Mất đi đôi tay, nhưng với
nghị lực phi thường, ông đã đứng dậy, vượt bao gian khó trong cuộc sống, ông là
Nguyễn Ngọc Ký thứ hai ở Việt Nam, dệt nên câu chuyện nổi tiếng được lan truyền
từ mấy chục năm nay.
Đó chính là Hoa Xuân Tứ,
nhân vật chính trong truyện ngắn cùng tên của nhà thơ – nhà văn Quang Huy, tác
phẩm đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi do
Trung ương Đoàn phối hợp với hội nhà văn tổ chức năm 1968.
Tuổi thơ dữ dội.
Chúng tôi tìm về nhà
Hoa Xuân Tứ vào một ngày cuối tuần, bầu trời xứ Nghệ mùa này lúc nào cũng âm u,
mây đen xám xịt, có thể trút cơn mưa bất cứ lúc nào. Mới vào đến đầu xã hỏi nhà
Hoa Xuân Tứ mà ai cũng biết. Cũng phải thôi, tôi quê ở khác huyện nhưng từ nhỏ
đã được thầy cô dạy cho tấm gương nghị lực của ông để noi theo. Hoa Xuân Tứ nổi
tiếng là vậy, ai cũng biết thì điều đó cũng dễ hiểu.
Từ thuở ngồi trên ghế nhà trường tiểu học tôi đã nghe tới tên ông nên lần đầu tiên gặp tôi thấy hồi hộp tò mò vô cùng. Con đường vào nhà ông ổ voi, ổ gà nham nhở, sau một hồi vật lộn với con đường đau khổ, chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Hiện ra trước mắt tôi là căn nhà đơn sơ, đang làm dở, dường như chủ nhà hết tiền nên không thể hoàn thiện căn nhà cho đẹp.
"Cho cháu hỏi đây
phải nhà bác Hoa Xuân Tứ phải không ạ?"
"Đúng rồi, tôi là
vợ ông ấy, ông Tứ đang đi bò ngoài đồng, để tôi ra gọi ông ấy về, các chú cứ
vào nhà ngồi chơi, uống nước chờ ông ấy".
Bước vào căn nhà trống
trải, có rất ít thứ đáng giá đồng tiền, tôi hiểu được phần nào cuộc sống của
gia đình ông. Chừng 10 phút sau thì ông Tứ về. Trước mắt chúng tôi là một người
đàn ông nước da ngăm đen, dáng dấp nông dân đích thực, mái tóc đã ngả muối
tiêu, tôi chú ý đôi tay của ông đã bị cụt đến tận nách. Miệng tươi cười, hằn
lên những nếp nhăn, Hoa Xuân Tứ bắt đầu tìm về miền ký ức kể lại câu chuyện đẫm
nước mắt cho chúng tôi nghe.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi
qua nhưng nó vẫn như hằn in trong tâm trí của ông không thể nào quên được. Ngày
đó Hoa Xuân Tứ cũng như những đứa trẻ trong cái làng quê nghèo ở Hưng Nhân, huyện
Hưng Nguyên (Nghệ An) này, tuổi thơ gắn với dòng sông Lam thơ mộng, với những
bãi bồi bạt ngàn mía.
“Hồi đó quê tôi có nghề
kéo mía ép mật thủ công, cứ hai ba nhà có một cái che kéo. Nhà tôi cũng chung với
hai hộ khác làm một cái che. Đó là một cái trục xoay dùng sức kéo của trâu, bò,
hai cái trục dựng đứng để ép mía. Trẻ con vốn nghịch ngợm, hiếu kỳ. Có lần tôi
đến đút mía vào che rồi giục trâu kéo, ai ngờ chiếc máy ép mía ép luôn cả đôi
tay vào trục che, tôi chỉ biết kêu một tiếng trời ơi rồi ngất đi không biết gì
nữa”, ông Tứ bàng hoàng kể lại tai nạn khiến đôi tay ông bị cụt đến tận vai như
ngày nay.
Khi tỉnh dậy thì cậu bé Tứ
đã thấy mình nằm trong bệnh viện, toàn thân đau nhức và Tứ đã khóc khi biết đôi
tay của mình không còn, nó bị cắt cụt lên đến tận vai. Ra viện, Tứ gầy gò, ốm yếu
sống thui thủi một mình trong xó nhà. Tương lai của cậu bé ở vùng quê nghèo rồi
sẽ ra sao khi không còn đôi tay? Những tháng ngày tiếp đó đúng là một thời kỳ
đen tối nhất đối với Tứ, suốt ngày Tứ khóc không chịu chơi đùa gì cả.
Thế nhưng bằng nghị lực
của mình Hoa Xuân Tứ đã dệt nên một cổ tích thần kỳ thời bấy giờ. Tứ không gục
ngã mà đứng lên một cách mạnh mẽ khiến nhiều người phải nể phục. Tấm gương cậu
bé Hoa Xuân Tứ thời đó lan truyền khắp cả nước, lan tới cả ngoài chiến trường
ác liệt, Hoa Xuân Tứ xứng đáng trở thành tấm gương vượt khó, vượt khổ vươn lên
để mọi người học hỏi.
Dệt nên những kỳ tích
giữa đời thường. Thời kỳ đó, một lớp học vỡ lòng được mở ngay đầu xóm của Tứ.
Nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng cắp sách tới trường, nước mắt Hoa Xuân Tứ
nhạt nhòa chan đầy bát cơm trắng độn muối mà bố mẹ, anh chị nhường cho em mỗi
khi nghĩ đến cảnh đám bạn í ới gọi nhau tới trường. Rồi Tứ nuôi ước mơ tới trường,
mỗi lần cả gia đình đi làm đồng, Tứ ở nhà một mình dùng những ngón chân của
mình kẹp lấy que tre tập vẽ trên nền đất. Từ que tre đến viên phấn, “Tứ phải
lên gân, cặp thật chặt hai ngón chân lại. Viên phấn có vẻ chắc chắn hơn, lượn
những nét run run trên mặt phản. Nhưng thỉnh thoảng lại bị “cục” một tiếng.
"Nó lại chịu khó cặp
viên khác. Viết xong được mấy chữ, thả viên phấn ra, hai ngón chân cứ cứng quèo
như bị chuột rút”. (trích “Hoa Xuân Tứ”, tr 17), nhà văn Quang Huy đã miêu tả
như vậy trong tập truyện của mình. Qua bao ngày khổ luyện Tứ đã làm nên điều kỳ
diệu đầu tiên là em viết được bằng chân và viết chữ rất đẹp. Em bảo bố mẹ đưa đến
trường xin nhập học nhưng nhìn cậu bé đôi tay cụt đến tận vai thầy giáo đã lắc
đầu không nhận. Thầy giáo cũng như bạn bè, mọi người đều phán một câu: “Cụt tay
như nó làm sao mà học được”.
Không nản chí, Tứ hằng
ngày vẫn đều đặn mang vở đứng ngoài hiên của lớp nghe thầy giáo giảng bài và học
theo. Nghị lực của Tứ đã làm cho thầy giáo phải bái phục và nhận vào lớp học. Từ
đó người ta thấy trong lớp học có thêm một cậu bé đen nhẻm, dáng nhỏ thó chăm
chỉ ngồi trên tấm phản ở góc phòng học nghe thầy giáo giảng bài. Từ viết chân Tứ
đã chuyển sang viết bằng vai và cằm. Tứ nghĩ rằng, dùng chân viết như thế là “mất
lịch sự” nên cậu bắt đầu tập viết chữ bằng vai và cằm phải.
“Có lần, sang chơi nhà
Tứ, tôi thấy nó đang nằm chổng mông trên giường; cái đầu cứ ngoẹo đi ngoẹo lại.
Quái, thằng này làm cái trò gì không biết? Tôi đến gần xem. Đầu và vai nó cứ voặn
vẹo trên một quyển vở. Hoá ra nó đang tập viết theo kiểu mới. Tôi để ý thấy nó
không cặp bút vào kẽ chân như trước nữa mà cặp vào giữa cằm và vai. Cái thằng Tứ,
không bao giờ nó chịu vừa lòng với việc mình làm!” (trích “Hoa Xuân Tứ”, tr. 20).
Và Tứ đã làm nên điều kỳ tích thứ hai là viết chữ được bằng vai và cằm. Sau bao
năm khổ luyện, với thành tích học luôn đứng đầu lớp, Tứ trở thành một tấm gương
sáng về nghị lực vượt lên tất cả trở thành người sống có ích, học giỏi. Tứ là tấm
gương sáng cho bạn bè, mọi người học tập noi theo, cậu trở thành niềm tự hào
cho mọi thế hệ lúc bấy giờ.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất
trong cuộc đời Hoa Xuân Tứ là vào năm 1967, ông vinh dự được đồng chí Chu Mạnh,
chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ khi nghe được tấm gương vượt khó của Tứ đã
trực tiếp về xóm đưa em ra tận Hà Nội dự Đại hội chiến sĩ anh hùng thi đua toàn
miền Bắc. Cũng trong lần này Hoa Xuân Tứ vinh dự được gặp Bác Hồ. Sau khi nghe
câu chuyện của Tứ, Bác ôm Tứ vào lòng và động viên an ủi Tứ. Cũng trong lần ấy
Bác đã chỉ đạo cho giáo sư Tôn Thất Tùng làm cho Tứ một đôi tay giả. Thế nhưng
không may cho ông là trận lũ lịch sử năm 1978 đã cuốn trôi đôi tay giả ấy, vì
thế ông quay trở lại sống cuộc sống không có tay như ngày xưa.
Đôi chân và cái miệng nuôi
5 đứa con nên người.
Giờ đây Hoa Xuân Tứ đã bước
sang tuổi 64, bằng nghị lực của mình, qua bao năm khổ luyện, Hoa Xuân Tứ bây giờ
có thể làm được mọi việc như bao người bình thường khác như bơi, làm việc lặt vặt
trong nhà và rất nhiều việc khác nữa… Đã gần 50 năm qua, Hoa Xuân Tứ, từ một đứa
trẻ tật nguyền đã trở thành thần tượng của thế hệ tuổi trẻ. Bước ra ngoài văn
chương, ông trở thành lão nông quê mùa mộc mạc.
Sống một cuộc đời bình dị
xứng đáng với sự thương yêu của Bác Hồ và niềm tin của thế hệ thanh, thiếu niên
cách đây gần nửa thế kỷ. Mọi sinh hoạt hằng ngày tuy có phần khó khăn so với
người bình thường nhưng ông vẫn thể hiện một con người giàu nghị lực. Với đôi
hàm răng chắc và đôi chân năng động, rắn chắc đã giúp ông làm mọi việc từ đồng
áng cho tới sinh hoạt cá nhân vì cuộc sống của bản thân và gia đình. Ông cùng
bà Lê Thị Sự, người vợ hiền ngoan, tần tảo, lam lũ hôm sớm để nuôi năm người
con trưởng thành. Giờ đây ông đã có cháu nội, những đứa con lớn lên lần lượt đã lập gia
đình, yên bề gia thất, duy chỉ có người con thứ 3 Hoa Thị Sen (SN 1978), sau một
tai nạn đã phải nằm liệt giường hơn 28 năm nay. Mọi sinh hoạt của chị Sen đều
phải nhờ vào sự chăm sóc của ông và bà Sự.
Chia tay Hoa Xuân Tứ khi
cơn mưa chiều ập xuống, cơn gió lạnh rít lên từng hồi, trong tâm trí tôi vẫn
văng vẳng lời nhắn nhủ của ông: "Tôi không mong muốn gì hơn, vợ chồng
chúng tôi già rồi mà vẫn chưa xây được căn nhà hoàn chỉnh, con Sen lại bại liệt
nằm một chỗ, không biết sau này chúng tôi già rồi thì ai chăm sóc nó được.
Tôi chỉ mong nó có được
cái xe lăn cho nó, được tham gia chương trình vượt lên chính mình để có thể xóa
được số nợ của ngân hàng, có chút tiền hoàn thiện nốt căn nhà đang dang dở. Như
thế là đời tôi mãn nguyện lắm rồi".
Ước nguyện của ông thật nhỏ
nhoi nhưng chất chứa trong đó là ao ước cả đời của ông và gia đình.
(Sưu tầm)