Đó là câu phương ngôn có tính nhân quả của
người Trung Quốc mà chẳng mấy ai trong chúng ta không biết. Tại sao? Tại vì đó
là qui luật sống. Từ bà bán rau ngoài chợ hay ông đạp xích lô bên đường, người
có học hay người ít học thi thoảng nhìn cảnh đời éo le người ta vẫn buột miệng
"ác giả ác báo".
Phương ngôn trên có nghĩa gì? Tức là:
khi mình làm điều ác cho ai, kể cả bằng hành động hoặc lời nói xấu, lời nguyền
rủa một cách vô cớ, thì mình sẽ nhận lại những điều tương tự. Trái lại nếu mình
làm những điều tốt đẹp cho người khác, lành tâm, lành ý, lành cử chỉ, lời nói
và hành động, thì mình cũng nhận được những điều tốt lành vọng lại.
Nói nhân - quả thì có vẻ sâu xa, kỳ thực
để dễ hiểu, cuộc đời thường hiện ra luật phản xạ. Chẳng hạn nếu ta đấm một quả
vào tường, tường sẽ dội lại một lực chừng ấy làm đau tay ta. Đứng trước bức tường
nếu ta cất tiếng hát du dương, thì bức tường sẽ vọng lại lời hát đó; còn nếu ta
cất lời chửi rủa, tục tĩu, cáu gắt thì bức tường cũng sẽ phản xạ lại những âm
thanh xấu xí quái dị đó.
Người phương Tây có một câu rất hay và dễ
hiểu về tình yêu: "Bàn tay tặng đoá hồng thì nó thơm trước". Đấy nếu
ta dâng đóa hồng tặng cho người thì tay ta đã thơm rồi, chưa kể ta sẽ được đền
trả bằng một đoá hồng khác. Nhưng nếu ta tặng gai cho người, giống câu phương
ngôn "kẻ nào gieo gió sẽ gặt bão", đến lúc ta sẽ nhận lại cả búi gai.
Người phương Tây còn nói một câu theo
tinh thần của Kinh Thánh :"Kẻ nào đào hố bẫy ai thì kẻ đó sẽ rơi xuống hố".
Để lý giải phương ngôn này văn hào Leo Tolstoi đã viết một câu chuyện: Vào một
ngày tuyết rơi, những đứa trẻ hân hoan chạy ra ngoài vui đùa cùng nhau. Nhưng
có một cậu bé thì lại có suy nghĩ quái ác, trong khi các bạn đang chơi nó liền
đào một cái hố trong tuyết, rồi phủ hờ lên miệng hố một lớp tuyết mỏng để ngụy
trang. Thế rồi nó ùa chạy lại chơi với các bạn, thâm tâm nghĩ rằng chỉ lúc nữa
sẽ có đứa rơi xuống hố. Rồi mải vui chơi, đùa nghịch nó đã sa vào cái hố do
chính nó đào… Đau điếng! Khổ thân! Nhưng chẳng biết trách ai cả. Chỉ còn biết tự
trách mình thôi.
Đào cái hố để bẫy người, đó là câu chuyện
biểu tượng thôi. Còn trong cuộc sống có vô vàn kiểu đào hố tai ách khác. Hồi
tôi còn học cấp ba, cả khoá học có một cô nàng xinh đẹp trắng trẻo, chàng trai
nào cũng mê, lúc nào cũng nghĩ cách làm sao sán về phía nàng dù chỉ một cơ hội
rất nhỏ. Rồi các chàng chạy đua, cạnh tranh như những vận động viên của tình
yêu, xem ai là người được chấm điểm nhiều nhất. Các chàng thích khoe mình,
nhưng than ôi cái tuổi học sinh đó đã có gì đâu để khoe! Các chàng cũng còn biết
nói xấu nhau để hạ điểm của đối phương xuống. Một bữa, cô gái cho anh chàng kia
vay một đồng, khi anh chàng trả lại còn lịch sự cho một đồng vào trong phong
bì, và rồi anh ta nhờ một người bạn trai học cùng lớp với nàng, đưa trả hộ.
Chàng đưa hộ liền chơi khăm, anh ta bỏ thêm vào chiếc phong bì đó đồng năm xu.
Cô nàng nhận được phong bì trả nợ, mặt tím lại, cho rằng anh chàng trả nợ kia
đã chơi xỏ, bôi xấu nàng như thể nàng là người cho vay lãi nặng. Thế là cô cạch
mặt anh chàng.
Nhưng như người đời bảo: "Cái kim ở
lâu trong bọc cũng bị tòi ra". Chàng chơi khăm kia lại quen mui giở cái
trò "bỏ năm xu" vào phong bì để loại bỏ mọi đối thủ cạnh tranh, có
ngày bị lộ tẩy. Trời ơi, trong mắt của mọi người, đặc biệt là của người đẹp,
chàng bị rơi xuống vực thẳng đứng, mặt mày nhăn nhó, cổ và vai rúm ró xo ro
trông thật thảm hại, thể diện bị phá tan như một manh áo rách chẳng còn miếng
nào lành.
Trong các kiểu "đào hố" còn vô
vàn cách "ăn không nói có", "gắp lửa bỏ tay người",
"chỉ điểm", thậm chí điêu ngoa và ác ý đến độ, người đời còn dùng cụm
từ "ngậm máu phun người"… Đang yên đang lành cứ thì thụt chuyện to
chuyện nhỏ nói về người khác, "đâm bị thóc chọc bị gạo", thế là hàng
xóm, cơ quan, bạn bè xung quanh bỗng nhiên đổ ngờ cho nhau, mũi tên đã bắn ra
thì nó cứ lao đi, người đã nói dối một thì phải nói dối mười, nói dối để làm
sao che chỗ này, chắn chỗ kia, để mà không sơ hở… Nhưng than ôi, càng làm thế sự
việc càng bung bét vỡ lở ra. Người Việt có câu:
Đường đi hay tối
Nói dối hay cùng
Nghĩa là nếu cứ nhắm vào những chỗ tối
tăm mãi, giống nói dối vậy, thể nào cũng vấp ngã hoặc rơi vào đường cùng. Chỉ cần
mấy người bị đổ điêu ngồi lại, ba mặt một lời với nhau, thì kẻ đổ điêu kia liền
bị lật tẩy.
Sống ở đời, người ta đều muốn hơn người.
Âu cũng là một bản năng tự nhiên dễ thông cảm. Nhưng muốn hơn người thì phải chạy
đua, phải cạnh tranh, giống các cầu thủ điền kinh ấy: Chạy đua, ai đến trước
thì nhận phần thưởng, ai đến sau thì thua cuộc.
Đó là cạnh tranh lành mạnh, như trong học
tập, hay kinh doanh, hoặc chạy đua bầu cử. Tranh tài - tranh sức, thậm chí
tranh sắc là của những người có khả năng nhất định. Đằng này những kẻ yếu hèn lại
thường không dám cạnh tranh lành mạnh, cứ giở trò ném đá dấu tay, giống như anh
chàng kia bỏ thêm năm xu vào phong bì để cho người ta ghét nhau. Đấy cũng mới
chỉ là cái xấu của tuổi học trò, thử nhìn, có nhiều kẻ tâm địa xấu xa bỏ thêm
nhiều thứ khác bẩn thỉu, xấu xa, thậm chí cả thuốc độc vào đó thì tác hại sẽ lớn
thế nào?
Đức Phật có nói: "Sự ngu dốt lớn nhất
trên đời là dối trá". Hay người Việt bảo: "Ăn ngay nói thật mọi tật mọi
lành". Nhiều kẻ nói dối, lại cứ nghĩ rằng đó là cách sống khôn ngoan, nói
dối chẳng khác gì bột nở luôn làm cuộc đời mình phồng lên như một chiếc bánh
bao… nhưng than ôi, thức ăn nở quá sao mà no bụng, thuốc rổm sao mà chữa bệnh,
kết cục sẽ mắc phải những bất hạnh khôn lường.
"Đi đêm lắm có ngày gặp ma",
người Việt đã nói vậy. Và cũng còn nói rằng :
Thức lâu mới biết đêm dài
Ở lâu mới biết con người có nhân.
Ta ăn ở tốt lành, yêu thương người khác
sẽ được mọi người yêu thương lại. Còn ta dối trá, đểu giả thì đừng có nghĩ bằng
miệng lưỡi gian xảo sẽ trí trá lấp liếm được. Chẳng chóng thì chầy sẽ bị phát
hiện mà thôi. Lúc đó sẽ thấy quả là mọi dối trá không thể bằng: "khôn
ngoan chẳng lọ thật thà".
Vậy thì hãy đem tặng hoa hồng cho người
để tay ta ngát hương thơm tốt lành.
Nguyễn
Hoàng Đức