Đạo Phật là một Đạo giác ngộ, giải
thoát. Nhưng giác ngộ là giác ngộ cái gì? Giải thoát ai? Giác là biết nhưng biết
cái gì? Ngộ là nhận ra, nhưng nhận ra cái gì chứ? Giải là mở là gỡ ra, nhưng gỡ
cái gì? Thoát là vượt khỏi sự trói buộc, nhưng cái gì trói buộc và trói buộc
ai? Bốn chữ giác ngộ giải thoát chúng ta vẫn thường dùng nhưng bạn đọc có bao
giờ tự hỏi mình chưa?
Bạn muốn giác ngộ cái gì? Chắc bạn muốn
giác ngộ như Đức Phật Thích Ca khi xưa phải không? Nhưng Đức Phật khi xưa đã
giác ngộ cái gì?
Đức Phật biết và nhận ra đời là bể khổ.
Điều này chắc bạn đã biết và nhận ra rồi. Vậy bạn muốn giác ngộ cái gì hơn?
Đức Phật biết và nhận ra nguyên nhân đưa
đến khổ đau mà danh từ Phật Giáo gọi là Tập Đế. Điều này chắc bạn cũng đã biết
rồi, không nhiều thì ít. Nguyên nhân của đau khổ là tam độc tham sân si, hoặc
thập triền thập sử... Vậy bạn muốn giác ngộ cái gì hơn nữa?
Đức Phật biết và nhận ra Niết Bàn là trạng
thái an vui tịch tĩnh không còn bóng dáng của khổ đau. Điều này chắc bạn cũng
biết rồi, nhưng chắc bạn chưa chứng được Niết Bàn phải không? Vậy bạn phải làm
gì để chứng Niết Bàn?
Đức Phật biết và nhận ra con đường dẫn đến
Niết Bàn (Đạo Đế). Điều này chắc bạn cũng biết rồi, Đạo Đế gồm 37 phẩm trợ đạo:
Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát
Chánh Đạo. Vậy bạn đang đi trên con đường nào dẫn đến Niết Bàn?
Tóm lại, bốn điều trên (Tứ Diệu Đế) là
điều mà Phật đã giác ngộ, bạn cũng đã biết, vậy bạn muốn giác ngộ cái gì hơn nữa?
Tứ Diệu Đế là giáo lý căn bản của Đạo Phật
hầu như ai cũng biết. Vậy chúng ta giác ngộ rồi phải không? Chắc bạn sẽ trả lời
là không. Vậy bạn còn thiếu cái gì nữa mà chưa giác ngộ?
Tất cả những gì Phật biết, ngài đã dạy lại
cho chúng ta trong kinh điển rồi, ngài đâu có dấu diếm điều gì. Vậy chúng ta chỉ
việc y theo kinh điển mà tu hành thì chắc sẽ thành Phật. Nhưng khổ nỗi, tham cứu
kinh điển đâu phải chuyện dễ. Nào kinh Tiểu Thừa, kinh Đại Thừa, Hiển Giáo, Mật
Giáo, Tiệm Giáo, Đốn Giáo, v.v...
Trong các kinh Đại Thừa lại có các kinh
được xem là vua trong các kinh. Nếu chỉ có một vua thôi thì còn đỡ, đàng này có
đến mấy ông vua, làm sao biết vua nào là vua lớn nhất?
Thói thường ai mà chả thích làm quen với
vua, vì quen vua thì được hưởng nhiều đặc ân. Bởi vậy đa số đi tìm những kinh lớn,
vua trong các kinh như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Kim Cang, v.v... để trì để tụng.
Nhưng tụng nhiều để được phước hay để giác ngộ? Mà giác ngộ cái gì? Được phước
cho ai chứ? Cho cái Ta điên đảo, ích kỷ chăng? Hay cho chúng sinh? Mà ta có biết
chúng sinh là ai không, hay là chỉ biết đến cái Ta, cái của Ta, con Ta, vợ Ta,
nhà Ta, chùa Ta, Phật tử của Ta?
Tuy vậy chưa đến nỗi tệ lắm vì còn có một
số khác trí huệ thông minh hơn, biết đi nghe giảng kinh, sưu tầm băng kinh của
Hoà Thượng này, Thượng Tọa nọ, cho là mình hiểu kinh lớn rồi nhìn người khác bằng
nửa con mắt. Kinh Phật chỉ là phương tiện, không phải là chân lý, chỉ là ngón
tay chỉ mặt trăng chứ không phải mặt trăng. Vậy mà đa số đều cho là mình hiểu
kinh Phật hơn kẻ khác rồi sinh ra ngã mạn khinh người. Học Kinh, tụng Kinh như
vậy có đưa đến giác ngộ giải thoát không hay chỉ tạo thêm vô minh phiền não?
Giác ngộ cái gì? Đối tượng của giác ngộ
hoàn toàn tùy thuộc trình độ, căn cơ và sở thích của bạn.
Còn bạn muốn giác ngộ cái gì? Giác ngộ bổn
lai diện mục của mình chăng? Giác ngộ ông chủ hay Phật tánh? Vì bạn tu thiền!
Hay bạn muốn giác ngộ tự tánh Di Đà, duy
tâm Tịnh Độ vì bạn tu theo Tịnh Độ? Hay giác ngộ tức thân thành Phật theo Mật
Tông?
Nhưng nếu bạn không tu Thiền, Mật hay Tịnh
Độ thì bạn muốn giác ngộ cái gì? Giáo lý của Phật bao la đâu phải chỉ hạn hẹp
chung quanh mấy danh từ Phật tánh, bổn lai diện mục, Thiền, Tịnh hay Mật. Giác
ngộ cũng vậy hay nói đúng hơn là đối tượng của giác ngộ cũng bao la, đâu cứ phải
vào chùa hoặc đi tu mới có giác ngộ! Giác ngộ có thể tìm được trong kinh này
kinh nọ không? Hay cần được tìm thấy ngay trong đời sống hàng ngày?
Bạn có thấy nhiều người đi chùa hằng bao
nhiêu năm, trì kinh không biết bao nhiêu bộ mà cách đối xử còn tệ bạc hơn những
người không biết Đạo Phật không?
Nếu đi tìm giác ngộ thì hãy xác định lại
đối tượng giác ngộ của mình. Giác ngộ cái gì? Cái đó có giúp ta sống an vui hạnh
phúc với người xung quanh không?
Bây giờ nói đến giải thoát. Ví dụ ta bị
ai bắt, trói chân trói tay, nhốt vào một căn nhà. Sau đó ta tìm cách cởi được
giây trói chạy thoát khỏi căn nhà. Khi chạy ra khỏi thì gọi là giải thoát.
Nhưng ai bắt ta? Ai trói ta? Trói ta bằng gì? Nhốt ta ở đâu?
Ở đây chỉ nói sơ lược là không ai có thể
làm khổ ta ngoài chính ta. Xưa kia Đức Phật cũng bị ngoại đạo tìm đủ mọi cách
hãm hại, mắng chửi nhưng ngài đâu có khổ mà ngược lại vẫn an nhiên tự tại. Trời
mưa, trời nắng, người khen, kẻ chê, tất cả những cái đó chỉ là ngoại cảnh. Nếu
không làm chủ được tâm, để vọng niệm khởi lên dính mắc làm ta đau khổ, đó là lỗi
tại ta, đâu phải tại người.
Đến chùa nghe người ta dèm pha nói xấu
mình, tại sao mình lại khóc? Bài học giải thoát ở đâu? Người kia thiếu hiểu biết
đã tự đầu độc tâm mình bằng tư tưởng xấu, tự làm nhơ miệng với lời nói xấu. Đâu
có ăn nhằm gì đến mình, tại sao mình khóc? Phải chăng cái Ta (ngã) của mình bị
chạm tự ái? Bạn hãy đi tìm cái Ta của mình đi....
Trí Siêu
(Còn tiếp....)