
Ơ! Nhưng nghĩ cũng lạ,
nếu rất thương yêu thì đáng lý phải đem lại bình an và hạnh phúc cho nhau cơ chứ,
ấy thế sao lại làm cho nhau khổ sở vì những cơn ghen thế nhỉ? Phải chăng sự thật
là ta đang yêu chính ta? Phải chăng chúng ta đang thương cho cái cảm xúc bị tổn
thương và bị bỏ rơi, bị mất giá trị trong mắt người kia?
Lắm khi, chúng ta lại thấy có nhiều người
đối xử rất tệ bạc với người mình yêu, nhưng lại quyết giữ đối tượng ấy tới
cùng, hành hạ tới cùng, vì sao thế nhỉ? "Đắng lòng"
Thật ra, trong tâm ai cũng có chứa hạt mầm
ích kỷ và khi bước vào đời sống hôn nhân phải có những cam kết ràng buộc chắc
chắn. Tuy nhiên, bản chất của yêu thương phải luôn là sự tự nguyện. Một thời
gian, khi người này leo rào mà họ lại thở phào nhẹ nhõm thì chứng tỏ tình cảm
mà họ dành cho ta bấy lâu đang rất miễn cưỡng, đôi khi đó là vì bổn phận hay
trách nhiệm cũng nên. Ta cần tỉnh táo để nhận định lại điều này.
Trong cuộc sống hôn nhân, đôi lúc một
chút ghen hờn tinh tế có thể làm cho người kia thức tỉnh và vui sướng, vì họ thấy
mình vẫn còn được thương yêu. Nhưng nếu chúng ta để nó trở thành một cơn sốt
nhiệt cao độ thì trước hết bản thân ta mất nước, khô họng, đầu nặng và đồng thời
sẽ khiến người kia rất mệt mỏi, thất vọng và chán nản. Họ nhận ra cái không
gian bé xíu mà ta đã quy định cho họ, và họ càng sợ hãi tìm cách né tránh ta
hơn.
Hãy bình tâm nhìn lại đời sống của người
kia và chính ta. Có khi họ rất thương ta và rất quý trọng mái ấm gia đình.
Nhưng một khi năng lượng trong họ suy sụp mà ta không ngừng đòi hỏi hay rút tỉa,
còn đối tượng bên ngoài cứ luôn sẵn sàng hiến tặng để bù đắp, thì sự phản bội sẽ
rất dễ xảy ra. Họ cũng chính là nạn nhân của cảm xúc yếu đuối và lòng tham trong
chính họ. Nếu ta thật lòng thương yêu thì hãy cố gắng tìm cách đưa họ trở về
con người dễ thương năm xưa. Khóc lóc, trừng phạt chỉ khiến họ nghĩ ta đang củng
cố cái "nhà tù: cho họ. Khả năng quay trở về sẽ không khó, nếu họ nhận thấy
con đường ta mở ra cho họ thật sự dễ thở và ấm áp.
Thật ra, ta cũng là nạn nhân đáng thương
của cảm xúc chính mình nên ta cũng cần được giúp đỡ. Nhưng ta nhớ đừng cố tránh
né sự thật: "Tôi mà ghen à? Anh?Em tưởng anh/em là ai mà tôi phải ghen chứ!".
Nếu họ có thiện chí quay về giúp đỡ, hãy xin họ nói cho ta biết là ta nên làm
gì hay không nên làm gì để đáng yêu hơn. Nhớ đừng dùng tới cách "khổ nhục"
hoặc "vì gia đình,vì con cái" để khiến họ động lòng trắc ẩn hay cắn rứt
lương tâm. Giải pháp đó tuy hữu hiệu nhất thời, nhưng nó thể hiện sự thấp kém của
ta và làm cho họ khinh thường khi nhận ra sự thật.
Nhớ! Nếu ta là người đang học hạnh bao
dung thì đừng bao giờ dùng tới cách hờn gió ghen bóng để ra sức trói buộc. Cách
ấy chỉ làm tổn hại niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau, nên càng cố yêu thương ta
lại càng đuối sức. Có khi ta muốn nắm tất cả nhưng chẳng nắm được gì.
Theo tình thì tình trốn,
Trốn tình thì tình đeo,
Tình như chiếc lá úa,
Có cơn gió chiều nay,
Thổi qua khung trời mộng,
Lá rời cành tung bay....