HAI ANH EM

Có hai anh em nông phu nọ tính rất chăm chỉ siêng năng.

Người anh đã lập gia đình, sống với vợ và con. Riêng người em vẫn độc thân. Khi cha mẹ họ qua đời, đã đem nhà cửa điền sản chia đều cho hai anh em. Họ trồng lúa thơm và quả ngọt. mùa thu hoạch trúng lớn, nông sản được hai anh em chia đều và ai nấy chở về cất vào kho lẫm của mình.

Khi đêm về, người em nằm thao thức, nghĩ thầm: “Ta còn độc thân, sống sao cũng được. Riêng anh Hai ta vợ con đùm đề, tất nhiên cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Ta nên sớt một nửa nông sản mới thu hoạch được đem biếu cho anh hai mới là hợp lẽ……”

Càng nghĩ càng khó dỗ giấc, nằm lăn lộn mãi, người em sợ anh sẽ từ chối không chịu nhận phần mình nhường, nên ngay trong đêm, người em lén chở đồ tới bỏ vào kho của anh.

Người anh cư ngụ ở vùng bên cạnh cũng không sao chợp mắt. Do cứ mãi nghĩ: “Ta có vợ con, bề gì cũng xoay sở được. Còn chú Ba nó có một mình, sống bần hàn cô đơn. Ta là anh thì phải biết lo cho em mình chứ, phải lấy một nửa nông sản trong kho ra chia cho chú Ba mới được……”

Ngẫm nghĩ, lại sợ em từ chối không chịu nhận, thế là nhân lúc trời chưa sáng người anh đã “ba cái chân bốn cái cẳng” mang đồ qua lén bỏ vào kho của em.
Sáng hôm sau, khi họ đến thăm
 kho thì thấy kho mình chẳng vơi đi chút nào, họ nghĩ: “Chắc mình nằm mơ nên tưởng đã làm….” Thế là tối hôm sau họ lại tiếp tục cái cách lén lút biếu trộm như đêm trước.
Ngày thứ hai, rồi thứ ba trôi qua…. lần nào cũng như lần nào, cứ sáng ra kiểm kho cũng thấy tràn đầy như thế. Thắc mắc, ngỡ ngàng rồi kết luận: “chắc là mình làm trong mơ”

Thế rồi, vào một đêm thứ năm, khi hai anh em cùng lo mang đồ cho nhau sớm hơn thường lệ thì họ chạm trán nhau giữa đường. Họ hiểu ra, họ ôm chằm lấy nhau, họ khóc ròng...

Từ đó hai anh em không phân chia, tách rời gì nữa, họ sống chung với nhau trên mảnh đất cha mẹ để lại…

**   *  **  **

Những năm gần đây, chuyện anh em – dòng họ tranh giành gia sản cứ đăng tải trên các trang đầu của nhật báo, khiến người đọc người xem không khỏi chạnh lòng. Thi thoảng vẫn có tin: Anh em rượt đuổi chém giết nhau cũng chỉ vì con gà, mảnh đất hương hỏa…Có những cuộc tranh giành đỏ lửa, khốc liệt, náo động phố phường, ẩu đả kinh động xóm trên xóm dưới.

Cha mẹ vừa tắt thở, hơi nóng chưa tan, vậy mà giấy tờ sổ sách tài sản kê biên, mò mẫm, rờ mó, tiền vàng, của cải cất dấu túi trên túi dưới, kẹt giường kẹt tủ, rồi cãi vã lung tung, rồi coi ngày giờ tốt xấu, sợ trùng tang, sợ phạm giờ phạm tháng làm ăn thất bại, sợ cha mẹ không siêu thoát về quấy rầy con cháu nên phải ếm, phải trấn, sợ nhiều lắm, sợ hơn 1001 cái sợ……..

Hình như sự bùng nổ kinh tế thị trường đã đánh thức lòng tham vốn bị thuần phục bởi đạo đức suốt mấy nghìn năm qua để giữ gìn phẩm chất cao đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.

Khi bị cảm xúc thỏa mãn khống chế người ta cứ nhắm mắt lao vào tranh giành quyền lợi, không còn quan trọng đến những giá trị mà tổ tiên ta đã từng cố gắng tạo dựng và giữ gìn. Bây giờ phần lớn người ta sống trong tình trạng bất an, bất an không phải vì thiếu ăn thiếu mặc mà vì muốn có đủ thứ tiện nghi như kẻ khác, làm như thể nếu không giàu có thì không thể sống hay hạnh phúc được sao đó.

Vì lẽ đó cho nên hễ cái nào có thể đem tới quyền lợi trước mắt thì người ta chụp, người ta vồ bắt lấy ngay, bất chấp đó là phương tiện gì. Đến khi gặp phải những tai nạn rủi ro thì người ta lại than trời trách đất sao chẳng công bằng.

Mà ngộ thiệt nghe! Nguyên nhân chính là do mình lại không hề biết rằng, chính lối sống hưởng thụ ích kỷ và thiếu trách nhiệm đã khiến cho cuộc đời chính mình âu sầu thê thảm, xã hội loạn ly. Dân tộc Việt theo thống kê dân số thì có 54 dân tộc (phải 54 không ta, mang máng) anh em mang những họ tộc khác nhau, nhưng gộp lại ta thấy vẫn mang chung cùng một họ: “Họ Đỗ” kèm chữ lót là “thừa”.

Anh em, vợ chồng khắc khẩu - bất hòa, làm ăn thất bại… cứ đổ lên đầu cha mẹ, ông bà ăn ở bất nhân, chết chẳng lựa ngày ngày, chọn tháng. Đổ lên đầu “ông công bà táo” bị sai hướng lệch phương, đổ lên cái cửa ra vào không hợp “Lỗ bang”, đổ lên “gò má” hơi thừa bị thiếu, đổ xuống huyệt mộ không hợp “long mạch – phong thủy”.. Cho nên mấy thầy “địa”, thầy “bói”, thầy “cúng”…… không bao giờ thất nghiệp và thời đại nào cũng cần.

Giờ ngồi đọc lại chuyện xưa, mới thấy hai anh em thời cổ đại, mặc dù họ là tầng lớp chân lấm tay bùn, nhưng nghĩa cử cư xử ngày nay khó mà tìm thấy nơi xã hội hiện đại. “Khó tìm” thôi! Vì tìm vẫn có. Các phương tiện truyền thông, báo chí bận quảng bá, quảng cáo mấy cái mỹ phẩm, hóa chất, phim ảnh, trò chơi điện tử….. nên “hai anh em họ” cứ lặng lẽ âm thầm góc khuất nào đó khó người trông, có trời cao mới thấy.

Thôi kệ đi! “Ăn ở có đức mặc sức mà ăn” mà, cần gì ai biết…