CHỮ "PHÚC" DÁN NGƯỢC?

Cứ đến Tết, nhiều người thích viết chữ "phúc" lên giấy đỏ rồi dán ngược trên cổng lớn, trên cửa sổ hay trên tường. Con người ta vốn có ý nguyện theo đuổi hạnh phúc trong cuộc đời, cho nên việc dán chữ "phúc" trong những ngày ăn mừng là điều có thể lí giải được. Song một chữ "phúc" đang ngay ngắn đoan trang, tự nhiên lại đem lộn ngược mà dán, cách làm như thế tất nhiên là cũng phải có lí do.

Tương truyền vị hoàng đế khai quốc của triều Minh là Chu Nguyên Chương, trong một đêm trừ tịch đã cởi áo long bào giả trang làm một tài chủ thường, chỉ đem theo vài tên thị vệ gần gũi nhất, rồi ra phố để xem xét dân tình. Ông thấy dân chúng trong kinh thành nhà nào nhà nấy đều cắt hoa giấy, treo đèn lồng, dán câu đối, tất cả đều là cảnh tượng hoan hỉ ăn mừng vui vẻ. Vì thế trong lòng ông rất vui, nhưng sau khi ông đi qua vài dãy phố thì phát hiện thấy rằng không có một đôi câu đối của nhà nào ca tụng bản thân mình cả, điều này làm ông hết sức bực mình.

Sau khi trở về cung, nỗi tức bực trong lòng ông vẫn còn chưa nguôi. Ông đã nghĩ tới chuyện ban hành mệnh lệnh cho toàn kinh thành nhà nào cũng phải làm một đôi câu đối để ca tụng bản thân mình, nhưng sau khi suy đi tính lại, ông lại nghĩ rằng nếu làm như thế thì sợ rằng sẽ có một số kẻ mang dụng tâm xấu thừa cơ lợi dụng dịp này để chếgiễu lăng mạ mình.

Giữa lúc ấy có thái giám đưa ra ý kiến như thế này: "Tại sao không bảo bàn dân thiên hạ cắt một tờ giấy vuông viết lên đó một chữ "phúc” rồi dán ở ngoài cổng nhà?” Sau đó tay thái giám kia giải thích : "Mầu đỏ là nghĩa của chữ Chu, trên tờ giấy đỏ mà viết chữ "phúc” rồi dán ngoài cổng thì tức là nguyện chúc hoàng thượng năm này qua năm khác được hạnh phúc”. Chu Nguyên Chương nghe thấy thế cảm thấy là có lí, bèn ban đạo thánh chỉ, lệnh cho tất cả các hộ các nhà đều phải dán ngoài cổng một chữ "phúc”.

Hôm sau Chu Nguyên Chương mang theo một đám người ngựa ra phố điều tra tình hình, thì thấy trong khắp kinh thành chỉ có vài nhà dán chữ "phúc", trong số đó còn có một nhà vì vội vã cho nên đã đem chữ "phúc" dán ngược. Chỉ trong nháy mắt sắc mặt Chu Nguyên Chương đã sa sầm. Ông vung tay ra lệnh tất cả các nhà không dán chữ "phúc" đều bị chém đầu. Chỉ một. lát sau tiếng khóc đã chấn động cả kinh thành, máu chảy thành sông, còn đối với hộ dán ngược chữ "phúc” thì người ta vẫn còn không biết nên xử trí như thế nào.

Vì không ai đưa ra được ý kiến gì, cho nên cuối cùng chỉ còn cách cầu xin ý kiến của hoàng đế. Chu Nguyên Chương vừa nghe xong đã vung tay: cứ theo lệnh mà giết không tha.

Giữa lúc ấy một vị đại thần đang đứng bên cạnh nhà vua bật cười khà khà rất to và khen là tốt không ngớt miệng, Chu Nguyên Chương thấy thế rất ngạc nhiên, vội hỏi vị đại thần xem tốt ở chỗ nào? Vị đại thần mỉm cười giải thích: "Đảo” (treo ngược) là đồng âm với "đáo” (tới), "phúc đảo” (phúc lộn ngược) tức là "phúc đáo” (phúc tới). Đây tức là người dân thường cầu chúc cho hoàng thượng đấy, Chu Nguyên Chương nghe cảm thấy có lí, vì thế không cho chém đầu người chủ nhà mà lại còn ban thưởng cho ông ta. Chuyện này được truyền lan trong kinh thành, rồi từ đó việc treo ngược chữ "phúc” đã trở thành tập quán.


HÀN QUAN TRỊ