37 PHẨM TRỢ ĐẠO - Thân cận Thiện hữu tri thức

Đúng vậy, chỉ có thân cận với những người tu chứng thì con đường tu học mới chứng đạo. Trong đời rất khó gặp những bậc tu chứng đạo.

Đó là một điều khó nhất trên đường tu tập. Tu tập các pháp không khó nếu có bậc thiện hữu tri thức tu chứng.
Bậc tu chứng tuy ở trước mặt nhưng không đủ duyên cũng không phải dễ gặp, dù có gặp nhưng phước duyên không đủ thì lòng tin không có và như vậy gặp cũng như không. Bởi người xưa nói:“Hữu duyên thiên lý nan tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Đó là một bằng chứng như hiện giờ ai cũng gặp Thầy nhưng có mấy ai đủ lòng tin tu tập chứng đạo như Thầy không?
Cho nên tìm một người tu chứng đạo là phải đủ nhân duyên nếu không đủ duyên thì khó mà gặp người tu chứng. Vì thế quý vị tha thiết tu hành và tu tập hết sức mình thì đó là quý vị tạo duyên gặp người tu chứng, nếu không suốt đời quý vị khó gặp lắm dù có gặp cũng chỉ như gặp một người bình thường chứ không được truyền trao kinh nghiệm tu tập. Dù những bậc tu chứng có truyền trao nhưng quý vị nghe rồi cũng bỏ ngoài tai.
Căn cứ theo những lời Phật dạy trên đây Thầy sẽ chỉ dạy BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO để quý vị hiểu rõ phải tu tập pháp môn nào trước pháp môn nào sau:
Tu tập Chín giai đoạn
1/ Người tu sĩ muốn được Nghe Chân Pháp Của Phậtthì phải THÂN CẬN BẬC TU CHỨNG ĐẠO, đã làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Đó là pháp thứ nhất, quý vị cần phải nhớ kỹ lời dạy này.
2/ Người tu sĩ muốn có Lòng Tinthì phải được NGHE CHÂN PHÁP CỦA PHẬT. Đó là pháp thứ hai cần phải ghi nhớ, nếu quên đó là một sự sai lầm hết sức trong đường tu tập theo Phật giáo.
3/ Người tu sĩ muốn đạt được pháp môn Như Lý Tác Ý thì phải có LÒNG TIN. Đó là pháp thứ ba cần phải ghi nhớ.
4/ Người tu sĩ muốn đạt được Chánh Niệm Tỉnh Giác thì phải tu tập NHƯ LÝ TÁC Ý. Đó là pháp thứ tư cần phải ghi nhớ.
5/ Người tu sĩ muốn Chế Ngự Được Các Căn thì phải tu tập CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC. Đó là pháp thứ năm cần phải ghi nhớ.
6/ Người tu sĩ muốn đạt được Ba Thiện Hạnh thì phải tu tập CHẾ NGỰ CÁC CĂN (Độc Cư). Đó là pháp thứ sáu cần phải ghi nhớ.
7/ Người tu sĩ muốn đạt được Tứ Niệm Xứ thì phải tu tập BA THIỆN HẠNH. Ba Thiện Hạnh tức là ý hành thiện, khẩu hành thiện, thân hành thiện (Tứ Chánh Cần). Đó là pháp thứ bảy cần phải ghi nhớ.
8/ Người tu sĩ muốn đạt được Bảy Năng Lực Giác Chi thì phải tu tập TỨ NIỆM XỨ. Đó là pháp thứ tám cần phải ghi nhớ.
9/ Người tu sĩ muốn đạt được Tam Minh để làm chủ sinh tử và chấm dứt luân hồi thì phải có đủ Bảy Năng Lực Giác Chi. Bảy năng lực  giác chi xuất hiện khi tâm bất động trên Tứ Niệm Xứ. Tâm chưabất động trênTứ niệm Xứ thì không bao giờ có Bảy năng Lực Giác Chi xuất hiện. Đó là pháp thứ chín cần phải ghi nhớ.
Ông A Na Luật thực hiện Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
Trên đây là ba mươi bảy pháp tu tập để làm chủ sinh, già, bệnh, chết rất thực tế và cụ thể. Cho nên trong thời đức Phật có nhiều Vương Tử con các nhà quý tộc bỏ gia đình, nhà cửa đi tu theo Phật như:
1-     Nhóm Anuruddha (A Na Luật Đà)
2-     Nhóm Nandiya
3-     Nhóm Kimbila
4-     Nhóm Bhagu
5-     Nhóm Kundadhana
6-     Nhóm Revata
7-     Nhóm Ananda
Và còn nhiều nhóm con nhà quý tộc khác nữa. Vì các nhóm Vương Tử này muốn xuất tu theo Phật, nên đức Phật bảo: Này các Vương Tử, các ông vì lòng tin Ta đã xuất gia làm chủ sinh tử, nên các ông mới từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy các ông có hoan hỷ sống trong Phạm hạnh này không?”.
Ba lần hỏi như vậy, nhưng các nhóm Vương Tử không có nhóm nào dám trả lời. Đức Phật mới suy nghĩ Ta phải hỏi từng nhóm một chứ họ không đại diện chung cho các nhóm trả lời, vì thế, đức Phật gọi tên từng nhóm một mà hỏi: “Này Anuruddha, các Vương Tử có hoan hỷ trong Phạm hạnh này không?”.
Ông A NA LUẬT thay mặt nhóm của mình mà trải lòi Phật: “Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con hoan hỷ sống trong Phạm hạnh”.
Khi nghe Anuruddha trả lời như vậy đức Phật ca ngợi ý chí tìm cầu sự giải thoát: “Lành thay, lành thay, này nhóm Anuruddha, các Vương Tử thật xứng đáng là những Thiện gia nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sống trong Phạm hạnh này, các ông có hoan hỷ sống trong Phạm hạnh này không?
Trong khi các Vương Tử với tuổi trẻ tốt đẹp, trong tuổi thanh xuân, với tóc đen nhánh, có thể hưởng thụ các dục lạc, cớ sao lại xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình?”
Các Vương Tử tuổi còn thanh niên nên đức Phật cẩn thận nhắc đi, nhắc lại vì một lý do gì, có phải vì mệnh lệnh của vua hay vì mệnh lệnh của kẻ trộm cướp hay vì nợ nần hay vì sợ hãi hay vì mất nghề nghiệp sinh sống? Muốn biết rõ những điều này, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật hỏi:
Này nhóm Anuruddha, các Vương Tử không vì mệnh lệnh của vua mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
- Hay vì mệnh lệnh của kẻ ăn trộm mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
- Hay vì nợ nần mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
- Hay vì sợ hãi mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
- Hay vì mất nghề sinh sống mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Các Vương Tử nhóm Anuruddha trả lời: “Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn”.
 Nghe các Vương Tử thuộc nhóm Anuruddha trả lời như vậy nên đức Phật hỏi tiếp:
“Hay các Vương Tử có những tư tưởng như sau: “Vì bị sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, não áp bức, chi phối nên các Vương Tử nhóm Anuruddha, chỉ mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này mà đặt trọn lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, có phải vậy không?
Các Vương Tử nhóm Anuruddha trả lời: “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.
Đoạn kinh trên đây đức Phật dạy rất rõ: “Chỉ vì SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT mà các Vương Tử con vua cháu chúa bỏ đi tu chấp nhận sống không gia đình, không nhà cửa”. Các Vương Tử đều là những người giàu sang phú quý thế mà họ hiểu được Phật pháp, sẵn sàng buông bỏ tất cả không hề tiếc hối một điều gì. Đối với đời sống của các Vương Tử thì đời sống của chúng ta làm sao bằng các Vương Tử này đâu, thế mà chúng ta lại bỏ không được.
Sinh, già, bệnh, chết sẽ không chờ chúng ta đâu, một khi nó đã đến thì không còn cách nào thương lượng, điều đình được. Cho nên ngay từ phút này phải lo cứu mình ra khỏi biển sinh tử.
Giặc sinh tử đang cai trị đất nước của chúng ta. Chúng ta đang là những người dân bị nô lệ, nếu chúng ta chấp nhận làm người dân nô lệ thì đời đời kiếp kiếp không bao giờ làm chủ sinh già bệnh chết.
Nếu chúng ta không đứng lên đòi quyền làm chủ sinh, già, bệnh, chết thì muôn đời ngàn kiếp của chúng ta chỉ là người dân nô lệ làm tay sai cho giặc sinh tử mà thôi.
Khi nổi lên chống giặc sinh tử chúng ta phải có chiến thuật, chiếc lược đấu tranh thì mới mong thắng giặc, nếu trong tay không có bản đồ chiến thuật, chiến lược thì chúng ta có nổi lên chống giặc sinh tử thì cũng chỉ hy sinh vô ích mà thôi.
Cho nên trước khi muốn đánh giặc sinh tử thì chúng ta nên theo một chiến thuật, chiến lược của một người đã chiến thắng giặc sinh tử, nhờ đó nó là một kinh nghiệm sống hay nói một cách khác là chúng ta có bản đồ chiến lược chiến thuật.
Muốn có bản đồ tu Phật thì chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: Và xuất gia như vậy, này các Vương Tử nhóm Anuruddha, các người Thiện gia nam tử cần phải làm gì?”.
Trước khi thuyết pháp đức Phật thường hay đặt ra câu hỏi để khiến mọi người chú ý lời dạy của Ngài nhiều hơn.
Cho nên khi xuất gia đi theo Phật giáo tu hành chỉ có từ bỏ gia đình, sống không gia đình là đủ hay còn phải tu tập những pháp môn nào nữa?
Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: Này các Vương Tử nhóm Anuruddha, khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình thì tiếp tục tu tập ly dục ly bất thiện pháp”.
Theo như lời đức Phật dạy trên đây khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình xong thì chúng ta phải tiếp tục tu tập ly dục ly bất thiện pháp. Vậy cách thức ly dục ly bất thiện pháp như thế nào?
Ly dục có nghĩa là lìa tất cả lòng ham muốn của chúng ta, hễ trong tâm chúng khởi lên niệm ham muốn nào thì chúng ta nhất định không làm theo, không chạy theo, như vậy gọi là lìa.
Ly bất thiện pháp có nghĩa là lìa tất cả các ác pháp làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Người tu theo Phật giáo nhất định thà chết chớ không làm theo những điều ác. Cho nên người tu sĩ Phật giáo thường tỉnh giác sáng suốt nhận ra từng hoàn cảnh, từng đối tượng, từng hành động việc làm, từng ý niệm khởi lên, nếu xét thấy làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì nhất định không làm và còn tránh xa. Đó là ly bất thiện pháp.
Muốn ly dục ly bất thiện pháp cho có kết quả tốt thì chúng ta nên sống một mình để phòng hộ sáu căn. Lúc bây giờ trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi chúng ta đều lưu ý chú tâm vào chỗ tâm BẤT ĐỘNG. Khi tâm hoàn toàn ly dục ly bất thiện pháp thì tâm BẤT ĐỘNG. Trong tâm BẤT ĐỘNG có một sự an lạc, nhờ  tâm BẤT ĐỘNG an lạc đó mà các niệm tham, sân, si, mạn, nghi không khởi ra được. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy tiếp:Này các Vương Tử nhóm Anuruddha, khi ly dục ly bất thiện pháp. Nếu không chứng được hỷ lạc hay một trạng thái khác an tịnh hơn, thời dục tham xâm chiếm tâm và an trú, sân xâm chiếm tâm và an trú, hôn trầm thùy miên... trạo cử, hối quá. .. nghi hoặc... bất lạc... giải đãi xâm chiếm tâm và an trú”.
Quý vị có nghe lời dạy của đức Phật  tu tập BA MƯƠI BẢY PHÁP VÀO ĐẠO không? Khi chúng ta TÁC Ý, đó là một pháp trong BA MƯƠI BẢY PHÁP VÀO ĐẠO để giữ tâm BẤT ĐỘNG, khi giữ gìn tâm BẤT ĐỘNG thì chúng ta có một sự cảm nhận an lạc trong TÂM BẤT ĐỘNG, nếu chưa có sự an lạc là do chúng ta vận dụng công phu tu tập để không niệm khởi vọng tưởng. Để không niệm khởi vọng tưởng đó là một sự tu tập sai, chịu ảnh hưởng những giáo pháp của ngoại đạo như Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông Tây Tạng v.v... Tu tập phải để tâm BẤT ĐỘNG tự nhiên thì mới có an lạc, chính nhờ sự an lạc đó mà niệm vọng tham, sân, si, mạn, nghi không khởi lên được, cho nên tâm BẤT ĐỘNG mới kéo dài từ giờ này đến giờ khác; từ ngày này sang ngày khác một cách dễ dàng.
Do tâm BẤT ĐỘNG từ giờ này đến giờ khác, từ ngày này sang ngày khác nên đức Phật mới hỏi các Vương Tử để phá tâm nghi về tâm BẤT ĐỘNG của Phật:“Này các Vương Tử nhóm Anuruddha, các ông có nghĩ về Ta như thế nào? Các lậu hoặc nào liên hệ đến phiền não sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, bệnh, chết trong tương lai, các lậu hoặc ấy chưa được Như Lai đoạn trừ. Do vậy Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư phân tích nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư phân tích từ bỏ một pháp; sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp, có đúng như vậy không?”.
Khi đức Phật nêu ra những nghi ngờ của các Vương Tử nhóm Anuruddha đối với các lậu hoặc Phật chưa diệt sạch.
Chúng ta hãy lắng nghe các Vương Tử nhóm Anuruddha trả lời:“Bạch Thế Tôn, chúng con không có nghĩ như vậy về Thế Tôn: “các lậu hoặc nào liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quá khổ dị thục hướng đến sanh, già, bệnh, chết trong tương lai các lậu hoặc ấy chưa được Như Lai đoạn trừ. Do vậy Như Lai sau khi suy tư phân tích thọ dụng một pháp, sau khi suy tư phân tích nhẫn thọ một pháp, sau khi suy tư phân tích từ bỏ một pháp, sau khi suy tư phân tích đoạn trừ một pháp”. Bạch thế tôn chúng con nghĩ về thế tôn như sau: “các lậu hoặc nào liên hệ đến phiền mão, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh già chết trong tương lai, các lậu hoặc ấy đã được Như Lai đoạn trừ. Do vậy Như Lai sau khi suy tư phân tích nhẫn thọ một pháp, sau khi suy tư phân tích từ bỏ một pháp, sau khi suy tư phân tích đoạn trừ một pháp” ”.
Khi nghe các Vương Tử nhóm Anuruddha không còn nghi ngờ lậu hoặc  của đức Phật, nên đức Phật biết chắc đó lòng tin không gì lay chuyển, nên đức Phật ca ngợi lòng tin ấy và vạch rõ cho các Vương Tử nhóm Anuruddha hiểu sâu hơn con đường tu tập của Phật giáo:“Lành thay! Lành thay! này các Vưoơng Tử nhóm Anuruddha! Các lậu hoặc liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, bệnh, chết trong tương lai đã được Như Lai đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la không thể sanh  lại, không thểsanh khởi trong tương lai. Ví như này các Vương Tử nhóm Anuruddha, cây Ta-la đầu đã bị chặt đứt, không thể lớn lên nữa, cũng vậy này các Vương Tử nhóm Anuruddha, các lậu hoặc liên hệ đến phiền não ..( như trên).. không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy Như Lai sau khi suy tư phân tích thọ dụng một pháp, sau khi suy tư phân tích từ bỏ một pháp sau khi suy tư phân tích đoạn trừ một pháp”. Khi tu tập sống trong tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC thì tâm tham, sân, si, mạn, nghi đã bị diệt trừ như cây Ta-la bị chặt đứt ngọn không thể sống lại được. Một sự xác định rất rõ ràng mà chính kim khẩu đức Phật nói ra.
Khi tu tập đạt được tâm BẤT ĐỘNG THANH THẢN, AN LẠC, VÔ SỰ thì có một trí tuệ hiểu biết rất đặc biệt mà người thế gian không thể nào ngờ được. Cho nên trước khi nói ra điều này đức Phật dè dặt sợ người thế gian không hiểu cho mình lường gạt họ:Này các Vương Tử nhóm Anuruddha, các ông nghĩ thế nào? Do thấy mục đích đặc biệt nào, Như Lai giải thích sự tái sanh của các đệ tử đã từ trần, đã mệnh chung nói rằng: “Vị này tái sanh ở chỗ này, vị này tái sanh ở chỗ kia”. Các Vương Tử nhóm Anuruddha có lòng tin không?”.
Khi nghe đức Phật hỏi như vậy các Vương Tử nhóm Anuruddha khẳng định trả lời: “Bạch Thế Tôn đối với chúng con, các pháp dựa Thế Tôn làm căn bản, hướng đến Thế Tôn làm lãnh đạo, nương tựa Thế Tôn làm y cứ. Bạch Thế Tôn, tốt lành thay nếu Thế Tôn thuyết giảng cho ý nghĩa này. Sau khi được nghe Thế Tôn, các Tỳ kheo sẽ y giáo thọ trì”.
Sau khi nghe các Vương Tử nhóm Anuruddha tin tưởng vào đức Phật không có chút lòng nghi ngờ gì cả nên đức Phật dạy tiếp: Này các Vương Tử nhóm Anuruddha, Như Lai không vì mục đích lường gạt quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích lợi lộc trọng vọng, danh xưng, quyền lợi vật chất, không vì với ý nghĩa: “Như vậy quần chúng sẽ biết ta”, mà Như Lai giải thích sự tái sanh các vị đệ tử đã từ trần đã mệnh chung nói rằng: “Vị này tái sanh ở chỗ này hoặc vị này tái sanh ở chỗ kia”. Và này các Vương Tử nhóm Anuruddha, có những thiện gia nam tử có tin tưởng với tín thọ cao thượng, với hoan hỷ cao thượng, sau khi được nghe như vậy, sẽ chú tâm nghe như thật. Như vậy này các Vương Tử nhóm Anuruddha, là hạnh phúc, là an lạc lâu đời cho các vị ấy” .
Khi tu tập tâm BẤT ĐỘNG đó là sự giải thoát cho riêng mình nhưng trong tâm BẤT ĐỘNG nó có một sự hiểu biết ngoài tri kiến của mình. Ở đây đức Phật nói ra những điều này không phải vì khoe khoang, không phải làm cho người ta kính phục mình, không phải nói ra để được mọi người cúng dường nhiều vật chất, không phải nói ra để mọi người biết đến mình. Ở đây nói ra để mọi người hiểu trong tâm BẤT ĐỘNG có nhiều điều siêu việt mà không thể lấy trí thế gian nghĩ bàn.
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: Ở đây này các Vương Tử nhóm Anuruddha, các ngươi có nghe: “Tỳ kheo với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: “Vị ấy an trú chánh trí. Vị tôn giả ấy đã được thấy hay được nghe. Tôn giả này có giới hạnh như vậy, tôn giả này có trí tuệ như vậy, tôn giả này có an trú như vậy, tôn giả này có giải thoát như vậy. Tỳ kheo khi nhớ đến lòng tin, giới hạnh, đa văn, bố thí và trí tuệ của vị kia, an trú tâm trên như thật”.
Khi chúng ta tu tập chỉ cần diệt trừ được năm hạ phần kiết sử. Năm hạ phần  kiết sử gồm có:
1-     Tham kiết sử
2-     Sân kiết sử
3-     Thân kiến kiết sử (Mạn kiết sử)
4-     Giới thủ kiến kiết sử
5-     Nghi kiến kiết sử
Đúng như lời đức Phật dạy diệt năm hạ phần kiết sử, lúc chết liền được hóa sinh vào niết bàn không còn tái sinh làm người nữa: “Như vậy này các Anuruddha, tỳ kheo có nghe: “Tỳ kheo với tên như thế này đã mệnh chung. Thế tôn có tuyên bố về vị này: “sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử vị ấy được hoá sanh, nhập niết bàn tại chỗ ấy, không còn phải trở lui ở đời này nữa”.
Khi còn sống giữ gìn được tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC, VÔ SỰ  tức là tâm ly dục ly bất thiện pháp. Tâm ly dục ly bất thiện pháp là niết bàn. Cho nên sống với tâm BẤT ĐỘNG, THANH, THẢN, AN LẠC, VÔ SỰ là đã diệt trừ năm hạ phần kiết sử thì chết cũng ở chỗ BẤT ĐỘNG đó, nên gọi là nhập niết bàn. Như lời đức Phật đã dạy ở trên.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...