Tất cả chúng ta ai cũng như ai, khi sáng
sớm thức dậy, nhớ đây là sáng, nghĩ đến chiều thấy như nó xa. Nhưng rồi lụi đụi
qua một vài công tác là đến trưa. Sau bữa cơm trưa loanh quanh đến chiều, rồi tối.
Như vậy nhìn sáng đến chiều dường như là xa, cái xa đó rồi cũng đến, đến rồi
qua.
Sáng hôm sau tìm lại ngày hôm qua đã mất.
Mùng một chúng ta thấy cuối tháng dường như xa, nhưng rồi loanh quanh tới rằm rồi
tới ba mươi. Như vậy, ngày ba mươi thấy xa, nhưng rồi cũng đến, đến rồi qua,
qua rồi mất. Ngày mùng một Tết chúng ta nói đến cuối năm thấy thời gian dường
như rất dài, rồi ngày qua ngày cũng đến cuối năm. Ngày cuối năm rồi sẽ qua, qua
rồi mất. Đó là nói về thời gian.
Như vậy, một ngày sáng trưa chiều tối,
khi đã qua rồi không còn trở lại với chúng ta nữa. Nhưng mà trong ngày đó, nếu
chúng ta đóng một cái bàn, trồng một luống rau, hoặc viết một trang sách, cái
chúng ta đã làm vẫn còn, nó hiện còn với chúng ta.
Một ngày qua đó, chúng ta đã làm cho nhiều
người buồn, láng giềng tức giận, dù ngày đó qua mất rồi, hôm sau ta gặp lại những
người ta làm buồn, họ có hết buồn chưa? Như vậy thời gian qua rồi mất không bao
giờ trở lại, nhưng những cái gì chúng ta đã làm chưa mất hẳn, nó còn có mặt với
chúng ta ở ngày mai. Nếu chúng ta muốn ngày mai ai gặp chúng ta cũng đều vui, đều
thân mật, thì hôm nay chúng ta phải làm sao? Nếu gặp người nào chúng ta cũng
thách đố, cũng mắng chửi, làm những chuyện bực bội cho họ, thì ngày mai chúng
ta sẽ thế nào khi gặp lại họ?
Chúng ta có cần hỏi xem ngày mai ta tốt
hay xấu, có được nhiều người thương hay không? Cần hỏi điều đó chăng? - Đâu cần
việc đó. Chỉ cần nhớ hôm qua ta đã làm gì cho người ta, thì ngày nay những cái
đó tự nhiên sẽ có với chúng ta. Đó là một lẽ thật mà thế gian không chịu nhớ.
Ngày hôm qua chửi người ta, mà ngày nay muốn gặp ai cũng vui hết, ai cũng tán
thán mình hết. Điều đó thật không bao giờ có. Đó là tôi nói chuyện một ngày,
chuyện một năm cũng vậy.
Nếu một năm chúng ta làm toàn những điều
dở, những điều xấu, rồi đến đầu năm nhất là từ mùng một đến mùng chín đem ít chục
đồng bạc, vài bó nhang, một vài dĩa bánh tới chùa, cúng sao cúng hạn để cho năm
tới được bình an, sung sướng. Quí vị nghĩ sao? Tại sao chúng ta không làm cái
gì đem lại sự an vui cho mình cho người, mà lại làm những điều xấu xa rồi hoảng
sợ, rồi cầu cạnh mong mỏi không muốn có những điều đau khổ. Khi chúng ta không
cố tránh nhân đau khổ lại mong khỏi cái quả đau khổ, như thế có thể được hay
không?....
HT Thanh Từ