chọi nhau mà
sáng tạo nên. Bởi vậy mới có tên là Hùng Kê Quyền đó!
Hữu
Chỉnh ngạc nhiên hỏi:
-
Tại sao không là gà chọi mà phải của gà rừng?
Huệ
mỉm cười đáp:
-
Ông không thấy sao. Người sử dụng bài quyền này chuyên dùng các ngón tay và
ngón chân điểm vào các yếu huyệt của đối phương. Trong khi ra đòn thân pháp lại
lanh lẹ bay nhảy như chim, nếu không phải của gà rừng thì làm gì có được sở trường
đó? Chính nhờ bài quyền thuật này mà từ lúc Tây Sơn tôi khởi binh đến nay mới biến
thua thành thắng, dùng ít địch nhiều đều nhờ công lao của Nguyễn Lữ cả đây.
Hữu
Chỉnh lấy làm lạ lại hỏi:
-
Vậy Tiết chế phải cất công lên tận rừng sâu xem gà rừng đá nhau ư? Vả lại giữa
rừng rộng mênh mông thì làm sao tìm thấy được một cặp gà trống đá nhau.
Nguyễn
Huệ cười lớn một hồi mà không đáp. Hữu Chỉnh ngạc nhiên hỏi:
-
Long Nhương tướng quân cười gì mà cười mãi thế?
Huệ
cố nín cười nói:
-
Tôi nghe người ta bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh huyện Chân Lộc phủ Nghệ An nổi danh là
văn võ song toàn, đa mưu túc trí, năm mươi sáu tuổi đã thi đỗ Hương Cống lại
không nghĩ ra cách để nhìn thấy gà rừng đá nhau sao?
Hữu
Chỉnh vẫn chưa hiểu ý, liền hỏi:
-
Tôi thật tình không nghĩ ra. Xin tướng quân chỉ bảo.
Huệ
mỉm cười đáp:
-
Ta chỉ cần đặt bẫy bắt nhiều gà rừng về nhốt trong nhà ắt chúng sẽ đá cho ta
xem chứ có gì là khó. Nếu không đến nơi xem được thì đem chúng về cho ta xem.
Có thế mà ông chẳng nghĩ ra.
Nghe
Huệ nói xong, Chỉnh lầm bầm một mình rằng:
-
Không đến nơi xem được thì đem về nhà! Không đến nơi xem được thì đem về nhà!
Rồi
quay sang Huệ, Chỉnh nói:
-
Cảm ơn tướng quân đã cho tôi xem một bài quyền bổ ích. Xin cáo biệt tướng quân.
Nói
rồi Hữu Chỉnh quay gót ra về. Tên hầu cần hỏi Nguyễn Huệ:
-
Theo tiện nhân được biết bài Hùng Kê Quyền này là Tiết chế xem thế đá của gà chọi
mà sáng tạo ra, sao tướng quân lại bảo với Nguyễn Hữu Chỉnh là của gà rừng?
Nguyễn
Huệ đáp:
-
Việc này ta há chẳng biết sao. Ta nói vậy là có dụng ý ngươi không hiểu được
đâu! Lát nữa về tư dinh ngươi hãy thử sắp những vật dụng cần thiết chuẩn bị
theo ta đem quân Bắc tiến.
***
Nói
về Nguyễn Hữu Chỉnh đến nhà rồi, Nguyễn Viết Tuyển hỏi:
-
Nguyễn Huệ có kế gì khuyên vua Thái Đức xuất quân chăng mà trông tướng quân vui
vẻ thế?
Chỉnh
đáp:
-
Lần này Nguyễn Huệ chẳng có kế gì hay cả. Nhưng nhờ Huệ đưa ta đi xem các trại
tập binh nên tình cờ ta nghĩ ra một kế có thể kích động lòng nhân của vua Thái
Đức khiến ông ấy phải đồng ý xuất quân.
Nguyễn
Viết Tuyển liền hỏi:
-
Xin hỏi tướng quân ấy là kế gì.
Chỉnh
đáp:
- Ấy
là khổ nhục kế!
Rồi
Chỉnh kề tai Tuyển nói nhỏ. Nghe xong Tuyển khen:
-
Nếu vua Thái Đức là người đức lớn như đế hiệu của ông ấy thì đây là kế hay vậy.
Tôi chịu ơn tướng quân cưu mang bấy lâu, nay tôi xin vì tướng quân chọn thêm
vài người tin cẩn thi hành kế này.
Nói
rồi Tuyển gọi mấy tên quân tâm phúc vào. Bọn Tuyển cởi trần quỳ giữa nhà, Hữu
Chỉnh tự tay cầm roi mây mà đánh. Người nào trên lưng cũng hằn vết roi cả.
Đánh xong Chỉnh đỡ đám thủ hạ dậy rồi quỳ xuống khóc nói:
-
Ta vì muốn về nước nên bất đắc dĩ mới phải dùng kế này. Nếu được về tung hoành
ngang dọc Bắc Hà chính là nhờ ơn của các ngươi vậy! Khi vào gặp Thái Đức các
ngươi nhớ nói rằng mình là dân Thuận Hoá, không được nhận là người nhà của ta.
Nếu việc bị lộ ra là mắc tội khi quân, ta và các ngươi không tránh khỏi mất đầu.
Nói
xong Chỉnh liền sửa soạn khăn áo dẫn theo bọn Tuyển vào chầu vua Thái Đức. Chỉnh
thưa:
-
Tâu Bệ hạ, có mấy người dân ở Thuận Hoá do Phạm Ngô Cầu sai quân cướp bóc đánh đập
nên mới đi đường biển trốn đến Quy Nhơn vào nhà hạ thần tá túc. Hạ thần không
dám tự tiện nên vội đến tâu cùng Bệ hạ được rõ.
Vua
Thái Đức hỏi:
-
Những người dân ấy hiện ở đâu.
Chỉnh
đáp:
-
Thưa, đang đứng đợi bên ngoài.
Vua
Thái Đức liền bảo quân:
-
Hãy mau gọi họ vào đây cho ta dạy việc.
Bọn
Nguyễn Viết Tuyển vào đến, vua ôn tồn hỏi:
-
Các ngươi là dân xứ nào. Vì sao phải lưu lạc đến đây?
Nguyễn
Viết Tuyển vờ khóc to rồi đáp:
-
Tâu Bệ hạ, thần dân là người ở Phú Xuân Thuận Hoá bị Phạm Ngô Cầu đặt sưu cao
thuế nặng không đủ tiền nộp thuế, nên bị quan quân nhà Trịnh đánh đập dã man chẳng
thể nào sống nổi. Nghe vua là người đức lớn nên liều mình bỏ trốn vào theo
nương nhờ ơn mưa móc.
Nói
xong bọn Tuyển cùng khóc rống lên rất là thảm thiết. Vua cảm động bước xuống
ngai tự tay đỡ bọn Tuyển đứng lên. Thấy quần áo bọn Tuyển rách tả tơi, vua
thương hại nói:
-
Năm xưa ta vì thương dân nghèo bị quan quân nhà Nguyễn bóc lột thấu khổ nên mới
khởi nghĩa đất Tây Sơn. Nay các ngươi bất luận ở đâu đó đói khổ mà bỏ quê quán
đến đây thì là con dân trong nước của ta.
Nói
rồi liền bảo quân mang quần áo mới vào cho bọn Tuyển thay. Bọn Tuyển vừa cởi áo
ra, nhìn thấy lưng người nào cũng hằn đầy vết roi ứa máu, vua liền chộp lấy
nghiên mực trên bàn quăng xuống đất vỡ tan. Nguyễn Hữu Chỉnh cùng bọn Tuyển thấy
đều thất kinh hồn vía. Vua giận dữ quát lớn:
-
Thằng giặc Phạm Ngô Cầu thật là tàn ác. Năm xưa nó vì ham quyền tước mà nghe lời
Trịnh Sâm giết chết Thái tử, nhờ vậy được Trịnh Sâm phong tước Tạo quận công, cất
nhắc làm đại tướng trấn thủ đất Thuận Hoá. Nay lại vì ham lợi mà hà hiếp bóc lột
đàn áp lương dân. Nếu ta không đem quân vượt Hải Vân quan bắt Phạm Ngô Cầu về
đây trị tội bán vua hại dân thì ta đâu phải là vua trời Thái Đức.
Nghe
vua nói xong, Nguyễn Hữu Chỉnh và bọn Tuyển đổi sợ làm vui, khắp khởi mừng
thăm. Vua lại bảo quân:
-
Hãy truyền lệnh ta, ngày mai bá quan văn võ lập tức thiết triều.
Hôm
sau thiết triều, đông đủ các quan văn võ, vua Thái Đức nói:
-
Nay tướng của họ Trịnh là Phạm Ngô Cầu trấn thủ đất Thuận Hoá tham lam tàn ác
hà khắc lương dân. Ta những muốn đem quân đuổi quân Trịnh ở khỏi sông Linh
Giang. Trước là cứu muôn dân Thuận Hoá, sau là lấy lại đất đai của nhà Nguyễn ở
Đàng Trong. Nhưng quân Trịnh ở thành Phú Xuân còn hai vạn tinh binh lại chiếm lấy
đèo Hải Vân hiểm trở các khanh ai có kế gì lấy đất Phú Xuân, Thuận Hoá mà ít phải
hy sinh binh sĩ hay chăng?
Nguyễn
Hữu Chỉnh bước ra thưa:
-
Đèo Hải Vân hiểm trở, ai chiếm đóng đèo này một có thể địch được trăm. Vậy ta
đánh bằng quân bộ e rằng bắt lợi. Theo hạ thần ta nên đem thuỷ binh vượt bể vào
cửa Tư Hiền (cửa Thuận An ngày nay) đánh lấy thành Phú Xuân. Thành Phú Xuân mất
ắt quân trấn thủ ở Hải Vân quan tấn thối lưỡng nan tất phải đầu hàng.
Chỉnh
vừa dứt lời, Nguyễn Huệ bước ra nói:
-
Mục đích của Hoàng huynh tôi là đánh như thế nào để chiếm được thành mà ít phải
tổn hao binh sĩ. Tuy rằng Phạm Ngô Cầu là kẻ bất tài nhu nhược nhưng phó tướng
Hoàng Đình Thế là một tay kiệt hiệt từng theo Hoàng Ngũ Phúc xông phá trăm trận
ắt thành Phú Xuân được phòng thủ kỹ lưỡng. Sách lược của ông Chỉnh chắc chắn là
thắng nhưng nhất định tổn thất không phải nhỏ.
Vua
Thái Đức hỏi:
-
Vậy theo em phải đánh thế nào?
Huệ
đáp:
-
Ngày trước quan Ngự sử Nguyễn Thung tiên sinh đi sứ ra Thăng Long xin Trịnh Sâm
cho Hoàng huynh làm đại chức Trấn thủ đất Quảng Nam. Nguyễn tiên sinh có biết
việc Phạm Ngô Cầu vì sợ hồn Thái tử Duy Vỹ theo báo oán nên Cầu mới bày kế cho
Nguyễn tiên sinh mách cùng Trịnh Sâm cho Cầu vào trấn đất Thuận Hoá, đồng thời
với Bùi Thế Đạt và Lê Quý Đôn lúc ấy đang trấn thủ Thuận Hoá về Thăng Long, hầu
hạ cạnh Trịnh Sâm để nhờ tướng quý của hai người này đuổi hồn ma Thái tử. Vậy nay ta cho một người ra Phú Xuân nói với Ngô Cầu như
vậy... như vậy... ắt Phạm Ngô Cầu sẽ làm theo mà lơ đễnh việc canh phòng. Sau
đó ta bất ngờ tiến đánh, tin chắc quân Trịnh ở Phú Xuân sẽ trở tay không kịp
thì tổn thất của ta chẳng đáng kể gì.
Vua
Thái Đức khen:
-
Hay lắm. Em thật là đa mưu túc trí. Sang sứ Phạm Ngô Cầu, ai có thể làm được việc
này.
Nguyễn
Thung bước ra thưa:
-
Ngày trước ra Thăng Long thần có biết rõ Phạm Ngô Cầu là người hay tin vào những
điều huyễn hoặc nhưng lại không nghĩ ra kế này. Long Nhương tướng quân quả
nhiên chước quỷ mưu thần. Việc sang sứ Phạm Ngô Cầu thần xin tiến cử một người.
Vua
Thái Đức hỏi:
-
Người ấy là ai?
Thung
đáp:
-
Người này tên là Triệu Đình Tiệp, rất giỏi tử vi tướng số, tinh thông dịch lý.
Nay ta nhờ người này sang gạt Phạm Ngô Cầu mới không sợ có điều sơ sảy. Triệu
Đình Tiệp cùng với thần là chỗ thâm giao, thần xin vì Bệ hạ đi vời Tiệp một
phen!
Vua
cả mừng bảo:
- Ấy
là trời đã giúp ta ra tay cứu bá tánh ở đất Thuận Hoá vậy. Phiền quan Ngự sử
hãy đi ngay cho.
Nói
xong vua truyền bãi triều.
Ra
ngoài Nguyễn Huệ nạt Nguyễn Hữu Chỉnh rằng:
-
Cống Chỉnh to gan khi quân phạm thượng. Ông dám bày khổ nhục kế gạt Hoàng huynh
ta xuất binh Bắc phạt mà không sợ mất đầu ư?
Chỉnh
thất kinh nói nhỏ với Huệ rằng:
-
Ai mách với tướng quân như thế. Những người ấy đều là dân ở Thuận Hoá bị Phạm
Ngô Cầu đàn áp trốn vào đây mà thôi.
Huệ
nghiêm mặt bảo:
-
Ông xem tôi là con nít hay sao. Để tôi vào thưa cùng Hoàng huynh đem những người
dân ấy ra tra hỏi xem hư thực thế nào?
Nói
xong Huệ quay lưng toan đi. Nguyễn Hữu Chỉnh thất kinh níu áo Huệ lại van xin:
-
Ôi! Nếu tướng quân đã biết tới thì không dám giấu. Chẳng qua vì tôi nóng lòng
báo thù cho chúa, trị tội bọn kiêu binh ở Bắc Hà, nên bất đắc dĩ mới dùng kế ấy.
Vả chăng tướng quân cũng đã bảo tôi tìm cách khuyên vua xuất quân Bắc tiến
sao, bây giờ lại toan hại tôi như thế?
Bấy giờ Huệ mới cười rằng:
-
Nào tôi cố ý hại ông. Chẳng qua tôi muốn biết ai bày kế hay cho ông nên mới nói
thế mà thôi.
Chỉnh
vô tình đáp:
-
Chẳng ai bày kế cho tôi cả. Bởi hôm ấy đi xem quân tập bài Hùng Kê Quyền, tướng
quân có nói câu: "Không lên rừng xem gà rừng đá nhau được thì bắt chúng về
nhà đá cho ta xem", nên tôi mới nghĩ ra được kế này.
Nguyễn
Huệ khen Hữu Chỉnh:
-
Ông không hổ danh là nhân tài đất Bắc vậy.
Nguyễn
Hữu Chỉnh cáo từ ra về. Nguyễn Huệ bấm bụng cười mỉm.
***
Nói
về đại tướng trấn thủ Thuận Hoá là Tạo quận công Phạm Ngô Cầu, ngày ấy ở tư
dinh trong thành Phú Xuân nghe quân hầu vào báo:
-
Thưa tướng quân, tiện nhân nghe quân đồn đại ở ngoài phố có một người coi tử vi
rất giỏi, thiên hạ rủ nhau đi xem rất đông. Sao tướng quân không xem một quẻ thử
hậu vận thế nào.
Ngô
Cầu vốn rất ưa thích việc bói toán, nghe tên hầu nói thế liền cải trang thành
thường dân đến gặp người thầy bói hỏi:
-
Nghe nói thầy xem tử vi đoán biết việc quá khứ vị lai. Vậy tử vi là thế nào?
Thầy
bói nhìn Ngô Cầu rồi đáp:
-
Xem tử vi là theo năm, tháng, ngày, giờ sinh mà an các sao vào mười hai cung là
Mệnh, Phụ, Phúc, Điền, Quân, Nô, Di, Ách, Tài, Tử, Thê, Huynh gọi là lá số. Rồi
theo lá số ấy mà đoán thì có thể biết vận mệnh, sinh tử, tiền tài, danh vọng,
nhà cửa, bạn bè, tai nạn, vợ con của người ấy trong suốt cuộc đời sẽ như thế
nào.
Ngô
Cầu hỏi:
-
Nhưng tôi không biết được ngày giờ sinh của mình thì làm thế nào?
Thầy
bói đáp:
-
Hễ thiếu một trong bọn yếu tố của ngày, giờ tháng, năm sinh thì không thể xem
được tử vi. Nhưng chẳng hề gì, tôi có thể xem tướng cho ngài cũng được.
Ngô
Cầu mừng rỡ hỏi:
-
Vậy thầy hãy xem thử tôi là người thế nào?
Người
thầy bói ngắm thấy diện mạo Phạm Ngô Cầu, mắt ốc bươu, mũi lõ, miệng rộng đến tận
mang tai, răng hô, tai to và nhăn như tai heo. Thầy bói nghĩ thầm rằng: Ta đang
định tìm cách vào dinh Phạm Ngô Cầu thi hành độc kế chẳng lẽ hắn lại tìm đến
đây? Nghĩ xong liền nói:
-
Tướng của ngài không là đại tướng thì cũng là công hầu!
Ngô
Cầu kinh ngạc bảo:
-
Lời đồn quả thật không sai. Ta là trấn thủ đất Thuận Hoá, chức đại tướng, tước
quận công. Thầy đoán hai điều đều đúng cả hai vậy.
Nói
xong liền mời thầy tướng vào dinh phủ. Đến nơi, Cầu hỏi:
-
Dám hỏi thầy dựa vào đâu mà đoán chính xác thế?
Thầy
tướng đáp:
-
Diện mạo tướng quân thì mắt lộ, mũi to, răng hô, miệng rộng, tai vênh ấy là tướng
ngũ lộ. Người có tướng này nhất định danh vọng thênh thang, phú quý tột bực. Việc
này là bí quyết của khoa toán số hoặc tử vi, nói đúng về hậu vận.
Cầu
liền hỏi:
-
Vậy thầy hãy đoán xem hậu vận của ta thế nào?
Thầy
tướng đáp:
-
Tướng quân đang có nạn. Nếu qua khỏi nạn này ắt là đường hoạn lộ không ai bì kịp!
Cầu
giật mình hỏi:
-
Thầy bảo ta có nạn, ấy là nạn gì?
Thầy
tướng đáp:
-
Nhãn quang của tướng quân bất định, thần sắc lại nhợt nhạt. Nếu tôi đoán không
lầm ắt là có âm hồn theo báo oán.
Phạm
Ngô Cầu kinh hãi hỏi ngay:
-
Lời thầy nói quả không sai. Ngày trước ta có giết lầm một người, nay chắc là
oan hồn người đó theo báo oán ta chăng? Vậy thầy có cách gì xua đuổi hồn oan ấy
được không?
-
Người này chết oan rất là thảm thiết nên trong lòng uất hận thành ra oan hồn rất
dữ. Nếu muốn đuổi đi được phải lựa nơi ngoài thành đất bằng rộng rãi đủ chỗ cho
một ngàn người đứng. Rồi đắp đàn cho cao triệu thầy pháp cao tay lên đàn cầu đảo.
Trong khi cầu đảo một ngàn quân phải đeo tang, hàng ngũ chỉnh tề đứng như pho
tượng không được cử động. Từ sáng đến chiều thì thay quân khác cho quân cũ ra ăn uống nghỉ ngơi cho đến sáng lại đến lượt mình. Sau bảy ngày bảy đêm như thế thì
chắc chắn đuổi được hồn oan giải nạn cho tướng quân.
Phạm
Ngô Cầu vẫn còn lo âu nói:
-
Ta sẽ làm ý theo lời chỉ dạy của thầy. May ra có thể đuổi được âm hồn theo báo
oán.
xem tiếp: * Chương 35: Mở đường Thượng đạo Trần Quang Diệu nổi danh. - Can tội giết vua Phạm Ngô Cầu bị chém.
xem tiếp: * Chương 35: Mở đường Thượng đạo Trần Quang Diệu nổi danh. - Can tội giết vua Phạm Ngô Cầu bị chém.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...