Lòng tử tế được thể hiện cho người luôn
được đền đáp một cách nào đó, đôi khi vượt quá sự chờ đợi và suy nghĩ của ta. (Sưu tầm)
Tạp chí Reader’s Digest số ra tháng 5/94
có đăng một câu chuyện cảm động như sau:
Một cặp vợ chồng thương gia người Mỹ
đang chuẩn bị lên chiếc máy bay riêng của họ để bay về nước sau một tuần nghỉ
mát tại Mexico, bỗng có một người đàn ông cao lớn đến xin cho quá giang. Ông tự
giới thiệu là một người Mỹ và cho biết đã lỡ chuyến bay về Los Angeles.
Dĩ nhiên, phản ứng tự
nhiên của hai vợ chồng là tìm cách chối một cách khéo léo, viện lý do là trên
máy bay của mình không có dư ống thở dưỡng khí. Thế nhưng, người đàn ông quả
quyết rằng ông ta không cần ống thở dưỡng khí ngay cả khi bay ở cao độ.
Người chồng muốn siêu lòng, nhưng bà vợ
vốn là một luật sư và là người luôn có tiếng nói cuối cùng trong gia đình đã
kéo người chồng vào trong phòng khách, và trình bay cho ông thấy bao nhiêu bất
trắc có thể xảy ra nếu để cho một người lạ mặt đi theo trên chuyến bay, biết
đâu ông ta không là một tên không tặc. Nhưng cuối cùng do sự thuyết phục của
viên chỉ huy phi trường, hai vợ chồng đành để cho người lạ mặt lên máy bay của
họ. Nhưng chỉ không đầy nửa giờ bay, vì bão tố bất ngờ, họ đành phải đáp xuống
một phi trường khác cũng còn nằm trong lãnh thổ Mexico. Người vợ thở ra nhẹ
nhõm, bà nghĩ có thể đây là dịp để đuổi khéo người lạ ra khỏi chiếc máy bay của
mình.
Tại phi trường, trong lúc uống cà phê,
người khách lạ đã tâm sự với hai vợ chồng như sau:
Cách đây 10 năm, vợ chồng tôi đã gặp một
tai nạn khủng khiếp tại Mexico, chúng tôi cùng đi nghỉ hè chung với một cặp vợ
chồng khác. Chúng tôi thuê một chiếc xe, vợ chồng chúng tôi ngồi phía trước,
còn hai vợ chồng kia thì ngồi phía sau. Thình lình xe nổ lốp, lật nhào xuống hố
và phát nổ. Tất cả bình dầu bốc cháy . Vợ chồng tôi may mắn thoát ra khỏi xe,
còn hai vợ chồng người bạn thì kẹt lại. Tôi cố gắng hết sức nhưng không thể nào
cứu thoát họ được.
Người đàn ông lạ mặt kể tiếp rằng, hai vợ
chồng ông được đưa về một nhà thương ở Loretto. Các bác sĩ và nhân viên của bệnh
viện đã tận tình săn sóc cho hai người, nhưng bệnh viện quá nghèo nàn, dụng cụ,
thuốc men, và ngay cả giường chiếu cũng thiếu thốn.
Vài ngày sau hai vợ chồng được đưa về Mỹ,
và lúc nào họ cũng nghĩ đến những giây phút được săn sóc tại bệnh viện Loretto.
Và đó chính là lý do ông trở lại Loretto để tỏ lòng biết ơn các bác sĩ và nhân
viên làm việc tại đây. Ngoài một số hiện vật ông còn tặng cho bệnh viện một số
tiền.
*
* *
Nghe câu chuyện trên đây hai vợ chồng
thương gia Mỹ ngỡ ngàng không ít. Người khách lạ đã dạy cho họ một bài học.
Chính vì người dân Loretto tận tình săn sóc mà người đàn ông này đã trở lại
giúp đỡ họ. Những mắt xích trong dây chuyền của lòng tử tế luôn thắt chặt nhau.
Mỗi hành động tử tế luôn được đền đáp và đôi khi bằng một cách thế vô cùng huyền
bí.
Trong một xã hội mà sự lường
gạt dối trá đã trở thành luật sống, thì người ta thường có thái độ dè dặt, thủ
thế. Dĩ nhiên, Từ bi-Bác ái phải bắt đầu từ chính bản thân, không thương chính
mình thì làm sao có thể thương người như mình. Nhưng Từ bi-Bác ái đối với bản
thân lại không đồng nghĩa với ích kỷ.
Người ích kỷ là người chỉ nghĩ đến bản
thân nhưng không thực sự yêu thương chính mình. Một tình yêu đích thực đối với
bản thân luôn đòi hỏi con người biết ra khỏi chính mình và nghĩ đến người khác.
Và như một định luật của tình yêu khi ta yêu người thì cũng chính là lúc ta yêu
chính bản thân. Những nghĩa cử ta làm cho người cũng chính là nghĩa cử yêu
thương đối với bản thân. Ai tìm hạnh phúc cho kẻ khác, sẽ gặp hạnh phúc của
mình tràn đầy.