HAI BÀ HÀNG XÓM

Có hai thiếu phụ ở cạnh nhà nhau. Một người làm nghề thợ dệt, một người buôn bán lụa là gấm vóc.

Một hôm, có cụ hành khất đến nhà người bán lụa xin cơm. Vốn keo kiệt, người chủ nhà liền đuổi ông lão ra khỏi nhà kèm theo những lời quát mắng phũ phàng. Người hành khất liền mò sang nhà bên cạnh, chị thợ dệt tuy nghèo nhưng đón chào vị khách không mời này bằng một nụ cười và nửa phần ăn trưa của mình. Ăn uống xong, ông lão cáo từ ra đi với một lời chúc tốt lành gửi lại:

“Việc gì làm lúc sớm mai
Sẽ phải làm đến hết ngày mới xong.”

Sáng hôm sau, chị thợ dệt thức dậy thật sớm để tiếp tục công việc thường ngày. Khi kéo tấm vải ra khỏi khung cửi để đo và xếp, chị ngạc nhiên khi thấy xấp vải kéo dài dường như bất tận. Mãi đến lúc hoàng hôn, căn nhà đã chất đầy những cây vải mới, sự kỳ diệu của lời chúc lành mới chấm dứt.

Câu chuyện được truyền đi rất nhanh. Chị hàng xóm bán lụa là người nhận được trước tiên. Chị không ngớt than van, hối tiếc về việc đã để thoát khỏi nhà mình một con người kỳ lạ có thể đem đến cho gia chủ một nguồn lợi to lớn như thế.

Từ hôm đó, chị ngong ngóng chờ đợi người hành khất tái hiện.

Ngày ấy rồi cũng đến. Lần này, ông cụ được tiếp đón niềm nở và trịnh trọng như một vị tiểu vương. Sau bữa tiệc linh đình, người hành khất cáo từ và cũng gởi lại cho gia đình chủ lời nguyện hôm xưa:

“Việc gì làm lúc sớm mai
Sẽ phải làm đến hết ngày mới xong.”

Ðêm hôm ấy, chị bán lụa cứ trằn trọc mãi để tính toán xem phải làm việc trước tiên vào sớm mai cho khỏi “phí của trời” và tiếc nuối về sau. Mãi đến lúc gà gáy sáng, chị mới thiu thiu ngủ sau khi mang một túi vàng để sẵn dưới gối, định bụng sẽ đem ra đếm ngay lúc thức giấc.
Chị bán lụa giật mình thức giấc khi mặt trời đã lên cao, rọi những tia sáng huy hoàng vào khuê phòng của chị. Sật sừ ngồi dậy, chị quên tuốt hết mọi dự định. Thấy ngứa ngái ở vành tai, chị bán lụa đưa tay sờ và tóm được một chú rệp no tròn, vứt xuống nền gạch. Thế là suốt ngày hôm ấy, chị ta cứ phải đưa tay lên xuống như một con thoi… Và, cho đến chiều tối, chị mới kinh hoàng chạy ra khỏi ngôi ngà đầy nhung nhúc những rệp.
Truyện cổ Thụy Sĩ

**  *  **  **

Có người hỏi một tu sĩ: 

- Trời sanh con người ra, sanh tánh nào trước?

Tu sĩ đáp: 

- Tánh tham.

- Sao biết? 

- Đứa bé vừa lọt lòng mẹ liền đòi bú. Cho bú đã vừa rồi, bà mẹ rút vú ra, đứa bé liền khóc vì còn tham bú nữa.

Người kia vỗ tay cười: 

- Như thế lời của thầy Mạnh Kha : " Nhân chi sơ tánh bổn thiện" sai rồi sao?

Tu sĩ ôn tồn đáp: 

- Phải nói "Nhân chi so tánh bổn tham" thì đúng hơn. 

Lời tu sĩ mới nghe thì có vẻ khôi hài, nhưng xét kỹ lại thì là chơn lý. Vì lòng tham của đứa bé cứ theo ngày tháng mà lớn dần.

Tục ngữ có câu: "Hễ tham thì thâm, bụt đã bảo thầm, bảo đừng có tham".
sưu tầm