Mục
đích
Mục đích của đạo Cao Đài nhằm hoàn
thiện hóa con người và xây dựng xã hội bình đẳng, thế giới đại đồng. Về mặt tâm
linh, đạo Cao Đài có mục đích giải thoát luân hồi sanh tử. Nói gọn, mục đích của
đạo Cao Đài là "Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát".
Thế đạo đại đồng: Tương ứng với đường lối
hay phương pháp giải quyết cuc diện nhân sinh, tạo được cuộc sống an lạc tiến bộ
trong xã hội. Thế đạo đại đồng nhằm mục đích thực hiện thế giới nhân loại bình
đẳng, hạnh phúc không phân biệt giai cấp, đoàn thể, tôn giáo hay quốc gia dân tộc.
Thế đạo đại đồng theo đạo Cao Đài lấy Nhân Bản làm nền tảng, trong đó nhân vị
nhân quyền được tôn trọng, nhân tính được phát huy để xây dựng một thế giới văn
minh đạo đức hòa bình mà người Cao Đài thường gọi là đời Thánh đức. Theo nghĩa
rộng nó còn là tình bác ái đối với muôn loài vạn vật từ những sinh vật nhỏ nhất
đến thú cầm, đến loài người, tức là cả chúng sinh.
Thiên đạo giải thoát: Thiên đạo là Đạo
pháp, là đường lối tu hành để người tu đạt được sự giải thoát toàn diện, không
còn đau khổ phần thể xác hay phiền não tâm hồn tại thế gian, và xa hơn nữa được
giải thoát tâm linh. Sau khi thoát xác, linh hồn người đắc quả Thiên đạo sẽ sống
vĩnh viễn trong cõi thiên đường cực lạc không còn bị luân hồi trở lại phàm trần
nữa. Muốn thế, người tu Thiên đạo phải học đạo đại thừa, tu luyện thân tâm và
thực hành sứ mạng cứu độ tha nhân.
Tôn chỉ
Chánh
môn Tòa Thánh Tây Ninh
Tôn chỉ Cao Đài là "Tam giáo quy nguyên,
ngũ chi phục nhất". Tam giáo tức là Tam giáo đạo gồm: Phật giáo - Lão giáo- Nho giáo.
Tam giáo quy nguyên: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ
Độ xây dựng một nền giáo lý toàn diện tức là giáo lý Đại Đạo trên nền tảng tổng
hợp giáo lý Tam giáo đạo. Bởi vì Tam giáo có đủ khả năng xây dựng con người
chân chính, xã hội an lạc (Nho giáo), dạy con người biết tu dưỡng thể xác và
tinh thần để sống thung dung tự tại (Lão giáo), và giải khổ (Phật giáo). Do đó
tôn chỉ "Tam giáo quy nguyên" là đường lối để thực hiện mục đích
"Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát".
Ngũ chi phục nhất: tức Nhân đạo, Thần đạo,
Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo phục nhất. Đó là đường lối tu hành tuần tự như
lên năm nấc thang. Phục nhất có nghĩa là thống nhất thành một hệ thống bổ sung
cho nhau, hiệp thành đạo pháp nhất quán hầu đưa người tu đạt đến mục đích. Tóm
lại, tôn chỉ của đạo Cao Đài là đường lối tổng hợp nhất quán cứu cánh hoàn thiện
và giải thoát nhân sinh của vạn giáo. Song song với tôn chỉ "Tam giáo quy
nguyên ngũ chi phục nhất", Cao Đài còn nêu lên tinh thần "vạn giáo nhất
lý".
Qua tiêu ngữ này, Cao Đài công nhận mục
đích cứu cánh của tất cả tôn giáo chân chính có cùng một chân lý là hướng dẫn
con người sống có đạo đức, hoàn thiện hóa bản thân, hoàn thiện hóa xã hội và giải
thoát linh hồn.
Từ đó Cao Đài chủ trương tôn trọng tín
ngưỡng của mọi tôn giáo và nêu lên nguyên lý chung của mọi nền giáo lý tức là
giáo lý Đại Đạo khả dĩ giác ngộ nhân loại toàn cầu.
Giáo
lý căn bản
Giáo lý Cao Đài xây dựng dựa trên hai
nguyên lý căn bản là:
Thiên địa vạn vật đồng nhất thể: Trời đất
vạn vật có cùng một bản thể
Nhất bản tán vạn thù, vạn thù quy nhất bản:
Một gốc phân tán ra vạn hình thức (sai biệt), vạn hình thức (sai biệt) quay về
một gốc
Từ nguyên lý thứ nhất, giáo lý Cao Đài
quan niệm Trời và Người có cùng bản thể, có thể tương thông tương ứng và hợp nhất
được. Nên Đức Thượng Đế dạy: "Thầy là các con, các con là Thầy".
Kế đến chúng sanh cũng đồng bản thể nên
phải thương yêu nhau, nhất là giữa người với người phải xem nhau như anh em một
Cha, từ đó phải thực hiện mục đích đại đồng nhân loại.
Từ nguyên lý thứ hai, giáo lý Cao Đài
quan niệm vũ trụ là một trường tiến hóa có khởi điểm từ bản thể Đại Linh Quang,
tức Thượng Đế, phóng phát các điểm linh quang tiềm tàng trong vạn loại để tiến
hóa từ khoáng sản, đến thảo mộc, thú cầm, đến con người. Rồi từ con người đến
các bậc Thiêng liêng Thần Thánh Tiên Phật để trở về hợp nhất với Thượng Đế.
Do đó cứu cánh của con người là tiến hóa
trở về với Thượng Đế, tức nguồn gốc của mình mà cũng là của vũ trụ. Muốn thế,
con người phải biết tu công lập đức để hoàn hảo hóa bản thân đến mức chí chân
chí thiện. Giáo lý Cao Đài gọi đó là "Phản bổn hoàn nguyên".
Vũ
trụ quan
Thuyết Vô Cực, Thái Cực, Âm Dương
Giáo lý Cao Đài cho rằng vũ trụ nguyên
sơ là không gian Vô Cực. Từ bản thể Vô Cực phát sinh một nguyên lý và một nguyên
khí ngưng kết với nhau thành một khối tinh quang. Khối ấy nổ tung ra làm phát
sinh Thái Cực Đại Linh Quang: "Thái Cực lấy cơ thể âm dương mà phân
thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái Khí Hư Vô đặng hóa sanh muôn
loài vạn vật" (Đại Thừa Chân Giáo-Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh, 1950,
tr.176)
Đó là cơ sinh hóa, tiếp theo là cơ tiến
hóa của vạn vật, vì vạn vật thọ bẩm bản thể Linh Quang sẽ tiến hóa trở về hiệp
với Đại Linh Quang theo quy luật "nhất bản tán vạn thù, vạn thù qui nhất bản".
Từ vũ trụ quan này, Giáo lý Cao Đài nêu
lên Nguyên lý tương quan giữa Đại linh quang và Tiểu linh quang để từ đó
triển khai giáo thuyết hoàn thiện con người cả hai mặt: đời sống nhân sinh và
tiến hóa tâm linh.
Tương quan giữa Đại Linh Quang và Tiểu
Linh Quang
Như trên đã nói, vạn vật phát sinh từ
Thái Cực. Thái Cực là Đại Linh Quang theo nghĩa bản thể đồng thời là bản căn của
vạn vật. Còn trong ý nghĩa tâm linh, đó là khối Đại Nguyên Thần của toàn cả vũ
trụ. Mỗi con người đều thọ bẩm một điểm Tiểu Linh Quang có cùng bản tính, bản
chất với Đại Linh Quang, nên còn gọi là điểm nguyên thần chiết xuất từ Đại Linh
Quang.
Tu luyện là cách con người tự vẹt tan
màn vô minh bao phủ để làm sáng tỏ điểm nguyên thần ấy. Nhờ đó, khi thoát xác,
Tiểu Linh Quang sẽ hội nhập trở lại cùng Đại Linh Quang tức Thượng Đế Chí Tôn.
Theo Cao Đài, trong chu trình tiến hóa của vũ trụ, vạn vật tiến hóa dần
dần lên đến hàng nhân loại mới có đủ tam hồn là sanh hồn, giác hồn và linh hồn
để tu luyện giải thoát.
Lý
Âm Dương
Biểu tượng Âm-Dương hay Thái Cực trong Đạo
Lão
Biểu tượng Âm-Dương hay Thái Cực trong Đạo
Lão Lý Âm Dương, hay Dịch lý, nói chung thể hiện rất rõ nét trong vũ trụ luận,
giáo lý căn bản và qua các biểu tượng của đạo Cao Đài.
Âm
dương và nguồn gốc vũ trụ
Đạo Cao Đài quan niệm vũ trụ có một bản
thể tối sơ gọi là Vô Cực. Ngay trong bản thể ấy đã hàm tàng hai nguồn năng lực
nguyên thủy của Dương và Âm là Lý và Khí. Kinh Đại thừa chơn giáo viết:
"Trong Vô Cực có một cái nguyên lý Thiên nhiên tuyệt diệu tuyệt huyền, rồi
lại có thểm một cái nguyên khí Tự nhiên nữa. Lý và Khí ấy tức là Âm với Dương
trong buổi Hồng nguyên thời đại. Lý với Khí ấy lại lần lần ngưng kết với nhau
mà đông tụ lại lâu đời nhiều kiếp mới thành ra một khối tinh quang rất đầy đủ
các sự tốt đẹp. Chừng đúng ngày giờ khối ấy mới nổ tung ra [...], bèn có một điểm
Linh quang từ trong tiếng nổ ấy văng ra [...]. Ấy là ngôi Chúa tể càn khôn vũ
trụ đã biến hóa ra vậy; mà vũ trụ từ đây mới bắt đầu có ngôi Thái Cực
[...]"
Thái Cực là nguyên lý hay nguyên động lực
thúc đẩy hai nguồn năng lực Âm Dương trong vũ trụ để sanh hóa vạn vật:
"Thái Cực lấy cơ thể Âm Dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh
để gom tụ khí Hư vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật."
Vậy trước khi có Thái Cực đã có Khí – Lý
là gốc của Âm Dương thuộc về tiên thiên. Còn sau khi Thái Cực hóa sanh vạn vật
thì trong mỗi vật và tương đối giữa muôn loài đều tiềm ẩn hoặc bộc lộ tính chất
Âm Dương. Đó là Âm Dương thuộc hậu thiên.
Dịch Hệ từ thượng có câu: "Nhất âm
nhất dương chi vị Đạo." Đối với đạo Cao Đài đó là nguyên lý cơ bản để giải
thích nguồn gốc và cứu cánh của chúng sanh. Sanh hóa do Đạo mà tiến hóa cũng bởi
Đạo. Thánh ngôn Đức Cao Đài có dạy: "Các con đã sinh trong Đại đạo, hãy
noi theo Đại đạo mà thành về cõi thượng thiên Vô Cực."
Âm
dương và các biểu tượng, thờ phụng và nghi lễ
Bước vào bên trong các thánh thất Cao
Đài, bao giờ cũng thấy tín đồ nam bên cánh trái và nữ bên cánh phải (từ Thiên
bàn ngó ra) theo quy ước "nam tả, nữ hữu", bên trái thuộc dương, bên
phải thuộc âm.
Nhìn lên chính điện, thánh tượng
"Thiên nhãn" uy nghiêm được thờ phía trên Thiên bàn là hình mắt trái
– thuộc Dương. Thiên nhãn là biểu tượng Chân thần của Thượng đế đối ứng với biểu
tượng chữ "Khí" phía trên bàn Hộ pháp, có ý nghĩa Thần Khí tương giao
hay Âm (Khí) và Dương (Thần) giao hội, thuộc về yếu lý của Đạo pháp.
Dưới Thiên nhãn có đèn Thái cực đặt giữa
Thiên bàn, tương ứng với hai ngọn đèn hai bên là Lưỡng nghi. Lư hương cắm năm
cây nhang giữa hai đèn Lưỡng nghi tượng trưng cho Ngũ hành.
Về nghi lễ, cách chắp tay lạy cũng có ý
nghĩa Âm dương. Tay trái bắt ấn Tý nắm lại là Dương, đặt vào lòng tay phải bọc
ngoài là Âm, tức trong Âm có Dương. Khi cúi lạy, hai bàn tay xòe ra đặt trên mặt
đất, ngón cái tay phải gác ngay ngón cái tay trái thành chữ thập tức Lưỡng nghi
sinh Tứ tượng. Tám ngón kia xòe ra tức Tứ tượng sinh Bát quái. Đó là cách thể
hiện Dịch lý của cơ sanh hóa trong trời đất.
Đặc biệt trong hàng giáo phẩm cao cấp đầu
tiên của đạo Cao Đài có hai vị Đầu sư là Lê Văn Trung và Lê Văn Lịch được ban
thánh danh là Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt. Nhựt nguyệt ám chỉ lý Âm
dương của Đạo vậy.
Âm
dương và Đạo Đức
Kinh Cao Đài còn dạy rằng sự thực hành đạo
đức cũng phải theo lý Âm dương hòa hiệp, không thể chỉ tu Đạo mà không lập Đức:
"Đạo đức phải đi cặp nhau. Đạo là Dương, Đức là Âm. Âm dương phải tương cảm
tương ứng, điều hòa mới thành đặng. Con người phải biết đường thiên lý, lo tu
hành quày bước trở lại chỗ bổn nguyên, mượn pháp đạo mà luyện tánh tu tâm, dùng
đức cả sửa mình nên hạnh tốt."
Con người có thể học lý Âm dương sanh
hóa của trời đất để sinh tồn, phát triển và tiến hóa bằng cách điều hòa được
hai nguồn năng lực tương phản tương đối:
"Khí Âm dương hỗn hiệp nhau, đụng
chạm mà hóa hóa sanh sanh là do trong chỗ điều hòa, tương ứng, tương cảm, huân
chưng đầm ấm mới tạo thành nghìn giống muôn vẻ thiên hình vạn trạng... không
bao giờ ngừng nghỉ. Đó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật."
Một tức Thái cực, hai tức Âm dương (Lưỡng
nghi), ba tức nguồn năng lực thứ ba do Âm dương tương tác hỗn hiệp mà phát
sinh.
Nên kinh viết tiếp: "Vậy thì cái sự
sinh đó cũng do nơi hòa mà có. Thế nên Đạo của trời đất cũng bất ngoại hai chữ
Trung hòa."
Mà Trung hòa cũng là đạo làm nên thánh
hiền. Sách Trung dung viết: "Trung là gốc lớn của thiên hạ, Hòa là sự đạt
đạo của thiên hạ."
Đạo Cao Đài đã vận dụng lý Âm dương rất
sâu sắc trong sự lập đạo, hành đạo, thực hành đạo pháp:
Âm
dương hòa hiệp hóa sanh
Dựng nền đạo đức, lập thành càn khôn.
Nhân sinh quan
Nêu lên quan điểm về nhân sinh ở giữa
nguồn gốc và cùng đích con người là nhân sinh quan Cao Đài gồm có:
Quan niệm về công dụng cõi đời.
Quan niệm về nghĩa vụ làm người.
Quan niệm về lý tưởng cuộc sống loài người.
Quan niệm về công dụng cõi đời
Đức Chí Tôn dạy: "Vẫn biết thế
gian là bể khổ sông mê, nhưng chính thế gian là một chốn học đường của muôn
loài vạn vật. Nhờ học đường ấy mà muôn loài vạn vật mới mở mang tiến hóa, sáng
suốt tinh thần để tấn bộ trên nấc thang cao thượng". (ĐTCG, sđd,
tr.154)
Quan
niệm về nghĩa vụ làm người
Đức Chí Tôn dạy: "Làm người cần
phải học hỏi, có học hỏi mới thông đạt, minh mẫn, mới biết lẽ dữ điều lành, mới
tường đường quấy sự phải, mà tránh cho khỏi tội tình. Chớ nếu không học hỏi thì
điểm Tiểu Linh Quang phải trở nên mê muội mà người cam dốt nát ngu hèn".
(ĐTCG, sđd, tr.154)
Làm người phải xả thân giúp đời như Kinh
Đại Thừa Chân Giáo có viết:
"Người xả thân mưu cầu lợi
chúng,
Làm ích chung quốc chúng an hòa...
"Gieo tư tưởng cộng hòa đoàn
thể,
Chỉ phương tu đọat hóa thánh
tiên"(ĐTCG,
sđd, tr.154)
Đó là những nghĩa vụ nhằm:
Ích nước lợi dân.
Hoàn thiện con người.
Gieo tư tưởng thương yêu hòa hợp đại đồng trong cuộc sống thế giới hiện
tại.
Dẫn đường tu giải thoát cho tâm linh tiến hóa.
Quan
niệm về lý tưởng của cuộc sống con người
Cao Đài Giáo nêu một xã hội loài người
lý tưởng là xã hội "thánh đức" bao gồm đời sống an lạc, xây dựng trên
tinh thần nhân bản và có hiệu năng tiến bộ.
Đức Chí Tôn có dạy: "Ngày nào
các con còn trông thấy một điều bất bình ở đời thì Đạo chưa thành vậy".
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tòa Thánh Tây Ninh, 1973, tr.105)
Như thế bằng chứng thực tiễn và trước
tiên về thành quả của Đạo, chính là sự an lạc của cõi đời. Cao Đài phải là một
tôn giáo vị nhân sinh. Đức Chí Tôn dạy: "Các con biết Thầy là trọng thì
biết trọng đạo, mà hễ trọng đạo thì cũng phải trọng cả chúng sanh".
(TNHT, Tây Ninh, sđd, tr.94)
Và thánh giáo Cao Đài còn viết :"...Tôn
giáo và chúng sanh là Một. Chúng sanh được hoàn thiện thì tôn giáo mới phát khởi
nguồn Ðạo, nhược bằng chúng sanh sai lạc thì tôn giáo chịu suy đồi".(Thánh
Huấn Hiệp Tuyển, Tòa Thánh Châu Minh, Q1,1963,tr.116)Tính chất thực tiễn của
nhân sinh quan Cao Ðài còn thấy rõ qua Thánh giáo sau đây:
"Giáo lý Cao Ðài không đi xa thực
tế với đời sống con người thực tại. Sự mở Ðạo của Thượng Ðế là muốn cho tất cả
nhơn sanh, dầu trong thời kỳ trả quả cũ, không gây nghiệp mới, mọi chỗ đều hướng
thiện, ăn ở đối xử nhau cho phải tình phải nghĩa, phải đức phải nhân để trong
cõi đời này có một xã hội đại đồng đạo đức."
"Ðó là mục đích Thượng Ðế muốn
cho loài người hiểu tận ý và hành tận sự, chớ giáo lý Cao Ðài không nhất thiết
chỉ bảo người đời đi tìm hạnh phúc trong cõi hư vô vĩnh cửu, chốn niết bàn cực
lạc trong khi thân sanh còn nghèo đói bệnh tật, dốt nát, kỳ thị, rẽ chia, người
bóc lột người trong cảnh mạnh được yếu thua, bất công xã hội. Nếu phần thân
sanh hiện hữu như thế, chắc gì phần tâm linh được mẫn tuệ siêu thoát đâu".(Vĩnh
Nguyên Tự,03.01.Giáp Dần-25.01.1974)
Tóm lại, Cao Ðài quan niệm Ðạo lập ra là
để cứu rỗi nhơn sinh, nghĩa là Thượng Ðế mở ra con đường cho nhân loại trở về với
Thượng Ðế. Nhưng con đường ấy được mở đầu ở ngay tự thân con người và kết quả sẽ
nhận được ngay trong cõi đời. Bởi
vì:"Người sanh ra bởi Ðạo, thì Ðạo tức là người, thì người phải làm
sáng cái Ðạo, tức là người phải ra NGƯỜI để tự cứu cánh và ảnh hưởng đến vạn vật".(TGST,
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý,1972-1973,tr.38)
Như thế, nhân sinh quan Cao Ðài nhất trí
với vũ trụ quan Cao Ðài ở điểm nhân bản. Nhân bản là bản chất chơn ngã của con
người. Nhân bản là tình cảm thiêng liêng mà Thượng Ðế Chí Tôn đã dành cho mỗi
con ngườithể hiện ra bằng nhân tính hay là tình thương.
"Hiểu biết, hành động, phục vụ,
phụng sự, mà không nằm trong Nhân bản sẽ đưa đến những hậu quả khốc liệt nhất
cho xã hội. Nhân bản có sáng chói con người mới cảm thấy mình là con người. Dầu
ở bất cứ lãnh vực hay hoàn cảnh quốc thổ nào đời sống tâm linh cũng phải tựa
vào Nhân bản. Có như vậy, đạo lý tôn giáo mới không rơi vào chỗ mông lung huyễn
ngã". (TGST,CQPTGL,sđd,tr.24)
Nguyên
lý Thiên Nhân Hiệp Nhất
Từ "Thiên địa vạn vật đồng nhất thể"
đến "Thiên Nhân Hiệp Nhất"
Vũ trụ quan Cao Đài là quan niệm
"Nhất thể nhất nguyên" về vũ trụ. Nhất thể là khí Hư Vô, nhất nguyên
là Thái Cực. Thế nên nơi vạn vật đều có tiềm tàng bản chất ban đầu của trời đất
(Khí tiên thiên) và động năng sinh thành của vũ trụ (Thái Cực). Đó là nguyên lý
"Thiên địa vạn vật đồng nhất thể" trong giáo lý Cao Đài, là cơ sở của
cứu cánh "Thiên nhân hiệp nhất".
Nếu cứ để cho muôn loài vạn vật tiến hóa
tự nhiên trong nguyên lý nhất thể nêu trên thì đến một thời điểm xa xôi nào đó,
vạn vật cũng phải quay đầu về nguồn gốc là ngôi Một, ngôi Thái Cực. Nhưng,
trong Hư Vô nhất thể còn có tình thương vô biên của Thượng Đế:
"Tình Tạo Hóa háo sanh muôn vật,
Máy Kiền Khôn chất ngất chở che
Thu qua Đông đến Xuân Hè,
Vận hành thời tiết tư bề dưỡng
nuôi."(8)
Và:
"Thầy mong con biết Thầy hiểu Đạo,
Cho thế gian cải tạo thanh bình;
Lòng Thầy thương cả chúng sanh
Trong tình Tạo Hóa trong tình
thiên nhiên''."(9)
Thế nên chữ Thiên trong câu Thiên nhân
hiệp nhất phải hiểu theo nghĩa rất sinh động là Đức "Háo sanh" của
Thượng Đế, là "Thiên ý cứu độ chúng sanh". Ngài dạy:
"Đạo là con đường duy nhất cho vạn
linh sanh chúng từ Thầy ban phát đến thế gian và từ thế gian các con trở lại
cùng Thầy".
"Thầy là Hư Vô chi khí thì Đạo
cũng đồng nghĩa đó thôi. Nên chi trong thời kỳ hạ nguơn, chính mình Thầy dùng
Khí Hư Vô trực tiếp hữu hình đến thế gian để dẫn dắt thâu hồi những điểm linh
quang của Thầy đã cho xuống thế gian trở về khối Đại Linh Quang".(10)
Nhưng đến đây chúng ta chỉ mới thấy một
chiều của quy luật ấy. "Thiên nhân hiệp nhất" còn phải hiểu là
"Sứ mạng Kỳ Ba" triển khai ngay tại thế gian để thực hiện đức hiếu
sinh của Thượng Đế và tình thương giữa con người và con người.
"Thiên nhân hiệp nhất" là sứ mạng
Kỳ Ba
Có nhận thức "Thiên nhân hiệp nhất"
là sứ mạng của người giác ngộ, mới thực hiện được chiều thứ hai của động năng
hiệp nhất. Bởi vì chữ "Nhân" đúng nghĩa là "Con người tích cực"
là "Nhân năng hoằng đạo" là quyền lực của một "Tiểu vũ trụ".
Trong giáo lý Cao Đài, Đức Chí Tôn viết:
"Các con hay nói chung là nhân loại, những hột giống linh căn được gieo
vào vũ trụ, được ban phát quyền Tạo Hóa để lập thành cuộc ngự trị cõi thế gian,
mà các con gọi là đời, nguyên nhân là Lý, là Đại Đạo, là Thầy, là Cha chung của
vạn loại... Các con đã sinh trong Đại Đạo hãy noi theo Đại Đạo mà thành về cõi
Thượng thiên vô cực"(11)
Hiệp nhất tại tâm
Thánh giáo Đức Chí Tôn:
"Tâm con là chỗ chí linh,
Là nơi hiệp nhất nhân sinh cùng
Thầy''"(12)
Hay:
"Con có Thánh Tâm sẽ có Thầy,
Thầy là Cha cả khắp Đông Tây;
Đông Tây dù biết hay không biết
Thì đức háo sanh vẫn thế này"(13)
Trước khi "Khai Minh Đại Đạo"
Ngài đã nhắc đến Thánh Tâm vào ngày 20.4 Bính Dần (31.5.1926):
"Thánh Tâm dầu phải chịu khổ trần
đi nữa, thì chất nó cũng vẫn còn. Các con khác hơn kẻ phàm là duy tại bấy nhiêu
đó mà thôi."(14)
Ngài chấp nhận lâm phàm nhưng chỉ chứng
vào nơi trong sạch nhất của con người. "Thầy những mong ở một cõi lòng
trong sạch nhứt nơi trần gian, Thầy chứng vào đó để cứu rỗi con cái của thầy
trong kỳ mạt kiếp..."(15)
Thiên Nhân Hiệp Nhất qua sử đạo Cao Đài
Biểu hiện Thiên Nhân Hiệp Nhất bằng
"Thiên Nhãn"
Thánh Tượng Thiên Nhãn là tượng thờ tối
cao của Đạo Cao Đài. Thiên Nhãn tượng trưng cho Chơn Thần của Thượng Đế. Ngài
nói: "Thần cư tại nhãn". Mà Thần của người lại do Trời phú bẩm. Vậy
thờ Thiên Nhãn là thờ Thượng Đế Chí Tôn của vũ trụ mà cũng chính là thờ Thượng
Đế nội tại trong mỗi con người nữa.
Mỗi giờ cúng kính, người tín hữu Cao Đài
gom Thần nhìn ngay Thiên Nhãn để tạo điều kiện Thiên Nhân hiệp nhứt. Con người
là linh quang từ Trời ra đi, nay hướng về Thiên Nhãn để tìm đường trở lại cùng
Trời.
"Thiên Nhân Hiệp Nhất" nơi
Thánh Đường
Thánh Đường là biểu hiện thu nhỏ của vũ
trụ, trong đó Đức Thượng Đế ngự trị, vận dụng Đạo mầu thúc đẩy chúng sanh tiến
hóa dần dần đến mức chí thiện chí mỹ để hiệp một cùng Ngài.
Cấu trúc "Tam đài" của Thánh
Đường còn thể hiện thế "Thiên nhân hiệp nhứt" của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ
Độ. Mở Đạo kỳ này Đức Chí Tôn dùng quyền năng của Ngài và tất cả các Đấng
Thiêng Liêng tức phần "Thiên" thuộc Bát Quái Đài, kết hợp với Hội
Thánh tức Cửu Trùng Đài là phần "Nhân" để phổ truyền giáo lý. Nhưng muốn
phối hợp hai năng lực này phải có một cơ quan chuyển tiếp. Đó là Hiệp Thiên Đài
có khả năng tiếp nhận quyền pháp từ Bát Quái Đài để truyền đạt đến Cửu Trùng
Đài và xét trình thỉnh nguyện của Hội Thánh dâng lên Bát Quái Đài. Nhờ đó, cuộc
vận hành cơ Đạo trở nên "Thiên nhân hiệp nhất" mà Thiên nhân hiệp nhất
cũng chính là mục tiêu tu chứng của người tín đồ Cao Đài để độ mình và độ người.
Vậy Thánh Đường với cấu trúc Tam Đài
cũng là một nét đậm của "Thiên nhân hiệp nhất".
"Thiên nhân hiệp nhất" qua
cách lập Pháp Chánh Truyền và Tân luật
Đạo luật Cao Đài có hai bộ: Pháp Chánh
Truyền và Tân luật. Pháp Chánh Truyền qui định việc tổ chức Hội Thánh do chính
Đức Chí Tôn ban truyền ngay sau ngày Khai Minh Đại Đạo (15 Bính Dần - 1926).
Tân luật bao gồm Đạo pháp – Thế luật và các quy định về Tịnh Thất, nói chung là
các luật liên quan đến sinh hoạt của chư chức sắc và tín đồ trong nội bộ tôn
giáo và ngoài xã hội. Tân luật do các vị tông đồ của Đức Chí Tôn soạn ra và
dâng lên Ơn Trên một cách vô cùng tôn nghiêm để được chuẩn y.
Thế là bộ luật Cao Đài được hoàn thành
do sự phối hợp Thiên Ý và Thánh Tâm của chư vị Tiền Khai Đại Đạo. Nền tảng của
Hội Thánh và sự sống đạo của tín đồ đã được "Thiên nhân hiệp nhất" lập
thành vậy.
HẾT
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...