LỚN LÊN THEO CÁCH "ĐỐI NHÂN" CỦA CHA

Cha tôi vốn rất ít nói và điềm tĩnh, ông được hàng xóm láng giềng rất yêu mến bởi ông luôn cư xử với mọi người bằng tấm lòng chân tình, cởi mở và hay giúp đỡ người khác.
Cách đây ba năm, có một hộ gia đình mới chuyển đến xóm tôi thường bị dân làng ác cảm vì thói đanh đá chua ngoa của chị vợ và bản tính “xảo trá” của anh chồng. Khi người chồng bị tai nạn giao thông gãy chân cần phải vào viện mổ gấp, chị vợ anh tất tả chạy ngược chạy xuôi đi vay tiền chạy chữa cho anh chồng nhưng không một ai muốn giúp họ vì lo sợ họ sẽ “quỵt nợ” không trả.

Vậy mà cha tôi lại đem năm triệu tiền tiết kiệm cha mẹ tích cóp được từ những chuyến xe ôm hàng ngày chạy xe từ tờ mờ sáng tinh mơ đến đêm hôm khuya khoắt mới trở về nhà. Cha mang sang tận nhà cho chị vợ anh hàng xóm bị tai nạn vay. Tôi gàn cha vì không muốn dây dưa với “hạng” người lắt léo. Cha ôn tồn nói với tôi: “Sông có khúc, con người có lúc. Con ạ, giúp đỡ hàng xóm trong lúc hoạn nạn là việc nên làm, với lại cha mẹ cũng chưa cần dùng đến số tiền này.”

Vậy mà sau khi anh chồng bình phục có đến hơn một năm sau họ mới mang tiền trả cha. Đã thế lại còn đếm thiếu tiền. Khi phát hiện ra, tôi đòi sang “lấy nợ” nốt số tiền họ “ăn gian” của cha nhưng cha đã ngăn tôi lại. Cha bảo biết đâu có khi người ta sơ ý nên đếm thiếu mà không biết, hoặc nếu họ có cố tình làm vậy thì cứ coi như là mình gặp xui xẻo đánh rơi mấy trăm ngàn mà không hay. Vì số tiền đó chẳng thể làm mình giàu thêm lên hay nghèo bớt đi nên đừng vì vậy mà đánh mất tình làng nghĩa xóm.

Cha vẫn đối xử với gia đình họ vui vẻ như chẳng hề có chuyện gì. Điều đó khiến họ áy náy và hổ thẹn nên một thời gian sau cả hai vợ chồng sang nhận lỗi và trả nốt tiền cho cha. Cha nhận lại số tiền thiếu đó rồi tự tay dẫn mấy đứa trẻ con của vợ chồng anh hàng xóm đi mua sách vở, quần áo chuẩn bị đón năm học mới. Chính cách sống ân tình của cha đã “cảm hóa” cặp vợ chồng hàng xóm “khó ưa” đó. Bây giờ thì họ đã thực sự thay đổi, vợ chồng họ sống với xóm làng rất chan hòa, có trước có sau.

Cách giải quyết sự việc thấu đáo của cha đã ngấm dần vào chị em tôi. Mỗi lần nghe chúng tôi kể lại về việc chúng tôi gặp phiền phức vì sự ganh ghét đố kỵ của đồng nghiệp hay sự chơi xấu của người nào đó… cha thường khuyên nhủ “phải rộng lượng tha thứ”.

Cha vẫn nói chúng tôi rằng: “Các con muốn mọi người đối xử với mình như thế nào thì hãy cư xử với mọi người như vậy. Trong tình cảm đừng so đo, toan tính thiệt hơn bởi khi mình cho đi bao nhiêu mình sẽ nhận về bấy nhiêu thậm chí còn nhiều hơn. Hãy luôn trân trọng tình cảm, đừng bao giờ làm tổn thương người khác, đặc biệt là người thân. Bởi hủy hoại mối thâm tình là mất mát không gì có thể bù đắp nổi”.

Cha luôn dạy chị em tôi cách sống, cách cư xử như thế. Bây giờ thì các con của cha đều đã trưởng thành và có chỗ đứng trong xã hội, được đồng nghiệp và bạn bè yêu mến, cấp trên tin tưởng… Có được thành công nho nhỏ ấy hôm nay chúng tôi thầm cảm ơn cha, người đã luôn dạy dỗ và chỉ bảo cho các con cách sống sao cho phải đạo, cách cư xử đúng mực, nghĩa tình. Được trò chuyện với cha, mỗi ngày trôi qua chúng con luôn được lớn lên từ cách “đối nhân xử thế”, cách sống của cha mẹ.

Theo Tạp chí Văn hóa Phật giáo