ĐẠO BỬU SƠN KỲ HƯƠNG

Thới Sơn Tự (Tịnh Biên, An Giang) được coi như là Tổ đình của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương

Giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương là một tôn giáo nhập thế, một tôn giáo yêu nước có ảnh hưởng lớn đến lịch sử chính trị và tôn giáo tại Nam Kỳ từ giữa thế kỷ 19. Hậu thân của giáo phái này là các giáo phái Phật giáo Hòa Hảo, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa...

Lịch sử hoàn cảnh ra đời
   
Bửu Sơn Kỳ Hương được khai sáng năm 1849 bởi một người tục danh Đoàn Minh Huyên, sau này dân chúng tôn xưng là Ðức Phật Thầy Tây An. Miền Tây Nam Bộ lúc đó giữa thế kỷ 19 ở trong một hoàn cảnh chính trị-xã hội đặc biệt, thời kỳ chuyên chế kiểu nhà nước chưa được thiết lập vững chắc, vùng đất hoang dã mới được khai phá trong thời kỳ Nam tiến , dân cư từ khắp nơi đến, loạn lạc, chiến tranh biên giới tàn phá liên tục, mất mùa đói kém xảy ra, dịch bệnh chết chóc hoành hành năm 1849 - 1850 đã làm xáo động xã hội và nhân tâm... cả một vùng biên ải Tây Nam.
   
Trong hoàn cảnh ấy, ông Đoàn Minh Huyên từ Tòng Sơn vào Tràm Dư, rồi đến vùng Kiến Thạnh (nay là làng Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) trổ tài trị bệnh cho dân. Từ chỗ chữa trị bệnh có kết quả, ông dìu dắt được nhiều bệnh nhân và người thân của họ đến chỗ cải sửa tánh tình, biết điều nhân nghĩa, hiếu thảo với mẹ cha, kính thờ Trời Phật.
   
Người tin theo ông ngày một đông, nên ngay vào năm 1849, ông sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, rồi từ đó cho đến năm 1856, ông đến vùng đất phía tây Thất SơnLáng Linh, dựng chùa, lập trại ruộng và đi dạo khắp vùng miền này.
    
Danh từ Bửu Sơn Kỳ Hương này được truyền ra là từ khi ông về ở Núi Sam. Cứ mỗi lần ông thâu nhận một người nào qui y thọ giáo thì ông có phát cho một cái lòng phái có bốn chữ Bửu- Sơn Kỳ- Hương bằng son in trên giấy vàng. Ông có bài thơ rằng :
Bửu ngọc quân minh thiên Việt nguyên
Sơn trung sư mạng địa Nam tiền
Kỳ niên trạng tái tân phục quốc
Hươngxuất trình sanh tạo nghiệp yên.
Các thời kỳ phổ hóa
   
Thời kỳ phổ hóa, hay là thời kỳ phát triển Đạo, có thể chia ra 3 thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất với các ông Phật Thầy Tây An và Phật Trùm. Thời kỳ thứ hai với Đức Bổn Sư và thời kỳ thứ ba với Sư Vãi Bán Khoai và Huỳnh Giáo Chủ. Đó là những ông Đạo mà tín đồ theo đạo tin là do Phật Thầy Tây An chuyển kiếp thêm bốn đời nữa để giáo hóa chúng sinh.

Đức Phật Thầy Tây An : Đoàn Minh Huyên
   
Đức Phật Thầy Tây An tên thật là Đoàn Minh Huyên, là người sáng lập ra giáp phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Sau này ông đi tu tại chùa Tây An cho đến khi qua đời năm 1856.
   
Mặc dù mất sớm, nhưng Đoàn Minh Huyên đã làm được rất nhiều việc như: chữa bệnh miễn phí, khẩn hoang thành lập nhiều "trại ruộng"và am tu hành, để có chỗ cho tín đồ hành đạo và tự tay làm lấy miếng ăn.
   
Đạo phát triển rất nhanh tại Châu Đốc, Long Xuyên, ngoài ra còn được truyền giáo ở Cao Miên với bà Năm Chòm Dầu, ở vùng Sa Đéc, Vĩnh Long có ông Đạo Ngoạn, ở các tỉnh miền Đông thì có ông Đạo Xuyến...

Đức Cố Quản: Trần Văn Thành
   
Đức Cố Quản (1820 - 1873), tục danh là Trần Văn Thành. Ông trưởng thành vào lúc loạn lạc, khi quân Pháp đã chiếm sáu tỉnh Nam kỳ và phong trào kháng Pháp lan truyền khắp nơi. Vốn là chánh quản cơ trong quân ngũ, nên ông hưởng ứng phong trào Cần Vương kháng Pháp. Ông vận động đồng bào, tín đồ Bửu sơn Kỳ Hương cùng quân lính của mình, về Láng Linh - Bảy Thưa gấp rút xây dựng căn cứ, phất cờ khởi nghĩa lấy hiệu là Binh Gia Nghị. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thất bại vì thiếu võ khí và chưa kịp xây dựng đồn lũy kiên cố.

Đức Phật Trùm : Phật Trùm
   
Là người Việt gốc Khmer ít học, nói tiếng Việt không thạo; vậy mà vào năm 1866, sau những ngày lâm bệnh nặng đến hôn mê, ông bỗng dưng tỉnh táo và khỏe lại, tự nhận mình là hậu thân của Phật Thầy Tây An, là hồn Trùm của Phật (nên được tín đồ gọi tôn là Phật Trùm). Từ đó ông đi rao giảng đạo toàn bằng tiếng Việt và chữa bệnh cho đến năm năm Ất Hợi (1875) khi ông viên tịch. Thời kỳ này sau vụ khởi nghĩa của Đức Cố Quản, Pháp truy nã những tín đồ của Bửu Sơn Kỳ Hương.
   
Tóm lại, giáo phái từ khi Đức Phật Thầy Tây An khai sáng cho đến khi Đức Phật Trùm viên tịch, là ở vào giai đoạn thành lập xây đựng với nhiều chùa chiền và trại ruộng được lập khắp nơi.

Đức Bổn Sư : Ngô Lợi
   
Đức Bổn Sư hay ông Năm Thiệp ((1831 -1890), tục danh là Ngô Lợi. Tương truyền từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, Ngô Lợi cũng không có biểu hiện gì khác lạ. Cho đến năm 1851, lúc 20 tuổi, ông viết Bà La Ni Kinh dài 223 chữ Hán, mà sau này trở thành quyển kinh quan trọng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Năm Đinh Mão (1867), bỗng nhiên ông bất tỉnh, và sau 7 ngày 7 đêm ông tỉnh lại, từ đó ông đi giảng đạo khắp nơi, đưa các tín đồ tới xã An Lộc (An Giang) dựng chùa năm 1872, và cũng mộ binh để kháng chiến chống Pháp.
   
Sau khi ông mất, vì không còn ai kế vị nên mọi việc đều giao cho ông Trò, ông Gánh phụ trách. Do vậy, mỗi nơi hành đạo khác nhau, thậm chí có một số vị làm phù chú chữa bệnh rơi vào sự mê tín dị đoan làm sai lạc giáo lý ban đầu của đạo.

Ông Sư Vãi Bán Khoai : Sư Vãi Bán Khoai
   
Sau khi Đức Bổn Sư qua đời khoảng 11 năm thì ông Sư Vãi Bán khoai xuất hiện vào khoảng năm Tân sửu (1901) và năm Nhâm dần (1902) nghĩa là cũng còn trong thời kỳ quân Pháp đang thi hành chánh sách đàn áp gắt gao các tín đồ của giáo phái và ông đã tạo cho giáo phái mạnh tiến vào thời kỳ phổ biến. Vì tránh sự truy nã của Pháp, nên ông truyền giáo bằng phương pháp giả dạng thay hình, khi thì làm người bán khoai, khi thì làm kẻ bán củi, ông xưng khùng xưng điên, đi nơi này chốn nọ, nhứt là ở vùng Kinh Vĩnh Tế và Cao Miên, khuyến hóa dân sanh lo tu hành niệm Phật và để lại 1 quyển Sám giảng người đời gồm có 11 chương. Về sau, ông mất tích, cũng bí mật như lúc ông xuất hiện.

Đức Huỳnh giáo chủ : Huỳnh Phú Sổ
   
Huỳnh giáo chủ, tục danh Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) là người sáng lập đạo Hòa Hảo, hay còn gọi là Phật giáo Hòa Hảo.

Pháp môn
   
Giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương chủ trương pháp môn Tu Nhân Học Phật giản lược bớt từ cách hành pháp của Phật Giáo. Tuy nhiên, Đức Phật Thầy Tây An thì chủ về vô vi (không câu nệ hình thức, nghi thức), còn Đức Bổn Sư thì trọng về sắc tướng (nghi thức, hình tượng). Ngoài việc tu thân theo đạo Nho để trở nên người quân tử, tín đồ còn được khuyến tu Tứ Ân Hiếu Nghĩa (tức là bốn ân: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại), đặc biệt biểu dương tinh thần Hiếu hạnh đối với Tổ tiên cha mẹ, và Nghĩa khí đối với quê hương đất nước. Tín đồ còn được hướng dẫn lo làm lành lánh dữ, sửa tâm sửa tánh, siêng năng niệm Phật. Có thể nói tóm lược, Pháp môn tu hành của đạo là một hình thức Thiền - Tịnh song tutùy duyên hóa độ theo :

- Trì niệm theo Thiền tông.
- Xử sự theo Nho giáo.
- Luyện tinh, khí, thần theo Lão giáo.
- Ấn quyết, thần chú theo Mật tông.
   
Bửu Sơn Kỳ Hương rút ra 3 điều quan trọng nhất của Phật giáo truyền thống là: Giới-Định-Tuệ. Giới là những phép tắc phải giữ đối với chính đạo, không cho phạm vào những lỗi lầm xấu và làm những điều ác vô minh. Định: lặng nghĩ, thiền tịnh để quên đi những lạc thú ở đời và diệt trừ ham muốn, tập trung tư tưởng để thấu đạt đạo lý. Tuệ là hiểu thấu vô thường và khổ não chi phối mình, bao nhiêu khổ đau được diệt trừ và thấy được Phật tính
   
Về phương diện nghi thức thờ phượng, mỗi nhà, ngoài bàn thờ ông bà cha mẹ, còn có ngôi thờ Tam bảo, trên đó chỉ thờ đơn giản một tấm trần điều. Tín đồ không ăn chay, không gõ mõ tụng kinh, không xuống tóc cạo râu. Vật phẩm dâng cúng chỉ hương hoa và nước lã đơn sơ. Chỉ cần giảng và nghe giáo lý, chứ không cần ghi chép. Đơn giản hóa hình thức cúng tế và nghi thức tụng niệm.

Đặc điểm của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương
Tính dân gian và thực tiễn
   
Bửu Sơn Kỳ Hương cũng như một số đạo giáo khác không phải là một tông phái của Phật giáo, tuy có phần nào dùng một số giáo lý Phật giáo. Có thể nói Bửu Sơn Kỳ Hương là một sự đơn giản hóa và bình dân hóa đạo Phật, đưa đạo Phật và các truyền thống dân tộc đi vào cuộc đời. Tín đồ chỉ cần niệm Phật và tu tại gia, mà không cần ly thân xuất gia và không cần gõ mõ, cạo râu tóc cũng như dùng những hình thức cúng tế cầu kỳ. Tứ ân cũng có thể xem là nét tinh túy của văn hóa Việt Nam vốn trọng đạo nghĩa và đã biết kế thừa tinh hoa trong truyền thống như lòng yêu nước, tình thương nhân loại, tính đoàn kết, đạo thờ cúng tổ tiên, lòng biết ơn anh hùng liệt sĩ, tính cần cù, yêu lao động. Đây cũng là sự kế thừa có sáng tạo cho phù hợp với con người, thời đại và vùng đất đai tại đây. Giáo phái đã theo thuyết "vô vi" của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần và đã hòa vào cuộc đời sâu xa và cụ thể đến mức không còn phân biệt hình tướng, là tu sĩ hay cư sĩ, đã trở về với cội nguồn dân tộc, qua truyền thống yêu nước, qua trang phục, vốn là những chiếc áo bà ba màu đà, màu của ruộng đồng phù sa Nam Bộ, qua búi tóc, qua các hình thức thờ phụng gần gũi với tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc là thờ cúng tổ tiên.
   
Tính thực tiễn của Đạo trong việc hành pháp thể hiện qua những hoạt động thực tiễn như sự tự lập những trại ruộng để tự túc trong vấn đề sinh sống và sự dung hòa các nhiều tôn giáo (Khổng, Phật, Lão) và truyền thống dân tộc. Qua lao động, vốn là nếp sống của dân tộc nhiều thế kỷ qua, ông Đoàn Minh Huyên đã tạo được một phong trào khai hoang rộng khắp.

Tinh thần ái quốc và đoàn kết
   
Ân đất nước là một trong bốn ân (tứ ân) mà các tín đồ được răn dạy để tuân thủ và đặc biệt chú trọng, cho nên tinh thần yêu nước cũng được phát triển. Do đó, khi Pháp xâm chiếm miền Nam, các tín đồ đã hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến chống Pháp.

Nhận xét tổng quát
   
"Bửu Sơn Kỳ Hương đã đề xướng những hoạt động mang lợi ích thiết thực cho đời sống lưu dân. Như vào năm 1851, Đoàn Minh Huyên chia các đệ tử thành nhiều đoàn đi khẩn hoang những miền đất hoang vu, lập nên những trại ruộng ở vùng Cần Lố (Đồng Tháp Mười) của ông Đạo Ngoạn; vùng Láng Linh của Quản cơ Trần Văn Thành; vùng núi Két (thuộc Thất Sơn) của ông Bùi Đình Thân (Bùi Thiền Sư), sau lập nên hai làng Hưng Thới, Xuân Sơn; vùng Cái Dầu của ông Nguyễn Văn Xuyến (Đạo Xuyến)... Nhờ đức tin, tín đồ đã bám trụ và khẩn hoang, biến những vùng đầm lầy, rừng rậm thành những vùng đất rộng lớn, màu mỡ.
  
Khi Pháp xâm chiếm miền Tây Nam Bộ (1867), tiếp nối truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt và tư tưởng giáo lý “Tứ ân”, những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đã tự cuốn hút vào ngọn cờ khởi nghĩa do lãnh tụ Trần Văn Thành khởi xướng ở Bảy Thưa (Láng Linh). Tuy nhiên, do lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ... nên cuối cùng khởi nghĩa này cũng không tránh khỏi thất bại.
   
Bửu Sơn Kỳ Hương thực sự là một tôn giáo nhập thế, một tôn giáo yêu nước có ảnh hưởng lớn đến lịch sử chính trị và tôn giáo tại Nam Kỳ"

GS.TS. Ngô Văn Lệ
Trường Đại học KHXN & NV thành phố HCM


HẾT