Một thời, Thế
Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:
Có ba hạng người,
này các Tỷ kheo, có mặt ở đời. Thế nào là ba ? Người mù, người một mắt, người
có hai mắt.
Này các Tỷ
kheo, thế nào là người mù ? Ở đây, có người không có mắt để có thể thâu hoạch
được tài sản chưa thâu hoạch, làm tăng trưởng tài sản đã thâu hoạch; không có mắt
để có thể biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không có tội, pháp
thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người mù.
Và này các Tỷ
kheo, thế nào là hạng người có một mắt ? Ở đây, có người có mắt để có thể thâu
hoạch được tài sản chưa thâu hoạch, làm tăng trưởng tài sản đã thâu hoạch;
nhưng không có mắt để có thể biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và
không có tội, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng
người có một mắt.
Và này các Tỷ
kheo, thế nào là hạng người có hai mắt ? Ở đây, có người có mắt để có thể thâu
hoạch được tài sản chưa thâu hoạch, làm tăng trưởng tài sản đã thâu hoạch; và
có mắt để có thể biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không có tội,
pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người có
hai mắt.
Này các Tỷ
kheo, có ba hạng người này có mắt ở đời.
(ĐTKVN, Tăng
Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người, phần Mù lòa, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.229)
LỜI BÀN:
Trên đời, trừ
những người tật nguyền, hầu hết mỗi người đều có đôi mắt sáng. Tuy nhiên, để thực
sự có đôi mắt sáng đúng nghĩa tức biết nhìn lại chính mình đồng thời để nhìn rõ
đục trong giữa dòng đời thì không phải ai cũng có. Do vậy, có khá nhiều người đầy
đủ cả hai mắt mà cũng như mù hoặc chột nên phải rèn luyện và tu dưỡng thật nhiều
mới đem lại ánh sáng đích thực cho đôi mắt của chính mình.
Theo tuệ giác
Thế Tôn, một người thực sự có hai mắt khi người này biết làm ăn chân chính, đem
lại sự no ấm, thịnh vượng cho gia đình và xã hội đồng thời biết phân biệt rõ
ràng xấu tốt, thiện ác và họa phúc. Làm giàu một cách chính đáng bằng cách tuân
thủ pháp luật, các nguyên tắc đạo đức và nhất là biết chia sẻ những thành quả
lao động với cộng sự và những người kém may mắn hơn mình.
Nhưng nếu chỉ
biết làm giàu, nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên đi hậu quả thì như người chột,
vì đôi mắt của hạng người này chỉ nhìn thấy lợi mà thôi. Không thấy được điều
ác, bất thiện để tránh né hoặc từ bỏ thì dẫu có chút thành công nhưng chỉ mang
tính nhất thời. Tuy vậy, hạng người này vẫn còn khá hơn hạng người có mắt như
mù, những người không có khả năng tự xây dựng đời sống no ấm cho chính mình và
chẳng nhận ra những điều xấu ác, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Do vậy, vâng lời
Phật dạy, mỗi người con Phật phải nỗ lực tu dưỡng để có đôi mắt sáng tức thành
tựu chánh kiến, bằng cách xây dựng đời sống vật chất và tinh thần ngày một phát
triển, thăng hoa.
Quảng
Tánh
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...