TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU MÊ ĐẮM TRONG SỰ TẠM BỢ

Mấy ngày qua cứ đến chiều, lại có dịp cuốc bộ trên những con đường Hồng Bàng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi.... Phải nói lần đầu tiên trong đời mới có dịp lang thang một mình nơi đất Sài thành mỗi chiều trên 5km. Phố xá nhộn nhịp, đường xe chen lấn, dòng người hối hả, quảng cáo giăng đầy, khói đen bụi bậm, rác rến quăng đầy.

Khắp nơi hàng quán, cửa hiệu đua nhau kích thích mời mọc. Chỗ này là thời trang - thẩm mỹ - tiệm nail, nơi kia là vật dụng - ăn uống - ngủ nghỉ. Kẻ ra người vào, bên này chèo kéo bên đây giành giựt. Có lẽ ai cũng thừa hiểu cuộc đời là vô thường giả tạm, vật chất là phù du, nhưng cảm giác nơi đây người ta tranh nhau, giành lấy cái giả tạm, phù du ấy để chuẩn bị sống hơn là biết sống, biết cảm nhận cuộc sống. Chợt nhớ lại điều giác ngộ thứ nhất trong "Tám điều giác ngộ của bậc đại nhân" được HT Thanh Từ giảng dạy bấy lâu:

"... Tất cả mọi người ai cũng thấy thân này là bền chắc, mọi cảnh vật, mọi sinh hoạt hằng ngày là thật. Rồi đinh ninh mình sẽ sống đến bảy tám mươi tuổi, hoặc một trăm tuổi… Vì vậy mà mải mê lo làm ăn, lo dành dụm tiền của để được giàu có. Lo cho sự nghiệp thế gian nhiều chừng nào là tốt chừng nấy, có của nhiều để hưởng cả đời và để lại cho con cháu được đầy đủ hơn người.

Ai ai cũng đều có ý nghĩ đó, nhưng có mấy ai muốn mà được như ý? Vì vậy nên điều giác ngộ thứ nhất Phật nói: “thế gian là vô thường”, cõi đời mà chúng ta đang sống đây không lâu bền, có đó rồi mất đó.

Núi kia đang đứng sừng sững bị người bắn phá, dời đá đi nơi khác, núi trở thành đất bằng. Mới ngày nào sông sâu nước chảy xiết, giờ đây đã được lấp đầy phù sa. Trước kia chỗ này là dinh thự phố lầu nguy nga, nay chỉ còn là đống gạch vụn điêu tàn hoang sơ. Xưa, chỗ kia đồng không hoang vắng, nay trở thành đô thị chợ búa lâu đài phồn thịnh sung túc, xe cộ dập dìu. Nhà kia xưa giàu có bây giờ nghèo khổ cơ cực. Gia đình nọ, cha con, chồng vợ sum vầy, giờ đây đã chia ly xa cách, hoặc chết mất đi mấy người… Đó là cảnh vật vô thường biến đổi. Thế mà bấy lâu nay đa số chúng ta vẫn có ý niệm thế gian mãi mãi thường còn. Đó là ý niệm sai lầm của kẻ mê. Nếu người nào thấy được sự vật ở cõi đời này, nay còn mai mất, có đó rồi mất đó, người thấy như thế là người tỉnh, người giác.

Nhưng có người nghe Phật nói thế gian vô thường, cũng hiểu và thấy thế gian vô thường, rồi tưởng mình đã hiểu thấu suốt lý vô thường. Nhưng khi gặp việc làm ăn có lợi, lại toan tính hơn thua, lo dành để của tiền sự nghiệp từ đời này qua đời nọ… Người đó chúng tôi nói vẫn còn thấy thế gian là thường. Tuy có giác, nhưng chỉ giác một chút rồi mê. Giác độ vài mươi phút hoặc một giờ thôi, giác như thế là giác gián đoạn, giác từng phần. Phật thì hằng giác, giờ nào phút nào các ngài cũng thấy biết như thế. Chúng ta thì lúc giác lúc mê; nếu gặp cảnh trái ý nghịch lòng, buồn khổ tang thương thì thấy đời là vô thường; khi gặp cảnh vừa lòng ưa thích thì quên đi, thấy là thường. Như vậy là giác gián đoạn, lúc giác lúc mê.

Lâu nay chúng ta huân tập việc thế gian. Cha mẹ, anh em, gia tộc… dạy mình cuộc đời là thường, nên rồi ai cũng tranh danh đoạt lợi, lo cho ta, cho gia đình, cho bà con quyến thuộc, ham làm giàu, ham sung sướng, cái gì cũng tính lâu dài cả trăm năm cả ngàn năm. Như vậy là chưa giác ngộ. Sở dĩ chúng ta học đạo giác ngộ mà không giác, là vì chúng ta nghe qua rồi bỏ không chịu huân tu, không chịu quán xét nhận định rõ ràng, thì không thể tỉnh giác như Phật được. Phật trước kia cũng là một con người như chúng ta, do thường xuyên quán xét huân tu nên các ngài thấy rõ các pháp là vô thường. Vì vậy, mà đối với mọi cảnh thuận nghịch, các ngài vẫn an nhiên tự tại. Gặp danh, gặp lợi, gặp sắc, gặp tài… các ngài dửng dưng không nhiễm không động, vì biết nó là vô thường...."

Cuộc sống là một cuộc chạy đua để kiếm tìm danh lợi, của cải, vật chất, hưởng thụ và khoái lạc. Mạnh được yếu thua. Do đó, việc quảng cáo là tuyệt chiêu để đánh lừa người khác, tạo sự hấp dẫn để che lấp sự giả tạo bên trong. Con người nhìn nhau qua lăng kính vẻ bên ngoài hơn là cái giá trị thiêng liêng cao đẹp, lấy lợi trước mắt mà quên tác hại đằng sau, thấy xác quên hồn. Chúng ta vẫn biết sai lầm, nguy hiểm, tội lỗi, nhưng cuộc sống lôi cuốn chúng ta chạy theo cuộc chơi của thế gian, bất chấp tất cả vì chọn nhằm hướng đi và ta lại bảo: đời là thế.....