Cạnh nhà tôi có một đám tang. Người quá
cố là một bà cụ gần 80 tuổi. Nghe nói cụ ông mất đã ba mươi năm, con thì đông
nhưng hiếm khi thấy chúng về thăm hỏi mẹ mình, đổi lại sự chăm sóc trách nhiệm
làm con chung ấy là thuê một người giúp việc ở chung với cụ lo chuyện cơm nước,
ốm đau.
Có lần cụ ốm nặng, người giúp việc chạy
đôn chạy đáo nhắn tin, gọi điện lên Sài Gòn, rồi chỉ thấy mỗi thằng con út lái
xe bốn bánh về thăm với lủ khủ bánh mứt, trái cây, sữa ngoại nhập. Nó nói mấy
người kia bận chuyện kinh doanh nên không về, chỉ gởi về khá nhiều tiền, quà
cho mẹ với lời nhắn “…Mẹ thông cảm, chúng con bận quá, mẹ có thèm gì thì ăn nấy,
đừng tiếc tiền…”. Cụ buồn lắm! Gần đất xa trời như cụ thì có ham muốn ăn uống
gì nữa đâu, cụ chỉ mong gặp mặt con cháu nhiều hơn giữa không gian luôn quạnh
quẽ đến nao lòng.
Nhiều lúc rảnh rỗi, cụ chống gậy sang
nhà tôi tâm sự, cụ sợ nhất là lúc đêm về, nỗi cô đơn trống vắng tình thương gia
đình làm cụ không sao ngủ được. Vậy là thức trắng để nhớ chồng, nhớ con, nhớ
cháu, nhớ cái thuở hàn vi nhưng hạnh phúc làm sao, bởi mỗi ngày bên mâm cơm đạm
bạc luôn có đủ mặt các thành viên trong gia đình.
Giờ đây tám đứa con đều thành đạt, nên
người nhờ sự tảo tần, gian khổ của đôi vợ chồng quê chơn chất một chữ bẻ đôi
không biết nhưng luôn chăm sóc, lo toan, chở che nâng niu lũ con mình. Lạy trời.
Đứa nào cũng học giỏi, đứa là bác sĩ, đứa kỹ sư… có đủ cả. Vậy mà giờ đây cụ cô
đơn trong căn nhà ba tầng sang trọng to nhất khu phố này. Nhà cao và rộng,
chúng nó xây để về ngủ khi đến lệ giỗ ba chúng, mỗi năm cụ chỉ có được một ngày
hạnh phúc vì gặp đầy đủ các con cháu, hôm sau thì vắng tanh, chỉ còn cụ và người
giúp việc. Đến Tết chúng cũng ít khi có mặt đầy đủ vì phải đi ngoại giao chúc Tết,
tiếp khách lu bù. Đêm giao thừa nào cụ cũng khóc và thức đến sáng.
Đám tang cụ khá linh đình, nhạc tây, nhạc
ta inh ỏi nối tiếp nhau sau các đợt tụng kinh siêu thoát. Xe du lịch của bạn bè
lũ con đậu kín con đường to rộng. Đám tang làm heo, bò, gà vịt liên tục. Bàn nhậu
này kéo theo bàn nhậu khác rôm rả. Chúng nó mướn cả đoàn ca nhạc và làm xiếc đến
phục vụ suốt đêm. Nghe đâu cái quan tài để cụ nằm trị giá gần trăm triệu đồng.
Chúng còn mua đất trong nghĩa trang tư nhân cao cấp để cụ an nghỉ.
Tuyệt nhiên không thấy một giọt nước mắt
nào tại đám tang. Có lẽ lũ con đã mãn nguyện với sự hiếu thảo của mình, hay có
lẽ các con đã thấy lòng nhẹ nhõm vì từ nay không sợ người đời cho là bất hiếu nữa,
từ nay khỏi phải điện thoại thăm nom, hay phải phóng xe hàng trăm cây số về
thăm mẹ khi trái gió trở trời.
Còn tôi cứ thấy ngậm ngùi cho cụ, một
người mẹ cả đời chỉ biết hy sinh và ra đi trong sự cô đơn, đau xót vô chừng.
Phan Anh Thư (GNO)